Kế tục các bậc cha chú trưởng thành trong chiến tranh và các bậc đàn anh đàn chị bắt đầu sự nghiệp sáng tác trong những năm đầu sau giải phóng, thế hệ các văn nghệ sĩ sinh sau năm 1975 của Quảng Nam đã từng bước trưởng thành và khẳng định mình bằng tài năng, bằng nhiệt huyết và bằng những khát khao tươi trẻ trong vận hội mới của đất nước, quê hương.
Tiếp nối thế hệ
Bất chấp những thay đổi rất lớn của xã hội, đời sống văn học nghệ thuật của Quảng Nam 40 năm qua đã không xảy ra hiện tượng đứt gãy thế hệ. Từ chiến tranh bước ra, các văn nghệ sĩ kháng chiến tiếp tục sống, lao động nghệ thuật bằng tâm thế nghệ sĩ - chiến sĩ. Những Nguyễn Chí Trung, Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương, Hồ Duy Lệ, Thái Bá Lợi, Hoàng Minh Nhân, Thanh Quế, Phạm Phát, Vũ Minh, Nguyễn Bá Thâm, Phạm Hồng, Xuân Quang... vẫn tiếp tục sáng tác bền bỉ, miệt mài. Dấu ấn của văn học nghệ thuật những năm 1975-1985 của Quảng Nam, Đà Nẵng cũng chính là dấu ấn của chính mỗi người trong số này. Và cũng cần nói thêm là, trừ những người đã qua đời, thế hệ các văn nghệ sĩ đi ra từ kháng chiến cho đến nay vẫn còn sáng tác; họ vừa là niềm tự hào, vừa là “điểm tựa” cho các thế hệ đi sau.
Phát hiện, bồi dưỡng các tác giả trẻ luôn được các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước ở Quảng Nam quan tâm. TRONG ẢNH: Khen thưởng các tác giả 9X, 10X có tác phẩm tốt tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi tỉnh Quảng Nam. |
Trong khi các văn nghệ sĩ kháng chiến vẫn chưa có dấu hiệu “xuống sức” thì trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, một thế hệ văn nghệ sĩ mới lại xuất hiện, góp phần bồi đắp thêm cho con đường văn nghệ vốn còn rất dài và không ít gập ghềnh. Văn học có Phùng Tấn Đông, Lê Trâm, Tiêu Đình, Cao Kim, Nguyễn Kim Huy, Đà Linh, Trần Trung Sáng, Bùi Tự Lực, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Tam Mỹ, Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Hải Triều... Mỹ thuật có Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Hữu Dương, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Hữu Thấu, Võ Như Diệu, Trần Văn Binh, Nguyễn Hồng Vinh... Âm nhạc có Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Hoàng Bích, Lê Xuân Bá, Huỳnh Ngọc Hải, Nguyễn Duy Khoái, Phan Văn Minh, Trần Cao Vân, Lê Xuân Trúc... Nhiếp ảnh có Đặng Kế Đông, Dương Phú Tâm, Huỳnh Trương Phát, Bùi Minh Phụng, Huỳnh Châu, Thái Tuấn Kiệt, Nguyễn Lượng, Dương Trinh... Đến giờ phút này, “thế hệ thứ 2” này vẫn đang là lực lượng nòng cốt, nắm giữ vai trò quan trọng và trong một số trường hợp là “chủ lực” trong hoạt động sáng tác và tổ chức sáng tác của văn học nghệ thuật địa phương. Đặc biệt, vẫn như thế hệ đi trước, thế hệ văn nghệ sĩ trưởng thành sau 1975 cũng rất chú tâm trong việc phát hiện, bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ văn nghệ sĩ đi sau. Nhờ vậy, đến giờ này, Quảng Nam lại có thêm một lớp văn nghệ sĩ thuộc thế hệ 7X, 8X đông đảo không kém.
Nhà điêu khắc trẻ Trần Đức. |
Văn nghệ sĩ U40
Khác với các văn nghệ sĩ kháng chiến và các văn nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ những năm đầu sau giải phóng, thế hệ văn nghệ sĩ sinh sau năm 1975 (từ 40 tuổi trở xuống) được đắm mình trong một không gian và môi trường sáng tạo thoáng rộng, cởi mở, đa chiều hơn hẳn. Điều kiện chung ấy cộng với việc được học hành bài bản cũng như luôn có cơ hội giao lưu, quảng bá, tiếp cận các khuynh hướng sáng tác mới, thế hệ văn nghệ sĩ U40 đã nhanh chóng tiếp cận, chiếm lĩnh không gian sáng tạo và khẳng định mình. Nhà văn Thái Bá Lợi nhận xét: “So với trước, khoảng cách từ điểm xuất phát đến điểm thành danh của các tác giả U40 rút ngắn hơn rất nhiều. Thời của chúng tôi, từ khi tập tành sáng tác đến lúc được công chúng biết và công nhận có khi mất 20 - 30 năm, còn bây giờ nhiều bạn trẻ chỉ mất 3 - 5 năm, thậm chí có người chỉ cần một năm”.
Thật vậy, bằng tài năng thật sự của mình cộng với các điều kiện xã hội như đã nói, nhiều văn nghệ sĩ U40 của Quảng Nam đã nhanh chóng khẳng định được mình. Ở văn học, những cái tên như Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Huỳnh Thu Hậu, Nguyễn Thị Hồng Phong, Nguyễn Tấn Cả, Đỗ Tấn Đạt, Nguyễn Cường, Alăng Văn Gáo, Nguyễn Thành Giang, Cẩm Giang,... đã trở nên quen thuộc với người yêu văn học không chỉ ở Quảng Nam. Với chuyên ngành mỹ thuật, những Trần Đức, Vũ Trọng Anh, Lê Nguyên Chính, Trương Bách Bảo, Nguyễn Văn Huy, Lê Bùi Cung Vũ, Phạm Minh Lâm, Trần Văn Tâm, Lê Nguyễn Đoan Trang, Nguyễn Danh... cũng đã đường hoàng có chỗ đứng trong làng mỹ thuật. Trong đó, Nguyễn Văn Huy, Lê Nguyên Chính, Trần Đức được xem là những gương mặt sáng của mỹ thuật xứ Quảng khi họ liên tiếp giành được các giải thưởng lớn cấp khu vực và quốc gia và chính thức trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam khi vừa bước qua tuổi 30. Với lĩnh vực nhiếp ảnh, lứa U40 có thể kể đến là Lê Văn Ánh, Võ Văn Phi Long, Lê Trọng Khang, Nguyễn Hữu Khiêm, Nguyễn Thanh Dũng. Trong đó, Lê Trọng Khang được xem là “ngôi sao” khi trong vòng hơn một năm trở lại đây đã 3 lần đoạt giải tại các cuộc thi từ cấp tỉnh đến cấp trung ương và trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ở tuổi 26. Với âm nhạc và sân khấu, lực lượng kế tục có thưa thớt hơn nhưng rồi đâu đó vẫn có những cái tên mà khi được xướng lên thì sẽ làm người ta nhớ đến ngay. Với âm nhạc, đó là Nguyễn Đăng Vinh. Còn với sân khấu, bên cạnh một Thu Hương 7X già dặn là những gương mặt 8X Hùng Nhật, Phương Tính, Quang Việt, Ngọc Uyên. Tuy tuổi nghề chỉ mới 4 - 5 năm, song các nghệ sĩ sân khấu thế hệ 8X này đều đã có 2 - 3 tấm huy chương cá nhân.
Và đâu chỉ có vậy, trong đời sống văn nghệ Quảng Nam giờ đây cũng lại xuất hiện những cái tên mới thuộc thế hệ “9X đời cuối” (sinh cuối những năm 90) và “10X đầu đời” (sinh sau năm 2000). Đó là những Nguyễn Bích Chiêu, Lê Mai Nhật Uyên, Văn Trần Nhã Trúc, Huỳnh Diễm Diễm...
PHAN CHÍ ANH