"Vàng ròng" văn nghệ xứ Quảng

BẢO ANH 31/12/2017 16:05

Bên cạnh sự đón nhận của công chúng, việc nhận được sự bảo trợ hay đoạt một giải thưởng nào đó từ lâu được xem là một “bảo chứng” cho giá trị của mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT). Ở Quảng Nam, nhiều văn nghệ sĩ đã tìm được cho riêng mình những “bảo chứng” như thế, đem về thêm những thỏi “vàng ròng” cho văn nghệ quê nhà.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Quảng Nam có gần 100 lượt văn nghệ sĩ với trên dưới 120 lượt tác phẩm đoạt giải tại các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác do các địa phương, ban ngành, hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương tổ chức. Đặc biệt là, không chỉ đoạt một giải thưởng nào đó là... hết chuyện, không ít tác phẩm của các văn nghệ sĩ Quảng Nam đã giành được nhiều hơn một giải thưởng ở những cuộc chơi khác nhau. Trong các năm 2014 - 2016, nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy được xem là một “hiện tượng” không chỉ của mỹ thuật Quảng Nam mà còn của cả nước khi liên tục giành được giải thưởng của tỉnh, của khu vực, của hội chuyên ngành Trung ương hoặc của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Các tác phẩm điêu khắc “Thằng bé”, “Đôi mắt”, “Hiệu ứng cúi” liên tục được vinh danh, mà theo họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, là vì chúng không chỉ độc đáo, mới mẻ trong ý tưởng mà cả trong cách thức tiếp cận vấn đề cũng như kỹ thuật và nghệ thuật tạo hình của tác giả... Với chuyên ngành âm nhạc, người giành ngôi quán quân không ai khác là nhạc sĩ Phan Văn Minh: Từ năm 1976 đến nay, anh đã có gần 60 tác phẩm, từ ca khúc, truyện ngắn đến lý luận phê bình đoạt giải và nhiều tác phẩm trong số này từng được trao 2 giải thưởng trở lên. Trong đó, 2 tác phẩm “giải chồng giải” gần đây nhất của anh là ca khúc “Rừng gọi A Sơn Dun” (tặng thưởng tác phẩm hay của Tạp chí Đất Quảng, giải B Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải B Giải thưởng VHNT đất Quảng lần thứ 2) và “Baboch với A Lăng Miêh” (giải A Tặng thưởng VHNT Quảng Nam, giải B (không có giải A) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2014, giải A Liên hoan Âm nhạc khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên năm 2017).

Trong số những tác phẩm được thưởng “chồng” nhiều lần, ấn tượng nhất có lẽ là tác phẩm “Ngày trở về” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vấn. Được chụp tại Tây Giang đầu năm 2013 thì đến tháng 8 cùng năm, tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, “Ngày trở về” được trao giải A và chỉ 4 tháng sau, tác phẩm này tiếp tục được trao giải cao nhất của Tặng thưởng VHNT Quảng Nam, đồng thời được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao giải C Tặng thưởng thường niên. Hai năm sau, tại Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ 2, “Ngày trở về” lại được trao giải B và mới đây nhất, tại Triển lãm “Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986 - 2016)” diễn ra hồi tháng 3.2017 tại Hà Nội, tác phẩm này lại được trao giải C... Không chịu kém cha ruột của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang cũng trở thành một “hiện tượng” khi có nhiều tác phẩm được giải thưởng kép. Liên tục trong các năm từ 2014 đến 2016, năm nào anh cũng vừa đoạt giải cao ở cấp khu vực vừa đoạt giải cao tại Tặng thưởng VHNT thường niên của tỉnh và có năm còn đoạt cả giải thưởng xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 2017, Lê Trọng Khang tiếp tục bổ sung cho bộ sưu tập giải thưởng của mình bằng 2 tác phẩm khác. Sau khi được trao giải nhì tại cuộc thi nhiếp ảnh “Đồng hành cùng di sản Quảng Nam” 2017, tác phẩm “Sắc màu Tam Thanh” của anh tiếp tục giành được giải khuyến khích tại Liên hoan ảnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2017. Riêng tác phẩm “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu”, ngoài giải nhất tại cuộc thi “Đồng hành cùng di sản Quảng Nam”, mới đây cũng đã được trao cup VAPA - giải thưởng cao nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và cũng là chiếc cúp duy nhất của làng ảnh cả nước năm 2017.

Trong các chuyên ngành VHNT, khó “kiếm giải” nhất là văn học và sân khấu. Với văn học, người viết thì quá đông, số lượng tác phẩm thì quá nhiều nên luôn có sự “cạnh tranh” khốc liệt và gay gắt. Với sân khấu, cái khó nằm ở chỗ có quá ít “sân chơi” và vì sự khan hiếm - các đơn vị nghệ thuật cấp tỉnh giỏi lắm mỗi năm cũng chỉ dựng được 1 - 2 vở mới. Ấy vậy mà cuối cùng, đã có trường hợp giải chồng giải ở hai chuyên ngành này. Đó là tác phẩm “Máu và tội ác” của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Sau khi đoạt giải A Giải thưởng VHNT đất Quảng, mới đây, vào tháng 7.2017, cuốn tiểu thuyết này đã được trao giải A tại cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh - liệt sĩ và người có công cách mạng, do Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Và đó là vở diễn “Thai Xuyên Trần Quý Cáp” của Đoàn Ca kịch Quảng Nam: năm 2016, vừa được tặng bằng khen tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa đoạt giải A Tặng thưởng VHNT Quảng Nam. Năm 2017, vở diễn này lại được trao giải B Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Cũng ở vở diễn này, nghệ sĩ trẻ Quang Việt - người thủ vai Trần Quý Cáp, ngoài chiếc huy chương bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, tại Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam anh lại được trao giải diễn viên xuất sắc.

Bằng sự say mê sáng tạo và cống hiến, văn nghệ sĩ xứ Quảng đã và đang góp phần tô điểm, làm đầy đặn thêm bức chân dung VHNT xứ Quảng. Và không chỉ những người trong cuộc, công chúng lại kỳ vọng và chờ đợi các văn nghệ sĩ tiếp tục mang về những “thỏi vàng ròng” cho văn nghệ quê nhà...

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vàng ròng" văn nghệ xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO