Cuối năm 2011, Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) TP.Tam Kỳ được thành lập. Và ngay sau đó, tập san Văn nghệ Tam Kỳ ra mắt bạn đọc bạn viết gần xa, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân ở xứ Hà Đông...
Đến nay, Văn nghệ Tam Kỳ - tập san đăng tải các sáng tác thơ văn, âm nhạc, hội họa, phê bình văn học... của hội viên Hội VH-NT thành phố và bạn đọc bạn viết gần xa trong cả nước đã xuất bản được 8 số. Mỗi số dày gần 150 trang khổ 18 x 24cm, trình bày đẹp, tạo sự “bắt mắt” đối với bạn đọc. Dù là tờ văn nghệ địa phương nhưng tập san có sự phong phú về chuyên mục, đa dạng về thể loại với sự “góp mặt” của các cây bút chuyên và không chuyên. Điều đáng mừng là các cây bút trẻ là học sinh, sinh viên, giáo viên... hiện đang công tác tại các cơ quan đơn vị trong tỉnh đã mến yêu, tin cậy Văn nghệ Tam Kỳ để gửi những tác phẩm đầu tay của mình. Và chính các tác phẩm của các cây bút trẻ mới tập tành bước vào “nghề viết” đã góp phần làm trẻ hóa tờ Văn nghệ Tam Kỳ với những góc nhìn tinh tế và những liên tưởng bất ngờ, thú vị.
Ảnh: N.DŨNG |
Văn nghệ Tam Kỳ luôn xuất bản đều kỳ 4 số/năm. Bên cạnh nhiều bài ký viết về những tấm gương bất khuất kiên trung trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, nhiều bài nghiên cứu về mảnh đất và con người xứ Hà Đông xưa, TP.Tam Kỳ hôm nay với “hàm lượng thô2ng tin cao”, được bạn đọc khen ngợi, Văn nghệ Tam Kỳ còn có mảng truyện ngắn, tản văn... cũng phản ánh về đời sống xã hội với nhân vật trung tâm là con người xứ Quảng với vẻ đẹp thuần hậu, chân phác. Nhiều trang văn giàu xúc cảm đã làm người đọc thêm yêu mến nhân vật do tác giả sáng tạo nên. Truyện ngắn là mảng thu hút được nhiều cây bút ở mọi lứa tuổi cộng tác, phản ánh được những sắc thái tình cảm của số phận con người. Những tản văn, tạp bút... phản ánh những nét đẹp của làng quê, những món ăn dân dã đã làm nên “hồn cốt” văn hóa của làng quê đã nhạt nhòa vì lùi vào quá vãng... khiến người đọc gắn bó với Văn nghệ Tam Kỳ hơn. Ở mảng thơ, tuy khá phong phú đa dạng nhưng chưa có được nhiều bài “găm” vào lòng độc giả.
Nhà thơ Nguyễn Đức Dũng nhận xét rất chân thành về tờ Văn nghệ Tam Kỳ: “Là một tập san văn học nghệ thuật cấp huyện, thành phố, nhưng tờ Văn nghệ Tam Kỳ có nhiều bài viết, nhiều sáng tác thơ, truyện... có chất lượng khá”. Chính vì vậy mà có sinh viên Trường Đại học Quảng Nam đã sử dụng tờ Văn nghệ Tam Kỳ làm tài liệu nghiên cứu tham khảo đưa vào khóa luận tốt nghiệp. Ông Võ Thanh Trinh ( 62 tuổi, ở TP.Tam Kỳ) là độc giả thường xuyên của tập san Văn nghệ Tam Kỳ, cho hay: “Đọc tập san Văn nghệ Tam Kỳ, tôi đâm ghiền bởi những bài viết về vùng đất và con người vùng Tam Kỳ xưa và nay thật hấp dẫn”. Anh Nguyễn Ngọc (giáo viên ở huyện Nam Trà My) tâm sự: “Tôi đọc Văn nghệ Tam Kỳ và khám phá ra mình cũng có niềm đam mê viết lách. Mình mong một ngày nào đó sẽ trở thành cộng tác viên của tờ Văn nghệ Tam Kỳ”. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiên, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng... cũng có những lời khen ngợi tờ văn nghệ cấp huyện, thành phố dày dặn và chững chạc.
THIÊN ÂN