Phương ngữ Quảng Nam - Bài 1: Đi tìm gốc gác của phương ngữ

VŨ ĐỨC SAO BIỂN 21/06/2014 10:29

(QNO) - Phương ngữ là cái hồn văn hóa dân gian của một địa phương và nếu vì một lý do gì đó, ta làm mai một phương ngữ đi thì có nghĩa là ta đánh mất truyền thống.

“Tiếng Quảng Nam có âm vị mặn mà
Người Quảng Nam vốn ngôn từ thiệt thà
Mở rộng vòng tay và gắn kết tim ta
Hồn quê em Quảng Nam nằm trong sắc rượu đậm đà”.

(Vũ Đức Sao Biển - Rượu Hồng đào).

Ngôn ngữ nói dân gian của bất cứ một địa phương nào cũng có những từ ngữ riêng mà ta gọi là phương ngữ. Một cách khái quát, ngôn ngữ nói của người Quảng Nam có một số phương ngữ trùng hợp với phương ngữ chung của nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng. Đó là các từ ngữ như ở mô (ở đâu), đằng tê (đằng kia), cái chi rứa (cái gì vậy), con khọn (con khỉ), xa ngái (xa lắm)…  Thế nhưng, phần phương ngữ riêng của Quảng Nam rất phong phú, có thể làm các bạn ngạc nhiên.

Đất Quảng Nam phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ phụ của người Quảng Nam phần lớn là người Thanh Hóa - Nghệ An; trên 500 năm trước, theo bước chân tuần du của vua Lê Thánh Tông, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới. “Vua Lê dắt lính vô Trung/ Tôi theo chúa Nguyễn vượt cù mông tôi qua đèo” nhạc sĩ Phạm Duy đã viết như vậy trong Con đường cái quan. Những người đến trước thường chiếm vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá hơn. Những người đến sau phải đi dần lên vùng bán sơn địa và miền núi. Lịch sử của con người nói chung và của người Quảng Nam nói riêng là phát triển từ đông sang tây. Đông là hướng biển, tây là hướng rừng núi Trường Sơn.

Trước năm 1975, phương tiện giao thông chưa có nhiều, phương tiện truyền hình phát thanh lại càng hiếm. Người ta ở đâu thì ở đó, ít đi lại với nhau, ít nghe nhau nói. Có người suốt đời không có dịp đi ra khỏi làng mình. Vì vậy mà ngôn ngữ nói các vùng miền ít có cơ hội giao tiếp. Người Quảng Nam nói thứ ngôn ngữ mà tổ phụ và bà con xung quanh thường nói. Chính vì thế nên hệ thống phương ngữ Quảng Nam gần như được bảo lưu trọn vẹn. Địa hình hiểm trở khiến ngữ thanh của từng địa phương nhỏ cấp huyện, xã, thôn rất khác nhau. Chỉ trong một địa bàn Quảng Nam, những bà con vùng nguồn nói, vùng biển chưa chắc đã nghe được.

Tôi nhớ có một ông ở Sơn Lãnh (Quế Sơn) gánh nồi đất xuống tận chợ Bàn Thạch (Duy Xuyên) bán. Buổi trưa nóng nực, chợ chưa đông, ông ngồi than thở với cha tôi;

- Tôi ở Sơn Lãnh, đi qua Sơn Thạnh xuống đây bán nồi đất. Chưa bán chi được mà nó trợt cái oách, bể hai cái trách một cái vung.

Ông nói rất nhanh, đặc biệt khi phát âm các từ có nguyên âm A như Lãnh, Thạnh, bán, đất, oách, trách thì ngữ thanh rất gần với ngữ thanh của bà con Thanh Hóa. Sau này có dịp thâm nhập, tôi mới biết bên kia đèo Le của Quế Sơn, có những làng mà tổ phụ là người Thanh Hóa. Bởi quần cư sau một ngọn đèo hiểm trở, điều kiện đi lại khó khăn nên bà con ít khi đi khỏi làng mình. Sự giao lưu ngôn ngữ không có nên có những âm rặt của người Thanh còn được giữ lại dù bà con đã sống giữa lòng Quảng Nam trên 500 năm.

Bà con vùng Tiên Phước phát âm những chữ có vần “ôi” thường cho ra âm vị “oôi” rất dễ thương. Nếu bạn may mắn gặp được một cô gái Tiên Hà xinh đẹp phát âm những âm vị này, e rằng bạn khó bỏ xứ Tiên Phước mà đi. “Trời toối roồi, anh nên về đi thoôi”- cô bảo bạn như vậy. Nhưng xin bạn chớ dại dột mà bỏ đi thiệt. Bởi “Nhứt gái Tiên Hà; nhì gà Tiên Lãnh”. Bạn đến Tiên Phước mà không chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nghe ngữ thanh duyên dáng của cô gái Tiên Hà, không ăn món gà Tiên Lãnh xé phay trộn rau răm với cháo là sai lầm nghiêm trọng!

Tuy nhiên, ngữ thanh (âm vị) chỉ là cái vỏ bên ngoài. Chính hệ thống phương ngữ mới quyết định nội hàm của ngôn ngữ Quảng Nam.
________________________
Bài 2: Từ điển phương ngữ Quảng Nam

Tôi sẽ bắt đầu bàn qua phương ngữ theo thứ tự alphabet, giải thích ngữ nghĩa và đặt từ ấy trong văn cảnh cụ thể để bạn đọc tiện theo dõi. Có những từ về âm vị, người Quảng Nam nói đúng theo âm vị các vùng miền khác nhưng ngữ nghĩa thì rặt Quảng Nam. Chúng tôi cũng đưa các từ này vào trong phương ngữ Quảng Nam.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phương ngữ Quảng Nam - Bài 1: Đi tìm gốc gác của phương ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO