Điểm đến

Vẩn vơ trước sóng Tam Thanh

DU NGUYÊN 09/06/2024 08:47

“Vitamin C tốt cho cơ thể, còn vitamin Sea chữa lành tâm hồn" - thoạt nghe như hư cấu mà ngẫm kỹ lại rất thuyết phục. “Vitamin Sea" trở thành từ khóa tạo “trend" những năm gần đây, đặc biệt rộ lên mỗi khi mùa hè tới.

278713370_2001184346734306_5011466630631739613_n.jpg
Trước sóng biển Tam Thanh. Ảnh: Tam Thanh Beach House

Nỗi nhớ biển mang theo

Những năm hai mươi tuổi, tôi có dịp đến thăm nhiều vùng biển đẹp và nhiều thành phố biển nổi tiếng trên thế giới. Những lúc nhịp nhịp đôi chân vô tư lự, ngắm sóng biển ở xứ lạ, tôi mới biết thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng biển quê tôi nhiều như thế nào.

Tôi có một thói quen cố hữu, dù có đi đến đâu, dù đang say cảnh lạ vẫn len lén dành một khoảng riêng trong tâm trí để nghĩ về quê nhà.

Phải nói rằng hiếm có nơi nào hội tụ đủ những đặc ân từ thiên nhiên như vùng Duyên hải miền Trung Việt Nam: bờ cát thoải và dài, cát trắng phau, nước biển trong xanh, hải sản tươi rói...

Chỉ tiếc rằng, dù may mắn có được tất cả ưu ái từ thiên nhiên ấy, biển Tam Thanh của tôi như một nàng thơ ở ẩn. “Nàng” rất ít xuất hiện trên các trang tin du lịch và càng ít được nhắc đến hơn tại các diễn đàn đầu tư.

Tôi thử tìm trên Google từ khóa “đầu tư khu nghỉ dưỡng tại Tam Thanh, Tam Kỳ”. Như dự đoán, những kết quả trả về không mấy liên quan. Đi nhiều nơi, chứng kiến làn sóng hướng về phía biển rầm rộ của những đô thị “hàng xóm” trong khu vực, lòng không khỏi mong đợi những tín hiệu đầu tư để bứt phá du lịch biển quê mình, xứng tầm với những tiềm năng thiên nhiên mà Tam Thanh đang có. Đó là suy nghĩ của tôi khoảng 10 năm trước.

Những năm gần đây, ghé lại những thành phố du lịch biển nổi tiếng mà mình từng mê đắm khi còn trẻ, tự nhiên tôi thấy… ngợp. Những rừng cây ngã xuống, phố xá mọc lên, lấn tới sát mép nước.

Có nơi, tôi đi dọc con đường ven biển ở thành phố nọ mà sao thấy “kín bưng’, không có lối công cộng nào dẫn xuống biển, chỉ thấy những bức tường dự án giăng kín.

Đến khi kiếm được một con đường nhỏ len giữa 2 resort để đi vào một khu vực tắm biển cho dân sinh, tôi vẫn không thể thư thả lắng nghe tiếng sóng vỗ vì những tạp âm gần đó.

Tiếng còi xe từ trên đường vọng xuống, tiếng khoan máy lát lại vỉa hè, thêm tiếng bass loa thùng dội thẳng vào lồng ngực từ những quán bar sát biển gần đó… Tôi lắc đầu, tưởng rằng mình đã không còn yêu biển nữa.

Tam Thanh ngày gặp lại

Mùa hè này, tôi về lại Tam Thanh. Từ trung tâm TP.Tam Kỳ, phải mở Google map để tìm đường. Đường về phía biển giờ đã thênh thang. Cách chừng cây số, đã thoáng nghe mùi biển lẫn trong gió. Đi thêm một đoạn, lại nghe tiếng lao xao sóng vỗ, trước khi trực tiếp thấy mặt biển lấp loáng dưới nắng trưa.

289593092_2050708875115186_9159211508836316156_n.jpg
Sóng biển Tam Thanh.

Hành trình quê hương chào đón bước chân người đi xa trở về qua từng bước nghiêm cẩn: mùi hương - âm thanh - hình ảnh. Không gian bỗng gợi lại rất rõ trong tôi những ký ức về ngày xưa cũ.
Tôi rẽ vào một quán ăn gia đình đơn sơ gần bãi tắm.

Chị chủ quán thiệt thà: “Hôm nay quán chị có mực tươi ngon, mời em ăn nghe”. Đúng y như lời chị giới thiệu, dĩa mực tươi cong chỉ cần hấp lên, thêm xíu rau thơm, hạt tiêu là nồng nàn hương vị.

Cách chế biến món ăn cũng giống như cách sống của những người dân ở đây, hồn hậu, phóng khoáng, nguyên bản, ít pha trộn.

“Ăn được không em? Cần chi cứ báo chị”, chị vừa bồng con vừa hỏi thăm rồi quay sang nói chuyện với chồng mình. Tôi cảm ơn chị, không chỉ vì đĩa mực tươi ngọt hay chén nước mắm thơm lừng pha đúng điệu. Mà một cách vô tình, chị đã cho tôi một tấm vé về với Tam Thanh 30 năm trước, y như ngày tôi còn nhỏ.

Tôi đọc sách, hiểu thêm rằng sức hấp dẫn tự nhiên của biển vốn không nằm ở các trò giải trí hay những tiện nghi hiện đại. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh vì sao biển có một năng lực “chữa lành tự nhiên” cho con người.

Đại dương chính là nơi khởi nguồn sự sống trên Trái đất, hệ thực vật trên biển cung cấp một nửa lượng oxy chúng ta hít thở. Nên tình yêu biển cũng tự nhiên như hơi thở.

Biophilia, một thuật ngữ được Erich Fromm sử dụng và được mở rộng bởi Edward O. Wilson, nhấn mạnh rằng sự gắn kết và gần gũi với thiên nhiên là một phần quan trọng không thể thiếu để tạo nên hạnh phúc của con người.

Tiếc thay, làn sóng đô thị hóa rầm rộ ở các thành phố biển khác đã đem nhựa, thép, bê tông, kính… đang từng ngày lấn át dần những vẻ đẹp nguyên sơ của đại dương và làm phai dần những giá trị văn hóa bản địa.

Rời quán nhỏ, tôi cất điện thoại, xắn quần lên quá gối, đi chân trần xuống mép nước nhặt vỏ sò và để lòng mình tan ra theo từng con sóng…

Tôi chợt nhớ tới sự nóng ruột của mình về sự lặng lẽ của Tam Thanh vào những năm mình hai mươi tuổi, thấy sao mình thật trẻ người non dạ. Nếu Tam Thanh cũng hồ hởi tham gia vào cuộc đua bê tông hóa, đô thị hóa như những nơi khác, thì làm sao giữ được trọn vẹn vẻ đẹp nguyên sơ quý báu này.

Tôi đứng vẩn vơ nhìn sóng Tam Thanh, thấy âm thanh của đường phố, còi báo động, các công trình xây dựng, các tiếng tin báo email… vốn luôn ám ảnh tâm trí bỗng dưng nhỏ dần rồi tan biến trong lòng mình.

Chỉ còn hàng phi lao rì rào trong gió, cát nhỏ lạo xạo dưới chân, tiếng người dân làng chài hò dô kéo lưới và từng đợt sóng vỗ dịu êm…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẩn vơ trước sóng Tam Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO