Ở Việt Nam, gần đây rộ lên chuyện nhà thơ... vẽ tranh, họa sĩ... viết văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh... sáng tác nhạc. Không ít người đã thành công cả trên “sân chơi” chính lẫn “sân chơi” phụ và cũng có người khi “đá” trên “sân chơi” vốn không phải là sở trường của mình lại thành công hơn khi chơi trên “sân chơi” chính mà họ theo đuổi, gắn bó lâu nay.
Ở Quảng Nam, hiện tượng này tuy khá hiếm nhưng cũng đã không còn là chuyện lạ nữa. Có thể kể ra đây một số trường hợp. Đó là Huỳnh Trương Phát, xuất thân là nhà báo, gắn bó với nhiếp ảnh nghệ thuật hơn 20 năm, gần đây lại chuyển sang... làm thơ và thơ anh cũng càng ngày càng “lên tay”. Năm 2012, tập thơ đầu tay “Hạt phong trần” của anh được trao giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam. Phan Văn Minh là nhạc sĩ sáng tác nhạc mấy chục năm nay, giành được hơn 30 giải thưởng âm nhạc các loại, lại tỏ ra rất chắc tay trong việc sáng tác truyện ngắn (và thỉnh thoảng làm thơ). Đầu năm 2012, anh xuất bản tập truyện ngắn “Bản hợp xướng mùa đông” và tập truyện này đã được trao giải C Tặng thưởng VHNT Quảng Nam. Nguyễn Hải Triều, cán bộ văn hóa, sở trường chính là làm thơ, từng có thơ nhận được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, nay lại là một người viết kịch bản sân khấu có gia sản khá “giàu có”. Năm 2013, anh xuất bản tập kịch bản sân khấu “Điều muốn nói” và được Hội đồng nghệ thuật Tặng thưởng VHNT Quảng Nam năm 2013 trao giải C. Họa sĩ Trương Bách Tường chuyên vẽ tranh lụa, sống mực thước nhưng lại có một khoản “của chìm” gồm thơ và truyện ngắn. Anh cũng là một trong 3 người giành được giải cao nhất tại cuộc thi thơ Haiku tiếng Việt do TP.Hội An tổ chức năm 2012. Mới đây, anh tuyên bố sẽ “trích” bớt vài truyện trong “kho” truyện ngắn của mình ra để tham gia cuộc thi truyện ngắn do Báo Quảng Nam tổ chức. Đỗ Thượng Thế, giáo viên nhạc họa, đã và đang được xem là cây bút thơ sung sức, cá tính, nhiều cách tân của Quảng Nam, gần đây lại... cầm cọ hơi nhiều. Tính đến lúc này, anh đã là “họa sĩ vẽ bìa” cho hơn 10 cuốn sách của anh em, bạn bè văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh...
Ngoài ra, hiện có một số văn nghệ sĩ khác cũng đang bắt đầu thử sức ở sân chơi mới. Đó là Nguyễn Đức Dũng (làm thơ), Nguyễn Cường (làm thơ), Võ Như Diệu (vẽ tranh) cùng rủ nhau chuyển sang chơi ảnh. Cả 3 người đều đã từng có ảnh dự treo tại triển lãm định kỳ mang tên “Giọt Trầm tháng giêng” do Hội VHNT TP.Tam Kỳ tổ chức.
Rõ ràng, việc các văn nghệ sĩ cùng lúc “đá” nhiều “sân” đã và đang trở nên phổ biến. Trước hết, đó là một cuộc thử sức, một cuộc “kiểm định” tài năng dành cho mỗi người. Đồng thời góp phần minh họa thêm cho diễn trình văn nghệ xưa nay: văn học, nghệ thuật luôn có sự đan cài cảm xúc và tài năng vào nhau; luôn cần có những bước đi bất ngờ, những ngả rẽ bất ngờ mang tính thử thách và khai phá... Còn với hiện tại, ở một góc độ nhất định, việc các văn nghệ sĩ cùng lúc “đá” nhiều “sân” chính là một hiện tượng thú vị, góp phần làm cho đời sống văn nghệ thêm sinh động, đa diện, hấp dẫn và phong phú...
BẢO ANH