Ông Trần Vĩnh Thơ - Chủ tịch UBND xã Trà Don cho biết, giai đoạn 2014 - 2015 địa phương có 29 hộ đăng ký thoát nghèo, giai đoạn 2015 - 2016 có 22 hộ, tuy nhiên, sau khi đăng ký chưa được bao lâu thì 15 hộ ở giai đoạn sau “đòi” rút khỏi danh sách. Sau nhiều lần xã đi vận động, giải thích rõ ràng thì 12 hộ chấp nhận “ở lại” còn 3 hộ ở thôn 1 thì kiên quyết không chịu. Điều đáng nói, cả 3 hộ này đều có điều kiện gia đình, cơ sở vật chất cho phát triển kinh tế tương đối khá và là những người trẻ, khỏe. Tuy nhiên, khi hỏi lý do tại sao không chịu thoát nghèo thì các hộ này đều nói gia đình còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như hộ ông Hồ Văn D., có nhà cửa khang trang, có máy phát keo, phát cỏ... Hay như hộ Nguyễn Thanh V. - Hồ Thị N., khi chúng tôi hỏi tại sao đã đăng ký rồi lại xin rút khỏi danh sách thoát nghèo, cả hai vợ chồng này đều than nhà “rất hoàn cảnh” như con còn nhỏ, không có đất sản xuất, không có nhà ở… Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cán bộ xã và một số hàng xóm gần đó, thì họ đều bảo hai vợ chồng này có nhiều đất sản xuất, làm ăn khá và nhà ở rất rộng. Còn căn nhà tồi tàn mà chị N. kể khổ khi tiếp chúng tôi thực chất chỉ là nhà bếp!
Căn nhà tồi tàn mà N. nói với chúng tôi thực ra là nhà bếp. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Ngoài lý do điều kiện khó khăn, các hộ trên còn cho rằng nếu mình đăng ký thoát nghèo thì các chế độ dành cho người nghèo sẽ mất hết, như chuyện học phí của con cái, bảo hiểm y tế…, nên họ mới rút lại đăng ký như thế. Về vấn đề này, ông Thơ cho biết là sau những lần đi vận động, khi biết lý do, xã đã tích cực gặp gỡ, giải thích rõ cho người dân hiểu, rằng sau khi đăng ký thoát nghèo, vài năm đầu họ vẫn được hỗ trợ như cũ. “Tuy nhiên, chỉ có 12 hộ là hiểu vấn đề, còn 3 hộ đó không chịu hiểu. Chúng tôi đang tiếp tục vận động, đồng thời phối hợp với các phòng ban liên quan ở trên huyện để vào cuộc” - ông Thơ cho hay.
Theo ông Thơ, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do người dân có tâm lý ỷ lại, cái gì cũng trông chờ Nhà nước cho. Như đói, thì được cho lương thực; thiếu mặc, thì được nhận quần áo; ốm đau được khám, cấp phát thuốc miễn phí; nhà nghèo, con được miễn học phí; được hỗ trợ bảo hiểm y tế… Vì vậy, khi Nhà nước thay đổi phương thức giúp đỡ thì người dân không chịu thay đổi theo, mà vẫn còn mang tư tưởng trông chờ ỷ lại. Nảy sinh tư tưởng lười biếng, không chịu lao động, thậm chí sau khi nhận được hỗ trợ thoát nghèo, nhiều hộ cũng không mặn mà, gây hư hại phương tiện sinh kế. Như vừa rồi, Hội Chữ thập đỏ TP.Tam Kỳ tặng cho xã Trà Don 5 con bò (mỗi con 15 triệu đồng) trong chương trình giúp đỡ giảm nghèo. Xã phân bổ 5 con bò này cho 5 gia đình nghèo ở địa phương. Không lâu sau đó, xã nhận được thông tin 2 con bò đã “biến mất” và 2 hộ nhận nuôi này đã dựng lên các “màn kịch” nhằm qua mặt chính quyền xã, đến khi cán bộ vào cuộc mới vỡ lẽ. Cụ thể, hộ nhận nuôi con bò đực nói với xã là cho người khác mượn để phối giống, nếu bò họ đẻ nhiều con thì sẽ cho lại 1 con. Xã nghĩ đây là chuyện tốt nên yên tâm. Mãi thời gian sau, không thấy bò đâu, xã mới vào cuộc thì mới vỡ lẽ con bò đực đã được người dân bán từ lúc vừa nhận về nuôi… Trường hợp còn lại, khi đến nhận bò từ xã, người này mạnh miệng bảo rằng con bò này không biết… ăn cỏ! Về, “neo” bò một chỗ, không cho ăn, không cho uống. Bò chết, mổ lấy thịt ăn và bán một phần để lấy tiền mua rượu uống...
Từ những tình huống bi hài này, xã Trà Don đã rà soát những hộ nào có đủ điều kiện mà không chịu thoát nghèo thì nhất quyết không cho nhận quà hay một số chương trình hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, hội từ thiện. “Vì mình càng cho, người dân càng ỷ lại, mà mình cũng không thể cho họ mãi. Cần phải thay đổi ý thức của người dân, mình chỉ hỗ trợ sinh kế cho họ mà thôi” - ông Thơ nói.
XUÂN KHÁNH