Văn nghệ với di sản

PHAN CHÍ ANH 24/06/2017 10:40

Bất chấp bụi thời gian có làm cho các di sản, di tích, danh thắng mỗi ngày một “cũ” hơn, các văn nghệ sĩ vẫn tìm đến, ngắm nhìn, kiếm tìm và để tâm hồn mình thăng hoa. Và, sau những khoảnh khắc phiêu du sáng tạo ấy, vẻ đẹp của các di sản lại được chưng cất, gạn lọc rồi hiện ra đẹp hơn, lạ hơn, hấp dẫn hơn trong từng tác phẩm...

“Huyền ảo Mỹ Sơn” - một trong những tác phẩm ảnh về di sản văn hóa được đánh giá cao của NSNA Lê Trọng Khang.
“Huyền ảo Mỹ Sơn” - một trong những tác phẩm ảnh về di sản văn hóa được đánh giá cao của NSNA Lê Trọng Khang.

“Ăn nằm” cùng di sản

Dù đã quá quen thuộc nhưng suốt từ nhiều năm nay, hầu như năm nào các chi hội chuyên ngành trực thuộc Hội VHNT Quảng Nam cũng đều đưa hội viên đi thực tế sáng tác tại các di sản văn hóa của quê nhà. Có những chuyến đi chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng cũng có những chuyến kéo dài đôi ba hôm, thậm chí là cả tuần. Riêng với hai điểm mà ai cũng từng đến rất nhiều lần là Hội An và Mỹ Sơn, Chi hội Văn học vẫn tổ chức cho hội viên đi thực tế dài ngày và lần nào cũng có rất nhiều người tham gia. Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học cho biết: “Cũng những cảnh sắc ấy thôi nhưng mỗi lúc lại có một vẻ đẹp khác, tùy tình huống và tâm trạng nữa. Nếu không siêng đi và không chịu khó ngắm nhìn thì không thể tìm thấy những vẻ đẹp mới lạ hiện ra trong một khoảnh khắc nào đó. Mà văn chương, nghệ thuật luôn cần những khoảnh khắc bất ngờ như thế...”.

Nhiều di sản văn hóa ở Quảng Nam đã đi vào tác phẩm VHNT với những vẻ đẹp ấn tượng, riêng có. Trong ảnh: Họa sĩ Trương Bách Tường và bộ tranh về đô thị cổ Hội An.
Nhiều di sản văn hóa ở Quảng Nam đã đi vào tác phẩm VHNT với những vẻ đẹp ấn tượng, riêng có. Trong ảnh: Họa sĩ Trương Bách Tường và bộ tranh về đô thị cổ Hội An.

Cũng với nhìn nhận như vậy, mấy năm gần đây Chi hội Mỹ thuật đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế ở những điểm đến quen thuộc như Hội An, Mỹ Sơn. Đặc biệt, trong các năm 2015 và 2016, chi hội thực hiện được hai chuyến đi dài ngày về với biển Bàn Than và làng cổ Lộc Yên, mỗi nơi lưu lại hơn một tuần. Trong khi đó, chuyện đi thực tế của Chi hội Nhiếp ảnh thì dường như... bất tận. Sau mỗi chuyến đi chung theo kiểu “thăm dò” của cả chi hội, các nghệ sĩ nhiếp ảnh lại tự thực hiện thêm nhiều chuyến đi nữa, có thể đi một mình hoặc theo nhóm vài ba người, lang thang, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm. Dịp đầu năm vừa rồi, bất chấp mưa lạnh, hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lượng và Nguyễn Điện Ngọc tình nguyện chia tay cả đoàn đi thực tế do Hội VHNT tỉnh tổ chức để “nằm lại” với Ngọc Linh gần một tuần. Hay chuyện 3 năm trước, chỉ để chụp về một nhân vật, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn đã phải 4 lần lên Tây Giang, mỗi lần lưu lại vài ba ngày để “mai phục”. Đặc biệt, với chi hội ít phô phang, ồn ào trong chuyện đi thực tế nhất là Văn nghệ dân gian, sự “ăn nằm” của họ với các di sản càng đáng nể. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An - Chi hội trưởng, ngoài việc tầm chương trích cú, để thực hiện một đề tài, công trình nghiên cứu, hầu hết hội viên của chi hội phải đi điền dã, “3 cùng” với di tích, với người dân trong các vùng di sản có khi cả tháng trời hoặc hơn. “Có nhiều người trong số anh em chúng tôi đi thực tế kỹ đến mức họ thuộc nằm lòng từng bờ rêu, dấu rạn hay vết nứt trên các bức hoành phi, câu đối ở các di tích mà họ để tâm tìm hiểu” - nhà nghiên cứu Trần Văn An nói thêm.

Thăng hoa và lắng đọng

Dù đôi lúc có vẻ như... đi chơi, nhưng rồi sau những chuyến đi của anh chị em văn nghệ sĩ với các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh, rất nhiều tấm ảnh, bức tranh, pho tượng, ca khúc, bài thơ, bút ký... đầy sắc màu, ngọt lịm cảm xúc, nóng hổi hơi thở cuộc sống... lại lần lượt ra đời. Như ở Chi hội Văn học, sau các chuyến đi thực tế ở Cù Lao Chàm, phố cổ Hội An, Hòn Kẽm Đá Dừng, sông Thu Bồn, Mỹ Sơn, làng cổ Lộc Yên, làng truyền thống Cơ Tu ở Tây Giang trong các năm từ 2010 đến nay, ngoài một tập thơ văn về đề tài văn hóa biển đảo được xuất bản (in chung) còn có hơn 200 bài thơ, bút ký, ghi chép về những địa chỉ văn hóa ấy được anh chị em hội viên công bố trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Còn với Chi hội Văn nghệ dân gian, tuy chỉ có 9 hội viên nhưng thành quả s của họ lại rất thuyết phục. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, sau những chuyến “đồng hành với di sản” khá lặng lẽ, chi hội này đã xuất bản được 12 tác phẩm, công trình nghiên cứu, biên khảo về văn hóa Quảng Nam; chủ trì và tham gia xây dựng hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia... Không chịu thua chị kém em, các chuyến đi thực tế của Chi hội Âm nhạc trên các miền quê văn hóa, các vùng đất di sản của quê hương trong mấy năm qua cũng kịp đem về hơn 50 ca khúc. Nhiều ca khúc trong số này tuy hẹp về chủ đề, đề tài nhưng có ca từ, giai điệu đẹp nên biên độ cảm xúc được mở ra với miên man yêu thương và tự hào. Do vậy, chúng đã được dàn dựng, biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật; được tuyển chọn vào các album địa phương ca hoặc đoạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc.

Trong khi đó, sau những lần “ăn nằm” với di sản, hầu hết hội viên nhiếp ảnh, mỹ thuật đã có được những “đứa con bụ bẫm”. Trong đó một số người có số tác phẩm về các di sản văn hóa của quê hương lên đến hàng chục, hàng trăm. Như các họa sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Trương Bách Tường, Vũ Trọng Anh, chỉ riêng phố cổ Hội An không thôi thì mỗi người đã có hơn 30 bức sơn dầu. Hay như với các họa sĩ Lê Việt Thắng, Nguyễn Thượng Hỷ, chỉ riêng Mỹ Sơn mỗi người cũng đã có vài chục bức tranh lớn nhỏ khác nhau. Ngay cả các di sản văn hóa phi vật thể cũng được các họa sĩ cho “lên tranh” một cách ấn tượng... Còn với giới nhiếp ảnh nghệ thuật, số lượng ảnh chụp về các di sản mà các hội viên thuộc Chi hội Nhiếp ảnh có được là “nhiều không đếm xuể”. Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, rất nhiều trong số hàng nghìn bức ảnh di sản mà anh em đang lưu giữ là ảnh chụp tự nhiên, cảnh thật người thật chứ không dàn dựng. Vì thế, đây chính là một phần quan trọng của hồn vía và thực thể của mỗi cảnh quan, di sản hiện được lưu giữ, bảo tồn.

PHAN CHÍ ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn nghệ với di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO