Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài cuối: Tìm cách đưa lao động trẻ về làng

SONG ANH 21/10/2016 08:48

Nhiều giải pháp được các sở ngành, địa phương đưa ra nhằm nỗ lực đưa lao động trẻ quay về làng. Trong khi đó, tại các xưởng nghề của nhiều doanh nghiệp, số lao động trẻ đã bắt đầu đông hơn, một số đã tìm thấy cảm hứng, niềm hy vọng gắn bó với nghề truyền thống. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những tín hiệu ban đầu.

  • Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 2: Nghệ nhân tìm truyền nhân
  • Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài 1: Thất bại từ du lịch làng nghề

Học cách làm của Hội An

Không nhiều, nhưng mỗi năm Hội An đều cố gắng mở một lớp truyền nghề, và mỗi lớp đông nhất cũng chỉ 10 học viên. Nhưng đó có lẽ là ước mơ của nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh. Nghệ nhân Nguyễn Lành, Nguyễn Quốc Tuấn những ngày này bận bịu để vừa làm nghề vừa chỉ dạy cho 8 người trẻ của làng gốm Thanh Hà. Họ là những “đứa con” đã đi xa nay quay về làng, với khát khao sẽ làm giàu và đi lên bằng nghề của ông cha mình, trên chính vạt đất ven sông Thu này.

Lê Văn Nhật (sinh năm 1988) đã bôn ba đủ thứ nghề, để đến khi trưởng thành như bây giờ, chọn về làng và lập nghiệp bằng nghề của cha. Nhật nói mình muốn tiếp nối sự nghiệp của gia đình, hơn nữa, chàng trai này có lẽ đã nhìn thấy con đường tương lai của làng nghề, từ khi khách du lịch tìm đến Thanh Hà mỗi ngày một đông. Hoặc như Nguyễn Văn Nguyên - người con của làng gốm Thanh Hà, tuy không về làng để làm thợ, nhưng xây dựng công viên đất nung Thanh Hà, một bảo tàng đất nung đầu tiên của Việt Nam từ khi đưa vào hoạt động đến nay, đã thu hút rất nhiều dự án nghệ thuật về tổ chức tại đây. Gốm Thanh Hà có một sức sống mới, bên sự trầm mặc và bình dị đã có tuổi tên hàng trăm năm. Những câu chuyện về gốm cổ được tiếp nối bằng chính sự tài hoa của nghệ sĩ sáng tạo trên khắp thế giới tụ về.

Vinahouse Space là nơi có khá đông thợ trẻ theo học nghề và thợ lành nghề, trong đó có cả thợ lành nghề của làng mộc Văn Hà. Trong khi làng nghề mộc Văn Hà có nguy cơ mai một vì thiếu người làm nghề. Ảnh: S.A
Cơ sở đạo tạo nghề Nguyễn Văn Tiếp có nhiều học viên theo học. Ảnh: S.A.

Hay xa hơn một chút, Nguyên quay về làng để giữ lại một làng nguyên vẹn của ký ức ấu thơ. Lần lượt từng nghệ nhân già được Nguyên mời vào “bảo tàng gốm” để tham gia truyền nghề. Cảm hứng từ Nguyên, một số bạn trẻ của làng sau thời gian rong ruổi với nhiều ngành nghề, lại quay trở về học chuốt gốm, xoay bàn. Ông Nguyễn Văn Tú - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà chia sẻ: “Trong những năm gần đây, phường Thanh Hà chủ trương tổ chức tái tạo làng nghề phục vụ du lịch. Trong đó việc quan trọng nhất là đào tạo lại lớp thợ trẻ. Hàng năm, thành phố đều tổ chức lớp đào tạo nghề cho người trẻ để phát triển lao động làng nghề. Và để khuyến khích lao động có tâm huyết với nghề, từ nguồn kinh phí trích từ vé tham quan, ngoài việc quảng bá, quản lý, địa phương còn hỗ trợ cho lao động để phục vụ làng nghề”.

Cũng từ một làng nghề truyền thống của Hội An - nghề mộc Kim Bồng, hôm nay đông hơn những lứa thợ trẻ. Họ tay đục tay bào, lả lướt trong từng đường nét chạm trổ của mình. Phan Xuân Nguyên, ông chủ trẻ sinh năm 1978, cũng lớn lên từ những lớp truyền nghề của các nghệ nhân, đã mở cho riêng mình một cửa hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Kim Bồng, vừa làm vừa dạy cho những lớp người trẻ hơn. Và như câu chuyện của làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng cũng được Hội An chú trọng vào những lớp thợ trẻ để duy trì nghề và phát triển mạnh hơn khi làng bắt đầu làm du lịch. Những lớp nghề thủ công của Hội An không chỉ có mộc, gốm.

Hiện nay, địa phương này đang tiếp tục mở rộng thêm phạm vi đào tạo từ những nghề như đèn lồng hoặc các sản phẩm từ dừa nước. Sở dĩ các lớp nghề của Hội An luôn có học viên, và họ duy trì được các khóa đào tạo này trong lớp người trẻ, bởi cách làm đến nơi đến chốn của thành phố. Một cán bộ chuyên trách về công tác làng nghề của Phòng Kinh tế - hạ tầng Hội An chia sẻ, trước mỗi khóa đào tạo, họ đều đi thu thập nhu cầu của những người trẻ ở làng nghề. Từ nhu cầu này, họ sẽ đến các cơ sở đang làm nghề truyền thống trên địa bàn và khuyến khích các chủ doanh nghiệp này nhận thợ trẻ. Sau khi xong lớp đào tạo, học viên sẽ được nhận vào làm ở những cơ sở này. Hoặc cũng có những học viên tự mở cho mình cơ sở sản xuất riêng để đồng thời vừa làm nghề vừa làm du lịch.

Đào tạo nghề từ nhiều nguồn

Không có nhiều người ở làng theo nghề, trong khi ở các cơ sở sản xuất những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không nằm trong phạm vi làng nghề, lại có rất đông người đến theo học. Ông Bùi Ngân Tùng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành (Phú Ninh) cho biết, ở làng mộc Văn Hà, năm 2011 đã mở một lớp đào tạo nghề mộc cho 40 thợ trẻ của địa phương do Nghệ nhân ưu tú Đinh Thẩm đứng lớp. Nhưng hiện tại, chỉ còn khoảng 5 trong số 40 người này tiếp tục gắn bó với nghề mộc. Còn lại, đa số học viên khác đi làm nghề ở các xưởng mộc lớn trong tỉnh, như tại Công ty CP Nhà Việt (Điện Bàn) vẫn có nhiều thợ ở Tam Thành. Cũng theo ông Sơn, mặc dù đã đầu tư đường vào làng nghề đến hơn 2 tỷ đồng, cũng như tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ máy móc làm nghề và một gian hàng trưng bày sản phẩm tại Trạm dừng nghỉ Bình An, thì làng nghề mộc Văn Hà hiện tại cũng không thể thoát khỏi nguy cơ mai một vì không có thợ trẻ làm nghề. Nhiều làng nghề rơi vào tình trạng tương tự như mộc Văn Hà, khi đã có các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mở ra, vẫn không có người theo học nhóm nghề truyền thống, hoặc nếu theo thì sẽ không làm nghề tại địa phương.

Từ năm 2010, Tổng cục Dạy nghề của Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp phối hợp thí điểm mở 109 lớp, đào tạo 2.650 lao động ở 26 nghề truyền thống tại 10 tỉnh, thành phố. Trong đó Quảng Nam chọn nghề mộc để mở các lớp đào tạo theo chương trình này. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ tỉnh cho rằng, không cứ phải nhất nhất làng nghề nào thì đào tạo người theo nghề đó, hoặc truyền nghề thì phải ở làng nghề. Theo ông, có thể doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề là một, khi doanh nghiệp có khả năng đào tạo được nghề. Hiện tại, giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, lao động cho các làng nghề truyền thống được các sở ngành liên quan tham mưu, chính là khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trực tiếp mở lớp truyền nghề, các lớp đào tạo thợ lành nghề, giáo viên dạy nghề và người thiết kế mẫu trong các làng nghề. Cùng với đó, sẽ có chương trình phát triển nguồn nhân lực thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cấp xã, làng bản và đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, tổ chức giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương khác và sẽ có chế độ ưu đãi để thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi tham gia phát triển làng nghề… Ông Tiếp chia sẻ thêm, ngay ở cơ sở của mình, ông đã đào tạo miễn phí cho học viên, sẵn sàng để họ đến học nghề, nhưng số lượng người tìm đến học vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Việc đào tạo lao động trẻ ở nhóm nghề truyền thống đang được làm theo 3 mô hình: đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới, hay còn gọi là “cấy nghề” cho những địa phương chưa có nghề truyền thống; đào tạo gắn với vùng nguyên liệu và đào tạo nhân lực trình độ sơ cấp để phát triển chất lượng nhân lực tại các làng nghề hiện có. Hiện tại, Quảng Nam đã thất bại ở dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhóm nghề truyền thống phi nông nghiệp, mặc dù trong đó có tiêu chí phải phát triển nhân lực cho làng nghề truyền thống. Chỉ còn có thể trông chờ vào các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làm nghề mới đủ sức để đảm đương công việc đào tạo thế hệ làm nghề kế cận. Nhưng các cơ sở, doanh nghiệp có đào tạo nghề như vậy, vẫn chưa có được sự trợ giúp nào từ các chương trình, dự án về đầu tư phát triển, khôi phục làng nghề. Họ cũng chỉ mới dừng lại ở việc đầu tư để mở rộng sản xuất cho cá nhân. Và như vậy thì con số lao động được học nghề cũng chỉ dừng lại ở số lượng vài chục người.

UBND tỉnh đang tổ chức rà soát và kiểm kê lại thực trạng hoạt động của các làng nghề truyền thống để có những kế sách phát triển, khôi phục làng nghề. Hy vọng đây sẽ là tín hiệu khả quan cho các làng nghề, và cũng là cho những lao động trẻ nông thôn đang muốn rời khỏi xí nghiệp, nhà máy để quay về quê hương… làm nghề!

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vắng bóng thợ trẻ làng nghề - Bài cuối: Tìm cách đưa lao động trẻ về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO