(QNO) - Nhớ hồi mới chia tỉnh, có lần tôi vô Núi Thành uống rượu với anh Trương Văn Quang và Nguyễn Hữu Thiện là giáo viên trường cấp 3 Núi Thành. Trong căn nhà tập thể tạm bợ, chiều đã buông mà những cồn cát cứ nhấp nhô vệt nắng khúc xạ như muốn hắt ngược cái nóng rên rỉ trong đáy li.
1. Chuyện đời chuyện người xen nhau, lửng lơ một chữ KHỔ to tướng. Chắc hẳn chẳng ai nghĩ, rằng hơn 20 năm sau, vật sẽ đổi, sao sẽ dời, bởi vạn đại bao đời trước đó và hiện tại, cả con gà cũng phải… mang dép bởi cát bỏng, thì nói chi con người cây cỏ, trụ được là giỏi lắm rồi.
Ông Trà Minh Thể - Trưởng thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp (Núi Thành) buông nhanh một câu: “Thì đúng rồi, mồng 4 tết là biết liền, bà con kéo hết lên quốc lộ 1 đứng chờ xe vô miền Nam làm ăn, chứ ở nhà rau muống chấm mắm cũng không có”.
Ngang Trường THPT Nguyễn Huệ còn thơm mùi vôi, ông Thể giọng trầm xuống: “Nơi đây ngày trước là đất sỏi, chỉ trồng lúa gieo, không thủy lợi, được chăng hay chớ”. Cư dân thôn này vốn ở thôn Vĩnh Đại, Bình Phú, Phái Nhơn, Nam Sơn, Vân Thạch cũ tái định cư.
Nói xong ông Thể giục: “Mình đi tới chỗ ông Nguyễn Văn Vân”. Ông Vân nguyên là cán bộ Huyện đội Tam Kỳ, cười xòa: “Ở chỗ cũ thì mò cua bắt ốc, “sáng mai lên núi cui than - chiều về xuống hố mò hang cua còng”. Chiều mô mà nghe mấy bả sai con “kêu ba mày về ăn cơm”, là bữa đó con được ăn khoai bở, còn không là ăn sắn. Cát, đi một bước lùi hai bước. Tôi đạp xe ra Tam Kỳ làm việc, về phải gởi xe ở quốc lộ rồi lội bộ 4km xuống nhà chứ làm chi có đường mà đi. Nhà tôi hồi đó ruộng nhiều, một sào thu được 5 ang lúa”.
Nói xong, ông hỏi: “Anh có biết cấy được 1 cây lúa, phải 5 người chưa?”. Tôi lắc. “Thì đây - ông cười to - tháng 5-6 gieo hạt, bắt mạ xong rồi thì nhổ, hớt đọt, rấm. Cấy phải buổi chiều, 4 người cấy giỏi thì được 5 bó. Người thứ nhất vắt cát khô cho chảy bay lòi ra mặt ướt. Người thứ 2 xới mặt ướt lên. Người thứ 3 đem mạ cắm. Người thứ 4 gánh nước tưới gốc lúa. Người thứ 5 lấy cát khô lấp lại liền chứ không nó khô liền. Làm ăn như vậy, không mạt mới lạ…”.
Quãng lặng mênh mông như dằng dặc ra trên mặt người. Tôi hình dung sa trận trùng trùng, lẫn trong đó hình nhân bàn tay phồng rộp vì cái ăn, và tất nhiên chẳng ai nghĩ tới giấc mơ đổi đời. “Tôi không hình dung nổi nó thay đổi 360 độ”, lại ông Vân lên tiếng.
Cuộc “lật đổ” cái nghèo chính là… tờ giấy thông báo thu hồi đất rồi tái định cư cho một quyết định lịch sử: hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai. “Lúc đó, tôi có biết, kẻ đi trước người đi sau khác nhau về tiền đền bù, nên có chuyện này nọ, nhưng có ai tuyệt đối không muốn đi không?” - tôi hỏi. Ông Thể nói: “Mừng muốn chết anh ơi, sống chỗ cũ biết khi nào ngẩng mặt lên được”.
Bà Võ Thị Dân 76 tuổi, bối rối khi khách lạ ghé thăm. Những rời rạc ký ức đẫm màu buồn tủi nối nhau, lúc đứt đoạn, lúc liền mạch để rồi cuối cùng là giọt nước mắt rơi xuống trên gương mặt dấu thời gian cay đắng còn nguyên.
Gia đình bà ở thôn Đại Phú cũ có 7 đứa con, toàn lít nhít, vợ chồng làm cái chòi sát đê ngăn mặn ven sông, ở trong cái chòi tạm, nhìn từ cầu Ông Bộ xuống là thấy ngay, làm nghề vớt rong, bắt ốc. Rong thì đem đổi, 1 ghe được 1 ang lúa; ốc thì đổi muối cho mấy lò thổi vôi. Tất nhiên, cực vậy thì con cái học hành chi được, đứa học cao nhất cũng chỉ lớp 6, sau này về đây mới tiếp tục đi học.
Khi đền bù giải tỏa, gia đình bà Dân nhận được 800 triệu đồng. Bây giờ bà ở với con trai út chạy taxi, hai người kia, một làm thầu xây dựng, một trồng rừng; nhà đúc hết.
Bỗng bà bật khóc: “Tôi nói với con, không biết răng hồi đó má cực dữ rứa, nửa đêm lạnh cóng còn ở trên sông hớt rong, quanh năm không biết con cá con mực, con cái rách rưới, không được học hành. Tụi nó dỗ: Thôi má đừng nhắc chuyện xưa nữa…”.
Không nhắc đâu có được, một đoạn đường đau khổ, và có lẽ bà sẽ mang đi suốt cuộc đời một câu hỏi và một ước ao: Tại sao mình đổi đời được? Giá như hồi đó hai tháng nữa mới nhận được đền bù thì hay biết mấy! Chuyện là thế này: Chồng bà đau nặng, mà nghe thiên hạ được đền bù, ông ước có tiền nhanh để mua thuốc chữa bệnh. Ông mất, hai tháng sau đó thì giấy thông báo đền bù, di dời mới có… “Ừ, tội ổng, chết mà không thấy được cảnh nhà mình hết dột” - bà nghẹn ngào.
2. Câu hỏi đã có sẵn câu trả lời, khi ông Thể ông Vân cũng chính là người trong cuộc, rằng dân ở đây ai cũng nói: Không có Kinh tế mở Chu Lai, đố mà thoát được nghèo! Cuộc “lật đổ” đã thay đổi cuộc đời người vùng cát kéo dài từ Chu Lai đến hết vùng đông của tỉnh.
“Hồi đó tôi làm bảo vệ của nhà máy ô tô Trường Hải, thấy đồ gỗ vốn là thùng kê lót của thiết bị ô tô bị bỏ ra, tôi nghĩ có thể tận dụng nó, tái chế lại phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp ở đây nên từ năm 2010, tôi bắt đầu thu mua.
Ban đầu rất khó khăn vì không có vốn, dần dần nhờ anh em hội cựu chiến binh xã giúp nguồn vốn vay, mình gầy dựng lần, vừa mua gỗ, vừa chở đồ ăn thừa của các công ty về nuôi heo" - anh Phạm Minh Sĩ, chủ cơ sở sản xuất kệ pallet kể.
Theo lời anh Sỹ, lấy ngắn nuôi dài, được mấy lứa heo, anh bán, mua từng cái máy cưa, phát triển dần lên, từ 3 công nhân, nay đã 4-50 công nhân, hầu hết là người ngoài độ tuổi lao động, thu nhập mỗi người 6-7 triệu/tháng; tổng xuất giá trị hàng đi 1,2 - 1,5 tỷ/tháng. Toàn bộ pallet này nhập cho tất cả công ty ở Khu kinh tế mở Chu Lai.
“Anh nghĩ ra cách tận dụng và tái chế này hay ai chỉ cho?”. “Tôi nghiên cứu thôi. Nhờ anh em lãnh đạo của Công ty CP Ô tô Trường Hải giúp cho, chứ đây là đổ thải, đốt cũng không ai đốt. Đem về, nhổ đinh, xẻ đúng quy cách các công ty đặt hàng hoặc tôi đi tìm mối để bán” - anh Sỹ nói. Cơ ngơi của anh bây giờ là 2 xưởng, rộng đến 4.200m2.
Còn bao nhiêu người như thế nữa ở đất này, họ đã sống một cuộc đời khác. Ông Trà Minh Thể đưa con số: Vân Thạch bây giờ có 855 hộ (3.275 khẩu), thì có đến 95% hộ khá, giàu, không có hộ nghèo, chỉ còn hơn 10 hộ làm nông, còn lại kinh doanh, dịch vụ, làm công nhân.
“Ở đây mà làm nhà, kêu thợ hồ không ra đâu, vì họ đi làm công nhân hết rồi hoặc kinh doanh. Anh em tôi làm nhà văn hóa thôn, 3 tháng trời không đổ bê tông được, cuối cùng phải kêu doanh nghiệp xây dựng. Tôi lo nhất giờ là đường dân sinh nhỏ mà xe ô tô nhiều quá, không có chỗ đậu…” - lời ông Thể.
Xe cộ, đường sá, nhà cửa phong quang, khang trang, cũng chỉ là chỉ dấu một hoặc vài góc nào đó của cuộc sống được khoác áo mới. Sự đổi thay của Tam Hiệp hay vùng nào đó trên đất này, hơn 20 năm, là chuyện không thể bàn cãi.
Thôn có công viên khá rộng. Tôi lang thang ở đó, nhớ Lão Tử nói, rằng chỗ ta ngồi ngày trước người xưa đã ngồi. Bỏ qua thâm áo hàm ngôn mang sắc màu triết học của ông tổ đạo Lão, vận vào đây, nghĩ những người như cháu nội ông Vân, học lớp 6, sáng dậy đồ chưa ủi là không chịu mặc đi học khiến ông bật cười là ngày xưa ông chỉ một bộ đồ, nó chơi trên cỏ, đâu biết chỗ này, ngày trước, dấu chân giao chỉ của tổ tiên, rồi đến lớp ông nó, từng ngón tòe ra, rướm máu, chai sần. Cát không còn chảy mà đã chôn vùi cơ khổ. Nó không biết ngày xưa, bao người đã ngồi trên cát với dáng hình dấu hỏi thê thiết về thân phận khổ đau. Thôi, hoa đã nở, hãy tận hưởng.