Sáng cuối tuần, trong câu chuyện phiếm của nhóm 3 gia đình trẻ cùng xóm chúng tôi, một bạn đùa răng “có khi từ nay cả nhóm góp gạo nấu cơm chung để đỡ chi phí, chớ chợ búa giá đã tăng, nghe đâu xăng lại sắp tăng giá”. Đùa, nhưng có khi phải làm thật.
Từ đầu năm đến nay xăng dầu liên tiếp tăng giá đã tác động trực tiếp đến đời sống. Tại các chợ truyền thống, hầu hết mặt hàng đã tăng giá, thậm chí cao hơn kỳ tết nguyên đán vừa rồi. Trong cơn bão giá, người dân có thể nhịn chơi, nhịn mặc, nhưng họ không thể nhịn ăn, nên đi chợ cũng phải nương theo giá và tính toán chi li, nhất là với công nhân lao động, gia đình bình dân.
Tại các siêu thị, giá các mặt hàng tuy có tăng nhưng không tăng tự do như ở chợ truyền thống. Xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển bị đội lên từ đó tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp dù các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá nhưng doanh nghiệp không những không tăng mà thậm chí còn chấp nhận giảm lợi nhuận để không tăng giá quá cao, nhằm giữ chân khách hàng.
Các mặt hàng một khi đã đắt đỏ, người tiêu dùng phải tính toán tiết kiệm. Bây giờ, để làm “người tiêu dùng thông minh” không chỉ lựa chọn được thực phẩm an toàn mà còn phải tính đến chuyện chi tiêu phù hợp trong cuộc đua phi mã của giá các mặt hàng chạy theo giá xăng dầu.
Trớ trêu là trong khi giá các mặt hàng bán ra thị trường tăng cao thì giá thu mua của thương lái lại giảm mạnh. Điển hình là giá xăng dầu tăng quá cao trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giá thu mua hải sản giảm mạnh, ngư dân khó chồng khó.
Hiện nay mỗi chuyến đi biển của ngư dân phải mất thêm chi phí tiền xăng dầu hơn 20%. Chi phí ra khơi tăng nhưng giá hải sản lại không tăng. Nghịch lý này đã giáng thêm đòn đánh khá mạnh khiến ngư dân buộc phải cho tàu cá nằm bờ, khi hầu hết các chuyến ra khơi đều thua lỗ.
Hay như các mặt hàng nông sản, thương lái mua tại ruộng với giá thấp do “xăng tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng nên phải giảm giá thu mua để bù”. Hàng về chợ thì lại tăng giá, cũng do “xăng tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng nên phải tăng giá bán”. Cuối cùng thì gánh nặng đổ hết lên vai nông dân, lao động nghèo, người khó khăn; trong khi thu nhập của họ vốn dĩ đã thấp, thời gian qua lại bấp bênh do ảnh hưởng của Covid-19.
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vốn đã cạn lực do dịch Covid-19 nay xăng dầu tăng giá khiến họ thêm kiệt quệ. Trong khi phát biểu trên các diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định giá xăng dầu còn tăng cao trong những ngày tới, có khi vượt mốc 35.000 đồng, thậm chí 45.000 đồng/lít xăng RON 95. Dự báo này càng khiến doanh nghiệp lo sốt vó, tính toán cho chặng đường phía trước.
Xăng dầu tăng giá không phanh còn bởi hiện nay 1 lít xăng đang cõng rất nhiều loại thuế phí khác nhau và chiếm tỷ trọng khá lớn, đến gần 50%, trong cơ cấu giá xăng dầu tại nước ta.
Để hạ nhiệt giá xăng hiện nay, trong bối cảnh quỹ bình ổn cạn kiệt thì việc giảm thuế, phí gần như là phương án bắt buộc. Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hôm nay 14.3, cho phép bổ sung dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết ngày 31.12.2022 (theo đề nghị của Bộ Tài chính) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít. Với điều chỉnh này, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng.
Ngày mai 15.3 là “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Trong khi chờ giá xăng dầu giảm (nếu nghị quyết trên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua) để quyền lợi được bảo vệ, người dân trước hết hãy làm “người tiêu dùng thông minh” để đứng vững trong cơn bão giá.