(QNO) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến cận kề, nhưng do ngành du lịch vẫn chưa thể phục hồi trở lại kéo theo hệ lụy người hành nghề xích lô ở Hội An mất việc làm, bất đắc dĩ chuyển đổi qua ngành nghề khác kiếm sống.
Đầu tháng Chạp, nhưng phố cố Hội An dường như vẫn chưa thấy không khí mùa xuân. Hiện nay, phần lớn khách tham quan Hội An vào những ngày cuối tuần, tuy nhiên cũng ít ai lựa chọn xích lô làm phương tiện để đi lại trong khu vực phố cổ. Do dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, du khách ngần ngại đến tham quan di sản phố cổ, dù chính quyền thành phố đang kích hoạt sự đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ “thượng đế”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề đạp xích lô, ông Nguyễn Cát (60 tuổi) cảm nhận phố cổ chưa bao giờ lại rơi vào cảnh hiu hắt như hiện nay. “Dịch bệnh bùng phát dai dẳng đã làm cho kinh tế trong gia đình tôi trì trệ, túng thiếu. Mong rằng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, du lịch sẽ nhộn nhịp trở lại để những người lao động như chúng tôi có công việc ổn định, chớ như thế này buồn lắm” – ông Cát bộc bạch.
Còn ông Trần Cư cho hay, dù ít khách du lịch lui tới nhưng mỗi ngày ông vẫn giữ thói quen đều đặn đánh “xế cưng” của mình ra phố cổ, hi vọng sẽ được du khách tìm đến. “Chúng tôi làm công việc này ngoài mưu sinh kiếm sống, còn mong muốn giữ gìn và giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước nét đẹp văn hóa tinh thần của phố Hội” - ông Cư nói.
Theo UBND TP.Hội An, nhiều năm nay, xích lô ngoài việc đưa du khách đi lại trong trung tâm phố cổ, còn là phương tiện được sử dụng để vận chuyển người dân đi cấp cứu vì tại nhiều đường khu vực phố cổ cấm xe ô tô qua lại.
Ông Đinh Văn Phước – Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô văn hóa TP.Hội An cùng các đồng nghiệp đang rất trăn trở, khi kế sinh nhai vốn đã ít ỏi nay lại không đủ để nuôi sống bản thân và gia đình. Là lao động trụ cột trong gia đình, nguồn thu nhập chính của ông Phước phụ thuộc hoàn toàn vào nghề đạp xích lô, tuy nhiên năm 2021 ông duy trì công việc chỉ khoảng vài tháng, thời gian còn lại hầu như ở nhà phụ gia đình vì vắng khách.
“Trước đây, khi du khách còn đông đúc, thu nhập của tôi mỗi ngày được vài trăm nghìn đồng, nhưng thời điểm này 2 - 3 ngày mới có một chuyến xe. Nhiều anh em trong nghiệp đoàn đã bán phương tiện để chuyển sang ngành nghề khác mưu sinh, chỉ một số ít thành viên còn trụ lại” – ông Phước buồn bã.
Cũng theo ông Phước, ngành du lịch đóng cửa thời gian dài nên lượng người hành nghề xích lô cũng giảm hẳn so với cách đây 2 năm. Khi thành lập, Nghiệp đoàn xích lô văn hóa Hội An có đến 102 thành viên tham gia nhưng hiện chỉ còn 5 - 6 chiếc còn hoạt động. Chia sẻ phần nào khó khăn của các “đại sứ du lịch”, UBND TP.Hội An hỗ trợ mỗi trường hợp hành nghề xích lô 1 - 2 triệu đồng/tháng.