Số lượng hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế và gây lo ngại cho người tiêu dùng.
Thống kê và điều tra của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Cục Sở hữu trí tuệ châu Âu cho biết, lượng hàng giả, hàng nhái trên thế giới mỗi năm có giá trị gần 500 tỷ USD, chiếm 2,5% lượng nhập khẩu hàng hóa toàn cầu. Trong đó, các thị trường tại Mỹ, Italia và Pháp chịu thiệt hại nặng nề với các tổ chức buôn bán hàng giả hoạt động rất tinh vi. Hầu hết số lượng hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc tại các quốc gia có thu nhập trung bình, các nền kinh tế mới nổi và đứng đầu là Trung Quốc. Số lượng hàng giả tràn lan gây thiệt hại nặng nề cho các công ty hay các nhà sản xuất vốn đặt rất nhiều niềm tin và lợi ích khi được cấp phép thương hiệu.
Các sản phẩm hàng giả, hàng nhái rất đa dạng và phong phú từ túi xách, giày dép, nước hoa, phụ tùng máy móc, thuốc men….
Nhiều người tiêu dùng vẫn chuộng hàng giả vì giá rẻ, màu sắc và kiểu dáng bắt mắt. (Ảnh: businessinsider) |
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng giả thực sự gây ra mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, hủy hoại sự sáng tạo và cản trở tăng trưởng kinh tế bên cạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình, dược liệu giả gây ra bệnh tật, thậm chí cướp đi sinh mạng người sử dụng; đồ chơi không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây hại sức khỏe và phát triển trí não trẻ em, phụ tùng ô tô giả gây nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông… Một vụ hàng giả gây chấn động dư luận gần đây nhất là vào tháng 3 vừa qua, cảnh sát Trung Quốc phát hiện và triệt phá đường dây vận chuyển, phân phối lậu số vắc xin trị giá gần 90 triệu USD ở 24 tỉnh thành của nước này. Nếu không, lượng vắc xin giả kinh hoàng này sẽ đe dọa đến tính mạng của hàng triệu người.
Theo OECD, giày dép là sản phẩm bị làm giả, nhái nhiều nhất và tiếp theo đó là các mặt hàng may mặc, các sản phẩm đồ da, đồ chơi, điện thoại và linh kiện điện thoại, sản phẩm công nghệ cao, linh kiện ô tô, pin… Trong đó những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu bị làm giả nhiều nhất phải kể đến Rolex, Nike, Ray Ban và Louis Vuitton. Ủy ban châu Âu thông báo, doanh số bán hàng quần áo và phụ kiện giả mạo gây thiệt hại lên tới 10% doanh thu của ngành công nghiệp này tại khu vực mỗi năm. Chỉ tính cà vạt, giày, túi xách và quần áo giả, năm 2014, châu Âu bị thiệt hại 26 tỷ euro, gây thất thu cho ngân sách của khối và ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị thiệt hại về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, vì họ phải đầu tư nhiều vào thiết kế cũng như nộp bằng sáng chế.
Nhiều năm trở lại đây, cuộc chiến chống hàng giả được các quốc gia, khu vực, các tổ chức tăng cường bằng nhiều biện pháp cùng với các phát động chống hàng giả của Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, vấn đề hàng giả, hàng nhái vẫn là nỗi lo của toàn cầu bởi các tổ chức tội phạm sản xuất, buôn bán mặt hàng này hoạt động rất tinh vi. Bên cạnh đó, hàng giả vẫn thu hút người tiêu dùng vì giá rẻ và đa dạng. Nhất là trong vài năm gần đây, các trang bán hàng trực tuyến (e-commerce) và dịch vụ chuyển phát quốc tế bùng nổ khiến việc kiểm soát hàng giả trở nên vô cùng phức tạp.
NAM VIỆT