Văn thánh Thăng Bình: Nơi lưu giữ truyền thống hiếu học, lễ nghĩa

NGUYỄN QUANG VIỆT 05/05/2017 08:34

Mới đây, Trung tâm Văn hóa - thể thao (VH-TT) huyện Thăng Bình phối hợp với UBND thị trấn Hà Lam tổ chức tọa đàm nhằm hoàn thiện hồ sơ Văn thánh Thăng Bình để trình UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Công trình bề thế

Trong ký ức của người dân Hà Lam, Văn thánh Thăng Bình là công trình quy mô, trang trọng, phía trước có hồ bán nguyệt trồng sen. Cổng tam quan dài khoảng 50m là khối kiến trúc liên hoàn. Cửa chính cao rộng có 2 cánh cửa gỗ, phía trên xây vòm cuốn kết lại thành mặt bằng tầng 1. Trên mặt bằng ấy, ngay trên cửa chính, xây chồng lên 1 tầng nhỏ hơn, cũng gồm 3 ô cửa. Tương tự, tầng 2 tuy nhỏ hơn nhưng cũng là tam quan với 3 ô cửa cuốn. Trên đỉnh tam quan xây 8 mái, 4 mái hiên và 4 mái nóc, kiểu dáng như tòa nhà có cổ lầu. Qua khỏi cổng tam quan, bước vào không gian sân trước có 2 cây mai vàng tỏa bóng hai bên sân. Ở phía tây nam của sân trước có ngôi miếu thờ thổ thần, phía đông có giếng nước xây bằng đá ong nước trong mát ngọt lành. Sân trước có 2 công trình quan trọng là nhà học hay còn gọi là Đông đường và Tây đường. Nhà ở 2 phía đông và tây cùng quay mặt vào sân, kết cấu 1 gian 2 chái. Đây là nơi dạy học, lúc mới hình thành là trường huyện.

Trường Tiểu học Kim Đồng là địa điểm Văn thánh Thăng Bình ngày trước. Ảnh: N.Q.V
Trường Tiểu học Kim Đồng là địa điểm Văn thánh Thăng Bình ngày trước. Ảnh: N.Q.V

Qua khỏi sân trước, bước lên 5 bậc thềm là nhà tiền đường gồm 1 gian 2 chái. Các kết cấu gỗ của tiền đường gồm cột, kèo tam đoạn, xuyên thượng, xuyên hạ được tạo dáng mềm mại, cân đối, trên mái lợp ngói âm dương. Ở Văn thánh Thăng Bình, tiền đường có treo tấm biển sơn son thếp vàng 3 chữ “Tiên Đạt từ” thờ các bậc tiền hiền thành đạt khoa cử. Hai bên đầu hồi của tiền đường đặt 9 tấm bia đá ghi tên những bậc đỗ đạt làm quan cùng những tiết phụ trong bản hạt. Phía sau và song song với tòa tiền đường là bái đính hay còn gọi là chánh điện. Chánh điện có cùng quy mô, kết cấu, kiểu dáng như tiền đường nhưng tôn nền và cột nhà cao hơn, xây kín mặt sau. Ba gian giữa mặt trước của chánh điện khép mở bằng cửa gỗ, mỗi gian có 4 cánh gọi là cửa bàn khoa, bên trong bố trí 3 gian thờ. Chính giữa thờ Khổng Tử, có tượng tạc bằng gỗ, cao chừng 0,9m, ban thờ bên tả có bài vị thờ Tứ phối còn bên hữu thờ Thập triết. Trên xuyên thượng, xuyên hạ ở gian giữa chánh điện có treo bức hoành phi sơn son thếp vàng 2 chữ “Đại Thành”, hàng sau treo bức hoành phi 3 chữ “Thánh Chi Thần”. Nối đầu hồi toàn tiền đường với chánh điện là 2 dãy nhà hẹp là tả vu và hữu vu. Mỗi dãy có 3 gian thờ Thất thập nhị hiền của Nho gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Tửu (tổ 10, thị trấn Hà Lam), các kiến trúc của Văn thánh Thăng Bình không trang trí rồng, phượng cầu kỳ mà giản dị, hài hòa với cảnh quan thôn xóm bình yên. Một đặc điểm khác của Văn thánh là rất trang nghiêm, mang biểu tượng của văn hóa - tư tưởng Nho giáo. Ông Võ Anh Trung - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao Thăng Bình cho rằng đây là công trình quan trọng trong thiết chế nhà nước phong kiến. Ngày trước các bậc khoa danh đều họp mặt, đề cử ra “Hội bát văn” để chủ trì các sinh hoạt ở Văn thánh cũng như Hội đồng khoa danh. Việc tế tự tại Văn thánh Thăng Bình diễn ra theo lệ xuân thu nhị kỳ. Văn thánh Thăng Bình ngày trước được bảo quản trang nghiêm với ý nghĩa cao cả là tôn sư trọng đạo, đề cao sự học, thể hiện lòng thành kính với các bậc khoa bảng, tài hiền.

Cần công nhận di tích

Văn thánh Thăng Bình ghi nhận 164 vị khoa bảng
Từ nhiều nguồn sử liệu cho thấy, Văn thánh Thăng Bình được xây dựng năm 1856, thời vua Tự Đức. Thời điểm đó, cụ Nguyễn Đạo - bậc phẩm hạnh nhiều lần được triều đình khen tặng nhận sự tán thành của quan phủ Thăng Bình là tiến sĩ Ngụy Khắc Đản đã tự ứng tiền và đứng ra quyên góp để lần lượt xây dựng nhiều bộ phận của kiến trúc Văn thánh Thăng Bình. Đến năm 1865, cụ Nguyễn Trường - thân sinh cụ Tiểu La Nguyễn Thành đã trích lương bổng xây nhà Đông đường. Năm 1883, cụ Nguyễn Tạo - con trưởng cụ Nguyễn Đạo đang làm giáo thụ Thăng Bình đã vận động tiền của, xây hoàn thiện nhà Tiền đường, tạo hoàn chỉnh quần thể kiến trúc gồm khu miếu thờ, khu nhà học, cổng tam quan. Đến năm 1886, Văn thánh bị hư hại do giặc đàn áp phong trào Cần vương. Năm 1895, công việc tu sửa Văn thánh được tiến hành. Từ đó đến năm 1906, Văn thánh Thăng Bình tiếp tục trải qua nhiều lần trùng tu, hoàn thiện. Người khởi xướng và chỉ đạo dựng nên 9 tấm văn bia là cụ Hà Đình  Nguyễn Thuật. Ban đầu, vào năm 1896, chỉ có 6 tấm bia, rồi đến năm 1940 dựng thêm 3 tấm gồm 2 tấm ghi tên các vị khoa bảng đỗ đạt từ sau năm 1896 và 1 tấm ghi tên các “Tiết nghĩa phu”. Hằng năm vào tháng 2 âm lịch, các vị khoa bảng trong toàn phủ hội họp tại Văn thánh. Vào tháng 8 âm lịch, quan thân làng Hà Lam xưa làm lễ tưởng niệm, tế thánh. Về sau, mỗi khi cần, các vị khoa bảng trong phủ góp tiền và quyên trong dân để tu sửa Văn thánh Thăng Bình. Năm 1943, Văn thánh Thăng Bình là nơi dạy học chữ Quốc ngữ đầu tiên tại huyện. Văn bia Văn thánh Hà Lam đã ghi nhận 164 vị khoa bảng, trong đó có 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 31 cử nhân, 129 tú tài. Vị tiến sĩ duy nhất là Nguyễn Bá Tuệ (xã Tuần Dưỡng, tổng An Thái, nay là làng Tuần Dưỡng, xã Bình An), đỗ khoa thi năm Tân Sửu (1841).

Qua bao biến thiên của thời gian, thời cuộc, Văn thánh Thăng Bình đã trải qua nhiều thăng trầm. Hiện tại, khu di tích Văn thánh Thăng Bình nằm tọa lạc trong khuôn viên của Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Hà Lam). Gạch, đá ong, vôi vữa chỉ còn trải một lớp mỏng trong sân trường. Cây mít sót lại ngày trước nằm cạnh miếu thờ thổ thần đã chết khô. Bức hoành phi đề 2 chữ “Đại Thành” cùng với bàn hương án tại “Tiên Đạt từ” được người làng lưu giữ tại Tiền hiền làng Tư Chánh. “Hiện tại vẫn còn 9 tấm bia, 7 tấm khắc tên các vị khoa bảng, 1 tấm khắc tên các bậc công thần triều đình, 1 tấm khắc tên các bậc “tiết nghĩa phu” vẫn còn được lưu giữ ở đình tiền hiền Hà Lam. Văn thánh Thăng Bình là minh chứng sâu sắc cho những giá trị lịch sử, văn hóa bất biến của người Thăng Hoa ngày xưa, Thăng Bình ngày nay. Vì thế, cần lưu giữ, tôn vinh trong các thế hệ mai sau”, ông Bùi Thắng Lợi - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thăng Bình nói.

Đồng ý kiến này, bà Võ Thị Phước - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam cho rằng, những tấm bia còn lại cùng với bàn hương án và bức hoành phi mang 2 chữ “Đại Thành” là sự tôn vinh những tinh hoa hun đúc nên những giá trị tinh thần của người Thăng Bình. “Những gì còn lại thì phải giữ gìn, nhắc nhớ vùng đất đầy sóng gió qua bao thế hệ đến ngày hôm nay. Đó là cách để truyền lại niềm tự hào cho thế hệ mai sau về truyền thống học vấn, lập thân, xử thế của các bậc tiền nhân đi trước”, bà Phước nói. Theo ông Đoàn Thanh Khiết - Bí thư Đảng ủy thị trấn Hà Lam, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền thị trấn sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa địa phương và các cơ quan của tỉnh để lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ khu vực di tích Văn thánh Thăng Bình, qua đó từng bước phát huy các giá trị di tích. “Chúng tôi đang có kế hoạch tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ di tích. Cùng với đó là khuyến khích mọi hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thêm về lịch sử hình thành của Văn thánh, tiếp tục làm sáng rõ các giá trị lịch sử, văn hóa mà tiền nhân đã dày công xây dựng, để lại” - ông Khiết nói.

Ông Võ Anh Trung cho rằng, khu vực từng tồn tại cũng như các dữ liệu văn hóa, lịch sử của Văn thánh Thăng Bình vẫn còn, nhắc nhớ sinh động về vùng đất khoa bảng của Quảng Nam nói riêng, Thăng Bình nói chung. “Dưới ngọn cờ “Bình Chiêm hưng quốc” của vua Lê Thánh Tông rồi đến hành trình “Nam tiến”, các cộng đồng lưu dân đã hòa cùng các đội quân tiên phong của chúa Nguyễn vào Nam trấn thủ, khai phá, xây dựng, mở rộng vùng đất mới. Bằng trí tuệ, lao động, sáng tạo, họ đã ghi dấu ấn lớn tại vùng đất Quảng Nam, Thăng Bình ngày nay mà Văn thánh Thăng Bình là dấu mốc đáng nhớ. Người xưa đã tâm huyết xây dựng, sưu tầm, ghi chép, lập bia lưu dấu vàng son, làm nên truyền thống địa phương thì ngày nay, chúng ta càng có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ di tích, đề xuất cấp trên công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh” - ông Trung nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn thánh Thăng Bình: Nơi lưu giữ truyền thống hiếu học, lễ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO