Hiện nay thị dân hay bàn thảo về những khái niệm “thành phố sống tốt”, “thành phố đáng sống” hay “đô thị hạnh phúc” giữa muôn vàn khó khăn của một đô thị trong thời kỳ phát triển. Dù đó là một đô thị cũ đang “triển nở”, mở rộng biên độ bằng các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các cơ sở kinh tế, dịch vụ mới, hay đó là một đô thị hoàn toàn mới, từ làng lên phố, đang diễn ra quá trình đô thị hóa.
Đô thị Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đô thị nào cũng bị tác động tiêu cực bởi nạn ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nạn kẹt xe, sự thiếu không gian xanh, sự gia tăng dân số vùng trung tâm - vùng lõi đô thị khiến nhà ở và tiện nghi cư dân thiếu thốn bất cập. Đó còn là sự thiếu hụt các dịch vụ đời sống do các cơ sở quá tải so với nhu cầu thực tiễn và so với dự kiến quy hoạch trước đó, chưa nói đến những thách thức ngày càng dữ dội của biến đổi khí hậu. Trong gần 800 đô thị lớn nhỏ (nguồn: vienkientrucquocgia.gov.vn) ở nước ta, trừ các đô thị như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phố Hiến, Huế, Hội An…, hầu hết đô thị đều chưa quá trăm tuổi, đều khởi sự từ những quần cư vốn là làng quê, tụ hội buôn bán xung quanh các lỵ sở hành chính của chính quyền phong kiến đương thời và thiếu vắng các thiết chế đặc trưng của một đô thị. Cuối thế kỷ 19, khi người Pháp chiếm cứ nước ta, quy hoạch đô thị kiểu châu Âu mới được áp dụng.
Cho đến hôm nay, không thể phủ nhận sự thay đổi lớn lao của diện mạo đô thị về quy mô, công năng kiến trúc, về chất lượng sống của đô thị được nâng tầm theo hướng văn minh hiện đại và sự phát triển của đô thị chính là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế đất nước. Thế nhưng xét chung về 3 thành tố làm nên quy chuẩn của một thành phố sống tốt, như: sự phát triển của cá nhân, trong đó gồm các khía cạnh của cuộc sống tốt trực tiếp liên quan đến việc đầu tư vào con người như giáo dục, sức khỏe và sinh kế; môi trường sống tốt: bền vững về môi trường trong phát triển; đời sống văn hóa, xã hội, cộng đồng - không gian sống hằng ngày (lifespaces) của con người, trong đó cuộc sống của các cư dân có mối liên hệ với nhau, cùng tham gia các tập quán, hoạt động/thực hành văn hóa và hình thành các mối liên kết xã hội khiến cho đô thị có bản sắc (Friedmann, 1988), thì thị dân vẫn có cơ sở thực tiễn để hướng về một đô thị hạnh phúc.
Quá trình đô thị hóa thực sự là cuộc cải biến toàn diện về kinh tế, xã hội, môi trường và là xu thế tất yếu của thế giới. Con người khó cưỡng lại sự dịch chuyển của công việc dưới sự tác động của khoa học, công nghệ cùng với sự phân công lao động, sự phân tầng xã hội. Sự phát triển cá nhân sẽ hạn chế bởi tình trạng bất ổn về công ăn việc làm khi mức độ kinh tế phi nông nghiệp ở khu vực đô thị mới đạt mức 60%. Nhà ở khó bảo đảm khi tính bình quân diện tích đất dân dụng trong đô thị mới chỉ đạt 20 - 30 mét vuông/người và dòng người tập trung về các đô thị ngày càng lớn. Quá trình đô thị hóa còn là sự thay đổi/biến đổi văn hóa khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống mai một trước sự đổi thay và hiện đại hóa. Một sự thể diễn ra hằng ngày ở các đô thị: những thị dân lớn tuổi nếu như không có sự thông hiểu, khoan dung, thì khó có thể “chịu” được lớp trẻ với trào lưu xăm trổ trên thân thể, mặc theo lối demim - mặc đồ jeans xước, rách hay jeans bùn đất, tạt sơn loang lổ…
Quy hoạch xây dựng đô thị vẫn còn tính tự phát, các kiến trúc thường bám theo các tuyến đường chính, hình thành các “đô thị quốc lộ” hay “đô thị mặt tiền” mà thiếu chiều rộng, khiến phía sau mặt tiền là các khu nhà cấp thấp, xộc xệch - biểu hiện của quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát. Về kiểu thức kiến trúc, xây dựng, trào lưu kiểu thức “củ hành, củ tỏi” xa lạ với truyền thống, các tòa nhà “khung nhôm, cửa kính” không phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương đang “lan tỏa” khắp nơi khiến cho kiến trúc đô thị ngày càng thiếu chiều sâu bản sắc kiến trúc Việt hay bản sắc kiến trúc địa phương. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ “san bằng lịch sử và thế là xóa bỏ cả đặc điểm riêng của mình” như Denis Gray từng lo ngại về kiến trúc Hà Nội (Tạp chí kiến trúc Việt Nam 1/2007, tr.35).
Một sự lạc quan dành cho cư dân những đô thị có quy hoạch chỉn chu mang tính khoa học về phát triển đô thị - những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt đến độ hài hòa, cân bằng với quy hoạch đô thị - khi vừa chăm chút đến việc đầu tư cho phát triển con người cả thể chất lẫn tinh thần, vừa đầu tư cho an sinh xã hội, môi trường sống “xanh sạch, đẹp”, bền vững. Quy hoạch đô thị có ý nghĩa hình thành tương lai khi có những không gian dự phòng chính xác cho phát triển như không gian cư trú để điều tiết dân cư, không gian công cộng, không gian sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, giải trí.
Theo các nhà đô thị học, thế kỷ 21 là thế kỷ của đô thị với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị và đó cũng là tương lai của nhân loại. Một đô thị hạnh phúc vì thế không cần phải to lớn, hoành tráng với số dân đông hay các kiến trúc to lớn chọc trời. Hạnh phúc là khi thị dân thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như được phục vụ tận tình bởi các dịch vụ công, việc làm có thu nhập tốt, ở nhà giá rẻ, đi lại thuận tiện, có không gian công cộng, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, có cộng đồng gắn kết, khoan dung, an toàn, giàu bản sắc văn hóa đô thị khi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong môi trường hiện đại.
PHÙNG TẤN ĐÔNG