Dẫu gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đơn vị vận tải bằng đường bộ vẫn có nhiều giải pháp để vận chuyển hàng hóa thông suốt, an toàn.
Đảm bảo thông thương
Khoảng hơn 8 giờ sáng, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên quốc lộ (QL) 1, trước bến xe Bắc Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) có khá đông phương tiện đường bộ chở hàng hóa từ Bắc hướng vào Nam được yêu cầu dừng lại để đo thân nhiệt và khai báo y tế theo quy định.
Tài xế Nguyễn Phi Long trú Quận 1, TP.Hồ Chí Minh - người điều khiển xe tải biển kiểm soát 51D-178.67 nhanh chóng hoàn thành khai báo. Anh Long cho hay bản thân nắm được quy định người đến từ TP.Hồ Chí Minh vào Quảng Nam nếu muốn lưu trú phải ở các khu cách ly tập trung cấp huyện (nơi có trụ sở làm việc hoặc điểm giao hàng cuối cùng) hoặc đăng ký lưu trú nơi khách sạn có trong danh sách đăng ký cách ly có thu phí. Do vậy, sau khi ra bến xe Đà Nẵng lúc 2 giờ khuya, anh ngủ lại luôn trên xe, để sáng hôm sau vào bến xe Nam Phước (Duy Xuyên) nhận hàng chở vào bến xe miền Tây (TP.Hồ Chí Minh).
“Mình là trụ cột kinh tế của gia đình, nếu ở lại bị cách ly sẽ ảnh hưởng đến vợ con. Cho nên quyết định ra Quảng Nam, Đà Nẵng rồi quay đầu chứ không thuê chỗ ngủ” - Phi Long chia sẻ.
Xuất phát ở bến xe An Sương (TP.Hồ Chí Minh) chiều hôm trước, tài xế Nguyễn Văn Nam (quê quán Hưng Yên) điều khiển xe tải biển kiểm soát 89C-064.14 đến địa phận Quảng Nam thì trời đã gần trưa. Tại chốt kiểm soát trên QL1 qua huyện Núi Thành, anh khai báo phương tiện chở gạo giao cho một nhà thờ tin lành ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành). Xe đến trước cơ sở thờ tự này không đi vào bên trong mà bỏ hàng hóa ở ngoài xong lập tức quay đầu ngay.
Anh cho hay trong quá trình lưu thông phải liên tục dừng lại ở nhiều chốt để khai báo y tế. Cũng tại chốt kiểm soát thuộc địa phận Núi Thành, tài xế xe biển kiểm soát 29KT-104.19 cho biết bản thân quê huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) điều khiển phương tiện từ TP.Quảng Ngãi ra TP.Đà Nẵng. Trên đường đi, anh sẽ dừng tại một điểm trên đường Hùng Vương của TP.Tam Kỳ giao hàng, chắc chắn không có lưu trú ở Quảng Nam.
Kiểm soát chặt
Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh thông tin, trong báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, Sở GTVT đã kiến nghị, đề xuất miễn phí bảo trì đường bộ từ tháng 2.2020 đến sau thời điểm hết dịch. Giãn, hoãn nộp các khoản thuế thu nhập, thuế VAT và trả nợ vay ngân hàng đầu tư của các doanh nghiệp vận tải từ 3 đến 6 tháng. Hỗ trợ lãi suất tiền lãi vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa. Tạm dừng thực hiện Thông tư số 38 của Bộ GTVT về giám sát thời gian học pháp luật giao thông đối với các cơ sở đào tạo để tạo điều kiện giải quyết các tồn đọng của các khóa đào tạo lái xe phải tạm dừng vì ảnh hưởng dịch bệnh. Miễn giảm tiền thuê và thuế sử dụng đất đối với bến xe, bãi xe, trạm dừng nghỉ, cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.
Đối với tài xế, phương tiện từ vùng dịch (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh) vào Quảng Nam để cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, nguyên vật liệu sản xuất, các chốt kiểm soát đều tạo điều kiện cho vào. Thế nhưng yêu cầu họ thực hiện khai báo, giám sát y tế chặt chẽ, làm rõ lộ trình di chuyển, các điểm bốc dỡ hàng, thời gian ra khỏi Quảng Nam để giao công an cấp huyện và chính quyền địa phương cấp xã/phường/thị trấn theo dõi.
Trường hợp lưu trú phải ở khu cách ly tập trung theo quy định. Ghi nhận hai chốt trên QL1 vừa đề cập, lực lượng công an sau khi dừng các phương tiện xe tải, xe ô tô đã kiểm tra kỹ thông di chuyển từ tái xế. Nếu không dừng lại Quảng Nam, lái xe không cần khai báo y tế và được hướng dẫn điều khiển phương tiện lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đảm bảo lưu thông thông suốt. Đối với trường hợp không dừng, song cần đi dọc QL1 qua Quảng Nam thì vẫn được tạo điều kiện lưu thông, song phải thực hiện khai báo y tế…
Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho hay, lái xe vận chuyển hàng hóa từ Quảng Nam đi đến các vùng dịch, sau khi trở về nếu tiếp tục lưu trú tại tỉnh thì được ứng xử như người từ vùng dịch trở về. Để hàng hóa thông suốt và an toàn, doanh nghiệp có nhiều phương án lựa chọn: sau khi hoàn thành việc giao hàng báo ngay cho địa phương để được cách ly (các chốt của tỉnh sẽ phối hợp địa phương để giám sát), hoặc có thể sang xe ở ranh giới tỉnh.
Trước câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng không đủ tài xế phục vụ vận tải hàng hóa do rơi vào trường hợp bị cách ly sau khi trở về từ vùng dịch, hoặc tài xế đến từ vùng dịch chấp nhận lưu trú, ông Lê Văn Sinh chia sẻ, các đơn vị vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Từ sau ngày 1.4, qua khảo sát riêng vận tải hàng hóa còn duy trì hoạt động 30 - 40%. Vì vậy, nhiều lái xe đang không có việc làm, nên chuyện không đủ tài xế phục vụ là điều rất khó xảy ra.