Thi tập “Lá trên cành đang thu” ra mắt đúng vào dịp sinh nhật của nhà thơ Vạn Lộc đang cận kề tuổi 80. Chắc hẳn tác phẩm này một lần nữa sẽ góp thêm nguồn năng lượng tích cực để nhà thơ tiếp tục yêu thương cuộc đời...
“Lá trên cành đang thu” do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 12/2022 là thi phẩm thứ 10 của nhà thơ Vạn Lộc. Như vậy, tính từ tập thơ đầu tiên “Chút riêng tư” (NXB Đà Nẵng, in lần đầu năm 1997 và tái bản năm 2000), gần như bình quân 2 năm một lần, Vạn Lộc đều cho ra mắt tác phẩm mới.
Thơ của Vạn Lộc đa dạng về thể loại và phong phú đề tài. Tuy nhiên, tựu trung nguồn cảm hứng say mê và bền bỉ nhất của chị vẫn thường gắn liền với tình yêu quê hương. Điển hình nhất trong tập thơ mới này là những bài thơ: “Xót miền Trung”, “Quảng Nam mùa xuân”, “Quê ơi!”...
Theo tôi, những câu thơ hay nhất của Vạn Lộc, có thể được xem là “tuyên ngôn một đời thơ” của chị nằm ở bài “Một đời thơ”: “Một đời thơ thẩn với thơ/ Hồn tôi lau trắng bên bờ sông quê/ Trước nghìn trùng sau sơn khê/ Đêm mơ mòn mỏi lối về ngày xưa”.
Là người con gái Quảng Nam, tác giả đã viết về dòng sông quê hương đầy tha thiết: “Thu Bồn đâu chỉ con sông/ Là bến neo đậu là dòng yêu thương/ Là phương ngóng sớm trông chiều/ Là miền tâm tưởng bao nhiêu nỗi niềm”.
Chẳng những thế, tác giả lại ví dòng sông như người mẹ trong “Nổi trôi rồi cũng một đời”: “Ngược nguồn sông chảy vào tim/ Mỗi khi vấp ngã chỉ tìm mẹ thôi/ Nổi trôi rồi cũng một đời/ Xa quê thành kẻ mồ côi quê nhà” (Nổi trôi rồi cũng một đời).
Có thể nói, rải rác ở mỗi bài thơ của Vạn Lộc, hình ảnh quê hương luôn ẩn hiện trong ngôi nhà, trong máu thịt: “Đời tựa cánh chim di trú/ Quê hương trong mỗi ngôi nhà/ Níu hồn người đi người ở/ Đã máu đã thịt đã da/ Tôi về thăm lại xóm cũ/ Thăm tôi những ngày xưa xa...”. Trong con mắt của chị, với một tiếng chuông chùa, một tiếng tiếng trống của ngôi trường làng, và đôi khi một tô mỳ Quảng quen thuộc cũng gợi lên nhiều xúc cảm.
Đan xen trong những bài thơ về tình yêu quê hương, thơ của Vạn Lộc cũng thể hiện nhiều nỗi niềm về tình yêu gia đình: “Trái tim đàn bà luôn yếu đuối/ Vì chồng con mòn cả tuổi thanh xuân”.
Và đôi lúc, vài chi tiết nho nhỏ hiện diện trong đời sống thường ngày cũng khiến chị nhung nhớ viết nên những câu thơ hay như: “Ban mai không còn xanh tiếng cu gù/ Không còn tiếng lích rích của lũ sẻ nâu/ Ngày trở nên thật dài/ Chạm vào hồn tôi nỗi buồn sâu lắng” hoặc: “Người già thường hay nhớ/ Những nỗi nhớ rất xa/ Bỗng một hôm vô cớ/ Tôi chợt nhớ Misa” (Misa).