Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 1: Thất bại từ du lịch làng nghề

SONG ANH 19/10/2016 08:37

Đã từng được kỳ vọng như một điểm sáng của bức tranh nông thôn, các làng nghề, làng nghề truyền thống là nơi chốn giữ gìn và phát huy bản sắc của làng. Nhưng rồi cơn lốc thị thành, công nghiệp… đã cuốn những người thợ của làng ra đi, để hiện tại, muốn thấy thợ trẻ ở các làng nghề, phải đỏ mắt kiếm tìm…

BÀI 1: THẤT BẠI TỪ DU LỊCH LÀNG NGHỀ

Đề án đưa làng nghề vào khai thác du lịch của UBND tỉnh được kỳ vọng sẽ đem lại sức sống mới cho các làng nghề, nhưng thực tế không như vậy. Nhiều làng nghề vẫn đối diện với nguy cơ mai một, trong khi đó lớp người trẻ làm nghề ở địa phương thì thưa vắng dần.

Học nghề mộc ở làng Kim Bồng.Ảnh: SONG ANH
Học nghề mộc ở làng Kim Bồng.Ảnh: SONG ANH

Chỉ còn… làng có nghề

Không chỉ thiếu thợ trẻ, mà còn thiếu cả thợ lành nghề. Các làng nghề, làng nghề truyền thống ở Quảng Nam cũng như trên cả nước, đã từng và luôn được kỳ vọng sẽ là cửa thoát nghèo cho vùng nông thôn, là phương kế để “ly nông không ly hương”. Nhưng, thực tế lại không như vậy. Những làng nghề mai một, không có thị trường, chật vật tìm cho mình cách tồn tại, người làm nghề không sống được với nghề... là lý do chính khiến các làng nghề ngày càng thu hẹp quy mô sản xuất.

Ngay từ năm 2000, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng lập đề án đưa làng nghề vào khai thác du lịch. Và động thái đầu tiên là quyết định công nhận 19 làng nghề truyền thống cấp tỉnh (năm 2004) để từ đây có cơ sở cho các dự án đầu tư. Trong 19 làng nghề khi ấy, Kim Bồng (mộc), Mã Châu (tơ tằm), Phước Kiều (đúc đồng) và Thanh Hà (gốm) là 4 làng nghề “danh giá” nhất được chọn đầu tiên. Sau rất nhiều năm, mộc Kim Bồng và gốm Thanh Hà đã đi vào lộ trình tour, tuyến của du lịch Hội An, còn làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) và làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) phải gác lại ước mơ sống nhờ du lịch vì không thể vực dậy và ngày càng mai một.

Năm 2015, UBND tỉnh ban hành đề án hỗ trợ 16 làng nghề tham gia “Đề án phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2015 - 2020” với tổng kinh phí là 85 tỷ đồng. Theo khảo sát từ các địa phương báo cáo với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, số lượng làng nghề của toàn tỉnh lúc đó là 89 làng nghề, làng nghề truyền thống với khoảng 7.450 hộ tham gia hoạt động nghề, giải quyết hơn 16.180 lao động nông nhàn tại địa phương. Tuy nhiên, hiện tại theo thống kê mới nhất của Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, toàn tỉnh có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 31 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận qua các năm. Trong số 31 làng nghề được công nhận này thì có 3 làng nghề không còn tồn tại. Tổng số cơ sở sản xuất tham gia hoạt động làng nghề là hơn 2.400 cơ sở với 4.644 lao động, trong đó chủ yếu là lao động nữ và độ tuổi trung niên, lớn tuổi.

Các nghệ nhân lão làng giỏi nghề lần lượt qua đời, sản phẩm bị nhái mẫu, lai tạp, sản xuất đình trệ. Các hộ làm nghề lâu đời bắt đầu bán tháo máy móc, công cụ sản xuất. Phước Kiều và Mã Châu đều chung một kịch bản như vậy. Sản xuất chỉ ở mức độ duy trì nghề. Hoặc nếu làm nghề thì cũng bắt đầu rẽ những con đường khác, biến thể sản phẩm và tự mày mò tìm đường tiêu thụ. Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng của làng đúc đồng Phước Kiều nói, khoảng chừng những năm 2000, làng nhận kinh phí đầu tư là 300 triệu đồng thì địa phương đã chi đến khoảng 80% số kinh phí này để xây nhà trưng bày. Xây xong thì đóng cửa đến bây giờ. Viễn cảnh du khách nườm nượp đến tham quan và mua sản phẩm, có lẽ chỉ có trong mơ. Chính vị nghệ nhân này đã tự tìm cách giao dịch với các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch ở Hội An để được trưng bày những sản phẩm chế từ đồng mang mác Phước Kiều. Khi đó ông còn rất trẻ, chưa đến 30 tuổi. Và Phước Kiều cũng có một số người trẻ khi ấy, tự lăn lộn khắp nơi để chào giới thiệu sản phẩm của mình, như Dương Ngọc Tiển hay Dương Ngọc Sang. Còn đa số hộ làm nghề đóng cửa, tắt lửa lò nung… Cũng như vậy, làng tơ lụa Mã Châu tan vỡ những giấc mơ làm giàu từ nghề và từ chuyện du lịch. Hàng loạt người bỏ nghề, đóng xưởng. Đầu tư hàng tỷ đồng vào xưởng dệt, không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, xưởng đóng cửa, thợ lần lượt bỏ nghề, chủ xưởng vỡ nợ. Hiện tại, dù làng vẫn còn đến 245 hộ sản xuất với phần lớn là lao động nữ, nhưng chủ yếu vẫn là dệt vải sợi thô để xuất sang thị trường Trung Quốc, không còn là làng làm nghề tơ lụa như xưa.

Nhưng dù thực trạng chỉ tồn tại lay lắt như làng đúc đồng Phước Kiều, làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây, làng chiếu cói Bàn Thạch..., hay thậm chí là một “đại công xưởng” gia công cho sản phẩm nước ngoài như tơ lụa Mã Châu, vẫn tiếp tục nằm trong đề án “Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020” với tổng kinh phí 85 tỷ đồng cho 16 làng nghề trên toàn tỉnh. Đường sá, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư khang trang, nhưng oái ăm thay, thợ làm nghề ngày càng vắng bóng…

Không sống nổi với nghề

Các làng nghề chưa làm du lịch thiếu thợ đã đành, nhưng các làng nghề đã gắn hoạt động với các làng du lịch cộng đồng, vẫn thiếu nhân lực dẫu người làm nghề đã được đào tạo tận nơi về cung cách làm du lịch xen lẫn với nghề truyền thống. Ông Trần Duy Năm từng là Trưởng ban chủ nhiệm làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, nơi từng được kỳ vọng sẽ là bệ phóng để làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch (Duy Vinh, Duy Xuyên) phát triển mạnh mẽ hơn, lắc đầu vì lớp người làm nghề hiện tại ở các làng quê tại đây chủ yếu là những người già. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa vào phát triển du lịch, lớp lao động trẻ cũng đã rục rịch để chuẩn bị làm nghề và đón khách. Nhưng khoảng đâu hơn một năm, theo lời ông Năm, “lớp người trẻ bỏ làng, bỏ nghề dệt chiếu, đan lát để đi làm công nhân ở Điện Nam - Điện Ngọc hoặc làm thợ ở các công trình xây dựng ở Duy Hải, Duy Nghĩa”. Bà Võ Thị Xung, người của làng chiếu cói Bàn Thạch cho biết, nghề dệt chiếu của làng hiện tại chỉ còn những người lớn tuổi. Những người ở độ tuổi từ 40 đổ lại đều muốn đi buôn bán hay làm công việc khác có thu nhập ổn định hơn. Cũng như vậy, ở làng gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế, mặc dù khách tới làng khá đông và làng cũng đã thu lợi từ du lịch, nhưng người làm nghề truyền thống thì chủ yếu ở độ tuổi từ 50 trở lên. Làng của người già là tên gọi mà du khách đặt cho khi tìm đến gốm Thanh Hà hay rau Trà Quế.
Trong khi đó, ở những làng nghề đã có đầu tư dự án khôi phục và phát triển làng nghề, với con số vốn hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng, vẫn không thể nào thu hút lao động trẻ đến với nghề. Lý do duy nhất, sự đầu tư đó vẫn chỉ mới dừng lại ở cơ sở hạ tầng, chưa đem lại hiệu quả, chưa thấy có thể khiến làng nghề trở mình. Những nghệ nhân ở các làng nghề chia sẻ, đầu tư vào đâu thì điều đầu tiên phải xem người ở đó đang cần gì. Đằng này những sự đầu tư chỉ dựa vào ý chủ quan của chính quyền. Và những lãng phí cũng bắt nguồn từ đây. Từ cách thức xây dựng và hoạt động của các nhà truyền thống làng nghề đến việc mua sắm máy móc, trang thiết bị trong khi không nắm về thực trạng hoạt động của làng nghề. Và nhãn tiền là hầu hết nhà truyền thống làng nghề đều không thể phát huy công năng của nó, cửa đóng then cài quanh năm như nhà truyền thống làng nghề đúc đồng Phước Kiều, trung tâm tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, nhà truyền thống nghề mộc Kim Bồng… Tất cả làng nghề đều cần phải có lớp người làm nghề kế cận để bảo tồn, giữ nghề và các giá trị văn hóa tinh thần của làng nghề, nhưng không phải chuyện dễ. “Thiệt tình chúng tôi cũng muốn theo nghề. Nhưng đầu tiên phải sống được bằng nghề. Hoặc ít ra phải thấy được tương lai khi làm nghề. Nhưng hoàn toàn mờ mịt” - anh Lê Văn Thanh, ở làng nghề dệt chiếu An Phước (Duy Phước, Duy Xuyên) chia sẻ.

Những tưởng khi gắn du lịch cùng với sự phát triển của làng nghề, sẽ kích thích và giữ chân lao động trẻ ở lại với nghề của làng. Nhưng không khai thác hết các thế mạnh của du lịch làng nghề, người làng nghề không sống được thì người trẻ phải ra đi, là điều đương nhiên…

________
Bài 2: Nghệ nhân tìm truyền nhân

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 1: Thất bại từ du lịch làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO