Vàng son một thuở

ANH SẮC 26/12/2014 14:20

Thể thao Quảng Nam nhiều năm qua “sống” chủ yếu dựa vào các bộ môn võ. Mới nhất là tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, 9/10 huy chương, trong đó 3/4 huy chương vàng, thuộc về môn võ. Điều này cho thấy, ngoài ưu thế nổi trội về võ thuật của con người xứ Quảng, ngành thể thao cũng đang sở hữu đội ngũ huấn luyện viên thật sự có tài trong việc phát hiện, tuyển chọn và đào tạo nên những VĐV đủ sức chinh phục các ngôi vị cao nhất của các giải đấu quốc gia, thậm chí quốc tế. Đơn cử, từ năm 1997 đến nay gần như chặng đường nào thể thao Quảng Nam cũng có những gương mặt xuất sắc ở đội tuyển quốc gia như Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan đến Bùi Thị Triều và giờ đây là Phạm Thị Thu Hiền.

Các bộ môn võ được xem là chủ lực của thể thao Quảng Nam trong nhiều năm qua.Anhr: ANH SẮC
Các bộ môn võ được xem là chủ lực của thể thao Quảng Nam trong nhiều năm qua.Anhr: ANH SẮC

Hiện tại, võ thuật đang chiếm số lượng áp đảo trong số các bộ môn được đào tạo tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam với 6/9 môn. Dù vậy, những năm gần đây chỉ có một nửa trong số đó, gồm Taekwondo, Karatedo và Võ cổ truyền, là thành công. Pencak Silat từng được xem là “mỏ vàng” của tỉnh nhưng trong thời gian dài kể từ ngày chia tay Lê Thị Hồng Ngoan đã không tìm ra được gương mặt nào gây ấn tượng. Các năm gần đây, ngoài một vài giải trẻ, còn những giải đẳng cấp hơn như vô địch quốc gia hay mới nhất là Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2014, Pencak Silat hoàn toàn trắng tay. Cũng có thể kể đến một bộ môn khác là điền kinh. Nhiều năm trước đây thể thao Quảng Nam thống trị ở nội dung cự ly dài 5.000m và 10.000m, thậm chí từng giành đến 2 huy chương vàng tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ V. Tuy nhiên cũng như Pencak Silat, giờ đây tất cả chỉ còn là “vàng son một thuở”.

Không thể mãi trông chờ vào các môn võ, thời gian qua, ngành thể thao đã tìm hướng phát triển ở một số bộ môn khác và bước đầu đã thành công với môn bắn súng. Dẫu bất ngờ với tấm huy chương vàng ở đại hội vừa qua nhưng qua những gì mà Hồ Viết Thanh Sang đã thể hiện trước đó (5 huy chương vàng giải trẻ trong 2 năm 2013, 2014 và phá 2 kỷ lục quốc gia, được phong đẳng cấp kiện tướng) cho thấy tài năng của xạ thủ sinh năm 1998 này. Từ thành công của bắn súng có lẽ sẽ tạo động lực và niềm tin cho việc phát triển các môn mới trong tương lai.

Đào tạo được VĐV đẳng cấp quốc gia không hề dễ dàng và cần có cả yếu tố may mắn nữa. Kinh phí đầu tư nhiều khi lớn đến mấy nhưng nếu chọn môn không phù hợp, thiếu huấn luyện viên giỏi và tâm huyết, điều kiện trang thiết bị phục vụ tập luyện không đáp ứng thì khó đào tạo nên những VĐV tài năng. Nói như vậy không có nghĩa là tự an phận khi không “nhào nặn” được VĐV giỏi mà cần phải quyết liệt thay đổi chiến lược đào tạo, phương pháp tuyển chọn, huấn luyện, thậm chí mạnh dạn cắt giảm để giành suất đầu tư cho các bộ môn khác. Bởi nếu chọn lựa sai đối tượng đào tạo sẽ là một sự lãng phí khá lớn khi tính ra cứ một VĐV mỗi năm mất gần 50 triệu đồng.

ANH SẮC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vàng son một thuở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO