Văn học thiếu nhi "Made in Quảng Nam": "Mơ về phía chân trời"

BẢO ANH 27/11/2016 10:57

Chiều 22.11, tại Tam Kỳ, đại diện Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch và Nhà Xuất bản Kim Đồng đã có cuộc gặp gỡ với những người có sáng tác cho thiếu nhi, hiện sinh sống, làm việc tại Quảng Nam.“Giấc mơ xa” về những chân trời văn chương dành cho thiếu nhi lại được thắp lên...

Một số ấn phẩm dành cho thiếu nhi “made in Quảng Nam” được xuất bản trong thời gian qua. Ảnh: B.A
Một số ấn phẩm dành cho thiếu nhi “made in Quảng Nam” được xuất bản trong thời gian qua. Ảnh: B.A

Khoảng trống mênh mông

Trong số gần 70 tác giả thơ và văn xuôi là hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, số người có năng khiếu và có sáng tác cho thiếu nhi chỉ vừa đủ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ khiêm tốn về số lượng, hầu như không có ai trong số này dành hết tâm sức của mình để viết cho thiếu nhi. Thảng hoặc mới có vài người có một truyện ngắn, vài bài thơ nhỏ về trẻ em và cho trẻ em. Ngay như tác giả Lê Trâm, Chi hội trưởng Chi hội Văn học và là người có nhiều tác phẩm văn học cho thiếu nhi nhất của Quảng Nam hiện nay (3 tập truyện dài), cũng cho biết, thi thoảng anh mới nghĩ đến việc viết cho thiếu nhi, và đó chỉ là nhớ nghĩ bất chợt chứ không phải là một kế hoạch sáng tác bài bản. Còn nhạc sĩ Phan Văn Minh, người có nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng và là tác giả của gần 20 truyện ngắn cho thiếu nhi, thì tâm sự, càng lúc anh càng ít hăm hở hơn trong việc viết văn cho thiếu nhi. Lý do: tác phẩm viết ra rất khó tìm được nơi công bố ban đầu; nếu gom lại để in thành sách thì phát hành cũng khó, nhất là trong bối cảnh văn học thiếu nhi cả nước nói chung dường như đang bị “bỏ rơi” và trong không gian văn học có phần “chật chội” của Quảng Nam nói riêng.

Phần nào vì những lý do đó, khoảng trống của văn học dành cho thiếu nhi ở Quảng Nam, của Quảng Nam càng lúc càng mênh mông. Danh mục sách thiếu nhi “made in Quảng Nam” hiện có vừa ít vừa... cũ - chủ yếu được xuất bản từ hơn 10 năm trước. Đó là những “Tý cô nương”, “Mơ về phía chân trời”, “Bức tranh gửi lại” của Lê Trâm; “Mưa đầu mùa” của Phan Văn Minh; “Đội bóng nhí xóm Mới” của Tiêu Đình; “Tuổi thơ trong lửa đạn” của Cao Kim; “Quê nhà cô Tấm” của Phan Chín; “Sân cỏ tuổi thơ” của Lê Thị Điểm. Từ năm 2010 trở lại đây, các tác giả này vẫn tiếp tục xuất bản sách nhưng... không ai có sách cho thiếu nhi. Chỉ có 2 tác giả khác có sách cho thiếu nhi trong khoảng thời gian này là Nguyễn Tam Mỹ với truyện dài “Tuổi thơ trong chiến tranh” (2011) và gần đây nhất là Nguyễn Bá Hòa với tập truyện “Vạn dế than” (2015). Ngoài ra, còn có thể kể thêm một tác giả nữa là Lê Phước Trịnh, từ nhiều năm nay đã có một tập bản thảo thơ thiếu nhi đầy đặn nhưng đến giờ này vẫn còn là... bản thảo.

“Mơ về phía chân trời”

Tâm tình với những người từng sáng tác cho thiếu nhi, về thiếu nhi của Quảng Nam, cả bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch và bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Kim Đồng đều thừa nhận, không chỉ riêng Quảng Nam mà trên phạm vi cả nước, văn học thiếu nhi đang “khan hiếm” cả về người viết lẫn tác phẩm. Và đây cũng là một trong những lý do khiến ban điều hành Dự án văn học thiếu nhi và lãnh đạo NXB Kim Đồng quyết định tổ chức tìm kiếm, kết nối với các tác giả văn học và mỹ thuật tại một số địa phương “có tiềm năng nhưng chưa được khai phá đúng mức”. Qua đó, giới thiệu cho các tác giả những bộ loại, mảng sách, đề tài, đối tượng của NXB Kim Đồng cũng như trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi.

Theo bà Lê Thị Dắt, không gian cho văn học thiếu nhi rất rộng lớn và đang ngày càng mở rộng để phù hợp với những cảm quan văn học mới cũng như với các thế hệ độc giả nhí “đang ngày càng tinh tế, hiểu nhiều biết rộng và sắc sảo hơn”. Trong đó, Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch luôn rộng cửa chào đón tác phẩm của mọi người thông qua các cuộc vận động sáng tác truyện và tranh truyện cũng như sự tiếp cận các thể loại sáng tác mới như truyện giả tưởng, graphic novel (tiểu thuyết bằng hình ảnh)... Bà Vũ Thị Quỳnh Liên thì chia sẻ: “Có thể ở đâu đó - như ở Quảng Nam chẳng hạn, có người đã và đang viết cho thiếu nhi, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa kết nối được với chúng tôi hoặc chưa hiểu cách làm sách của chúng tôi. Qua cuộc gặp này, hy vọng họ sẽ có những quyết tâm cụ thể và mạnh mẽ hơn cho chọn lựa của mình”.

Và, khác hẳn với những e dè ban đầu về cái sự “ít viết cho thiếu nhi”, các tác giả Quảng Nam tham dự buổi gặp mặt đã biến cuộc “gặp gỡ làm quen” trở thành buổi thảo luận về đam mê và kinh nghiệm sáng tác văn học thiếu nhi cũng như những “sứ mệnh” của người cầm bút và sự chờ đợi từ phía công chúng nhỏ tuổi. Chỉ đến khi ấy một số tác giả mới cho biết mỗi người trong số họ đang bỏ dở ít nhất một tập sách thiếu nhi do “thiếu động lực”. “Bây giờ thì chúng tôi đã được “kích hoạt lại” rồi. Đầu năm 2017, tôi sẽ chuyển bản thảo của mình về NXB Kim Đồng” - tác giả Tiêu Đình quả quyết. Và rồi Lê Trâm, Phan Văn Minh cũng đưa ra cam kết sáng tác với lời hứa hợp tác cùng NXB Kim Đồng, bắt đầu từ năm 2017. Ngay cả người chỉ biết vẽ, chưa từng có ý niệm về việc làm sách là họa sĩ Đoàn Minh Thuần, cũng tỏ ra quả quyết: “Tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn về truyện tranh”.

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn học thiếu nhi "Made in Quảng Nam": "Mơ về phía chân trời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO