Vang hào khí núi rừng

PHƯƠNG GIANG - ĐĂNG NGUYÊN 30/07/2019 15:19

Chia lửa với chiến trường, san sẻ khó khăn với cách mạng, từ trong ký ức hào hùng của những ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện Nam Giang bước sang những trang mới trong hành trình 70 năm trưởng thành. Khúc tráng ca nay vẫn vang vọng giữa núi rừng, bằng rất nhiều dấu ấn của đổi thay.

Diện mạo trung tâm huyện Nam Giang đang đổi thay từng ngày, ghi dấu ấn từ công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo trung tâm huyện Nam Giang đang đổi thay từng ngày, ghi dấu ấn từ công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ký ức oai hùng

Ngày 28.6.1949, Đảng bộ huyện Nam Giang ra đời, ghi dấu mốc cho những thắng lợi vẻ vang của mảnh đất Giằng - tên gọi thân thương ngày trước. Trong chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân nơi đây là hậu phương vững chắc của tiền tuyến, bảo vệ cứ địa qua bao khắc nghiệt chiến tranh, tạo được một vùng giải phóng quan trọng, bảo vệ các binh trạm Bến Giằng, Ốc Crung, Pa Tôih và Đhơ Ngôh. Giữa muôn trùng khốn khó của thời chiến, Đảng bộ huyện đã thể hiện tốt vai trò lãnh đạo cách mạng ở địa phương, với phương châm “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng hòa cực khổ với dân. Niềm tin khởi đi từ những ngày tháng đó, mà thành công lớn nhất là vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, tiến tới xóa bỏ nạn “giặc mùa”, nạn “ăn đầu, trả đầu”, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; kêu gọi hòa bình, đoàn kết giữa các dân tộc anh em, biến làng bản thành hậu cứ vững chắc của cách mạng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa những người con Nam Giang anh hùng đi theo lá cờ của Đảng, cùng Đảng bộ huyện viết nên nhiều chiến công. Sự đàn áp, bom đạn hủy diệt của kẻ thù không thể dập tắt được ngọn lửa cách mạng. Chính bản lĩnh và ý chí kiên cường của những người con núi rừng đã làm nên những trận đánh, địa danh đi vào lịch sử như trận đánh địch ở dốc Gợp, đánh hạ đồn Gơ Lâu, bao vây đồn A Tép, đồn A Roó, đồn Đắc Ploong. Ngày 23.10.1960, quân dân Nam Giang dũng cảm đánh thẳng vào đồn Bốt Xít, tiêu diệt đồn địch đầu tiên trên đất Nam Giang, gây tiếng vang lớn góp phần vào thắng lợi chung của phong trào đồng khởi ở miền núi. Cũng từ đó, những cái tên đã trở thành huyền thoại ở bản làng xuất hiện như chiến sĩ giao liên Kapa Hương, Xã đội trưởng Bh’nướch Đhố, mẹ Căn Zơh; hay những chiến sĩ du kích xã Đắc Pring, du kích làng Cha Đó (xã Zơ Nông cũ) bắn rơi máy bay địch. Tháng 4.1965, bằng cuộc tiến công của lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã Chà Vàl, Đắc Pring, Đắc Tôi, Tà Pơơ, Coong Năng vào cứ điểm Coong Zêl đã xóa sổ chốt điểm cuối cùng của Mỹ - ngụy ở vùng cao, tạo bước đệm giúp Nam Giang hoàn toàn giải phóng vào ngày 24.4.1965.

Ông Zơrâm Ul - nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang chia sẻ, từ sau thời khắc đó, phong trào cách mạng ở Nam Giang bước sang trang sử mới, nhân dân được hoàn toàn tự do làm chủ núi rừng, tập trung đẩy mạnh xây dựng và giữ vững căn cứ địa cách mạng của chiến trường Quảng Nam và khu 5. “Đảng bộ huyện tiếp tục trở thành chỗ dựa cho quân và dân, giúp phong trào cách mạng ở địa phương nói riêng, các huyện phía bắc của tỉnh nói chung gặt hái những thành tích vẻ vang. Nam Giang trở nên nhộn nhịp trong công tác vận tải phục vụ chiến trường, với con đường mang tên “Thắng Lợi” và đường 14 phục vụ bộ đội hành quân giải phóng Thượng Đức cùng những trận đánh quan trọng khác trong tỉnh, tiến tới ngày độc lập” - ông Zơrâm Ul nói.

Dấu ấn đổi thay

Đi qua kháng chiến, sau những hào hùng của từng trận đánh, là muôn vàn những khó khăn. Trong bộn bề hậu quả chiến tranh, những quyết sách được Đảng bộ huyện đặt ra là từng bước vận động bà con định canh định cư, phát triển sản xuất, xóa dần những vết thương của cuộc chiến. Không chọn cách bước đi ồ ạt trong từng chủ trương, Đảng bộ huyện dồn sức cho những chương trình, mục tiêu cụ thể, đầu tư có trọng điểm, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh, xã hội.

Từ năm 2015 đến nay, giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản của Nam Giang tăng 6,73%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp luôn duy trì và phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng lên đến 24,22%; thương mại, dịch vụ tăng trưởng 31,92%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,42% (năm 2018 còn 44,34 %). Ngoài ra, tất cả xã, thị trấn trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm; hơn 70% số đường thôn, xóm và 65% đường trục chính nội đồng được bê tông, cứng hóa;...

Toàn huyện Nam Giang có 179 liệt sĩ; 463 thương bệnh binh và 31 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, Đảng bộ và nhân dân huyện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3.584 huân, huy chương các loại. Đến nay, có 11/12 xã, thị trấn và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, từ 4 chi bộ với 57 đảng viên vào năm 1949, đến nay Đảng bộ huyện có 54 chi bộ, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 2.669 đảng viên.

Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, sự nỗ lực của địa phương đã dần đưa nền kinh tế đi vào ổn định, nhất là 10 năm trở lại đây giữ mức tăng trưởng khá, củng cố hệ thống chính trị, phát triển văn hóa xã hội. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá, gồm đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và công tác giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thành quả, không chỉ là những con số ấn tượng về tăng trưởng của huyện, mà có cả những đổi thay lặng thầm mà đầy ý nghĩa trong từng nếp nhà, từng bản làng vùng cao. Đời sống bà con nay đã khác, cơ bản không còn hộ đói; xóa nhà tạm cho gia đình chính sách, người có công; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững.

Những con đường vẫn đang lặng lẽ vươn về phía núi, đến tận những nơi xa xôi, cách trở nhất, xóa khoảng cách địa lý lẫn rào cản đói nghèo, đưa điện và nhiều tiện ích khác đến với vùng cao. Hào khí của một thời cha ông, nay được kế thừa bằng nỗ lực dựng xây, phát triển của lớp người kế cận, giúp đất này, núi rừng này đổi khác. “Những đổi thay dễ nhận thấy nhất trên quê hương là nhiều dự án, công trình được đầu tư như khu trung tâm hành chính huyện gắn với sự phát triển mở rộng của đô thị Thạnh Mỹ; hệ thống thủy điện bậc thang trên dòng sông Bung, Nhà máy Xi măng Xuân Thành, các tuyến quốc lộ Hồ Chí Minh, 14B, 14D, Đông Trường Sơn, hệ thống giao thông, điện nối với khu vực vùng cao biên giới; Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc và 2 cụm công nghiệp tại thôn Hoa, Ta Bhing đã và đang được triển khai… sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phồn thịnh của Nam Giang trong tương lai” - ông Mai chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vang hào khí núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO