"Vàng tặc" cày nát Thác Trắng

ĐÔNG YÊN - THÀNH NAM 02/12/2022 09:46

(QNO) - Thác Trắng (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) được UBND tỉnh công nhận Di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2007. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều đối tượng đã đưa các phương tiện cơ giới, máy móc hiện tại vào cày xới khu vực thượng nguồn Thác Trắng để tận thu vàng vàng trái phép.

Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên ngay đầu nguồn danh thắng Thác Trắng. Ảnh: T.N
Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên ngay đầu nguồn danh thắng Thác Trắng. Ảnh: T.N

Băm nát thượng nguồn sông Bồng Miêu

Địa danh Thác Trắng cách trung tâm xã Tam Lãnh chừng 3km nhưng hoạt động lén lút khai thác vàng nơi đây lại diễn ra công khai. Quan sát bằng flycam, khu vực rộng hàng chục héc ta được chia ra thành nhiều nhóm quản lý, mỗi nhóm có ít nhất một xe múc bới đào bề mặt đất đá, sau đó các đối tượng đào núi, khoét hầm để lấy quặng. Đất đá sau khi đào bới đổ thẳng xuống sông suối.

Quặng được xe tải chở đến các bể ngâm ủ hóa chất để tuyển lấy vàng. Những bể này được đào sâu khoảng 1m, rộng 4m, dài gần chục mét, bốc mùi nồng nặc… Và có nhiều thời điểm trong ngày nghe những tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất, có thể  “vàng tặc” đã sử dụng vật liệu nổ trái phép để nổ mìn phá đá.

Nạn khai thác vàng trái phép khá quy mô với các máy móc, xe cơ giới nhưng chính quyền lại bất lực không ngăn chặn được. Ảnh: T.N
Xe cơ giới được tăng cường đến hiện trường phục vụ khai thác vàng trái phép. Ảnh: T.N

Cách Thác Trắng chừng 500m là khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Sau khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa dừng hoạt động từ năm 2016 đến nay, hàng trăm người dân trong và ngoài địa phương đến dựng lán trại trên núi để làm vàng trái phép.

Tháng 3/2022, Bộ TN-MT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với quy mô 368ha, thời gian thực hiện từ 2022 - 2024. Tranh thủ lúc mỏ chưa đóng, nhiều đối tượng kéo đến khai thác rầm rộ ở các địa điểm Núi Kẽm, Hố Gần, Đồi Sim, Hố Ráy. Họ giăng lều trại, đặt máy nổ và đổ hóa chất chảy tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh nói: "Khu vực trên một phần do xã quản lý, còn lại là đất rẫy của dân. Mỗi lần truy quét họ bỏ xe, sơ tán nên không xác định được chủ. Còn nếu lập biên bản thì không biết ai mà ký, thu xe về thì không biết xử lý thế nào. Bản thân tôi đã trực tiếp đi hiện trường và chỉ đạo cho Công an xã làm, nhưng rất khó xử lý”. 

Còn theo ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét "vàng tặc" tại Tam Lãnh. Năm 2022 đã kiểm tra, truy quét khai thác vàng trái phép 12 đợt và riêng Công an xã Tam Lãnh là 20 đợt. Qua đó phá hủy 80 lán trại, 63 máy nổ, 27 cối xay, 17 củ điện, 1 cưa lốc, 7 máng ngân, 31 máy bơm nước, 2.700 lít dầu diezel, 162 thòn hóa chất...

Đồng thời, ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Nguyễn Thị Phương Thảo về hành vi sử dụng xe cơ giới khai thác vàng trái phép tại khu vực Thác Trắng với số tiền 60 triệu đồng, buộc nộp 140 triệu đồng tương đương với giá trị xe vi phạm.

Những hố sâu dài dùng để ngâm ủ quặng lấy vàng. Ảnh: T.N
Những hố sâu dài dùng để ngâm ủ quặng lấy vàng. Ảnh: T.N

Dai dẳng ô nhiễm môi trường

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do tận thu vàng ở Tam Lãnh đã gây bức xúc cho các địa phương lân cận. Vừa qua, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước kiến nghị UBND tỉnh cùng các ngành chức năng cần xử lý triệt để tình trang ô nhiễm nguồn nước. Nước thải từ các bãi vàng ở Tam Lãnh đổ ra sông Bồng Miêu, Quế Phương rồi nhập dòng vào sông Tiên chảy về xuôi nhuốm màu đục ngầu, vàng quánh.

Ông Đoàn Văn Công - Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Phước cho biết, đơn vị đã hợp đồng với Trung tâm tư vấn Khoa học - công nghệ và môi trường miền Trung để thực hiện quan trắc đánh giá chất lượng nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên.

UBND huyện Tiên Phước cũng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm sông Quế Phương, sông Tiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Chúng tôi đi dọc theo sông Tiên, sông Quế Phương qua đến tận nơi khai thác vàng Bồng Miêu và nhìn thấy tận mắt việc xả nước nhiễm bẩn thẳng ra sông” - ông Công nói.

Môi trường tan hoang vì “vàng tặc“. Ảnh: T.N
Môi trường tan hoang vì “vàng tặc“. Ảnh: T.N

Mới đây nhất, ngày 23/11, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Tiên Phước sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại thị trấn Tiên Kỳ. Tại đây, cử tri địa phương tiếp tục kiến nghị lãnh đạo Trung ương, tỉnh quan tâm giải quyết tình trạng khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Tiên Phước Phạm Văn Đốc nói: “Tại kỳ họp HĐND tỉnh trước đây, tôi đã chất vấn về vấn đề này với Sở TN-MT. Tuy nhiên trước những bức xúc của cử tri, Huyện ủy, HĐND huyện sẽ tiếp tục có ý kiến Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng tận thu vàng trái phép gây ô nhiễm sông Quế Phương, sông Tiên”. 

Hóa chất độc hại chất thành đống sẽ thải ra các sông, suối sau khi ủ quặng. Ảnh: T.N
Hóa chất độc hại chất thành đống sẽ thải ra các sông, suối sau khi ủ quặng. Ảnh: T.N

Tìm hướng xử lý triệt để

Theo Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu do Bộ TN-MT phê duyệt, việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu sẽ bao gồm một số hạng mục như: khu vực khai thác lộ thiên Hố Gần có diện tích 230ha, củng cố bờ mương, đào, đắp, san gạt tạo các mặt bằng đủ rộng để trồng cây xanh, đưa mỏ về trạng thái an toàn, bảo vệ tài nguyên.

Xử lý môi trường các hố nước phục vụ quá trình tuyển quặng của nạn khai thác trái phép; trồng cây keo trên diện tích mặt tầng và trồng cỏ chống trôi lấp trên diện tích sườn tầng; xây dựng rào chắn, biển báo quanh khu vực khai thác để tránh người dân khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Đối với 100ha hầm lò Núi Kẽm sẽ xây bịt kín tất cả đường lò của dự án để đảm bảo an toàn và tránh khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; đào hố trồng cây, xử lý môi trường các hố nước phục vụ quá trình tuyển quặng khai thác trái phép.

Khu vực còn lại như bãi thải, đập thải, đầm lầy Núi Kẽm, nhà điều hành… sẽ san gạt mặt bằng, chống thấm bề mặt bãi thải, cải tạo đất, trồng cây sao đen với mật độ 1.333 cây/ha; xây dựng lớp cách ly có độ thấm thấp phủ lên bề mặt của đập thải; nạo vét hệ thống thoát nước trên mặt chiều dài 1.390m, rộng 1m, sâu 1m…

Mỏ vàng Bồng Miêu cần có đơn vị vào đầu tư và quản lý để ngăn chặn nạn “vàng tặc“. Ảnh: T.N
Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu cần có đơn vị vào đầu tư và quản lý để ngăn chặn nạn “vàng tặc“. Ảnh: T.N

Ngày 22/11/2022, Bộ TN-MT có Quyết định số 3218 về việc điều chỉnh khối lượng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Thời gian thực hiện đóng cửa mỏ đến hết năm 2024 với kinh phí thực hiện hơn 14 tỷ đồng.

Ngày 23/11/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân ký công văn gửi Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các sở yêu cầu khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để triển khai thực hiện theo đúng quy định, giải ngân kịp thời nguồn vốn được bố trí.

[VIDEO] - Dai dẳng nạn khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu:

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, rất khó xử lý dứt điểm việc khai thác vàng trái phép tại khu vực Bồng Miêu. Từ khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu ngừng hoạt động, đã phát sinh nhiều điểm khai thác trái phép, trong khi xác định địa điểm đóng cửa mỏ chỉ ở một số khu vực.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh đề xuất, Quảng Nam sẽ vừa phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán và các công tác tiếp theo để thực hiện đề án đóng cửa mỏ. Đồng thời, vừa tính toán đến việc cho đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch chọn lựa một nhà đầu tư để thăm dò, đánh giá trữ lượng, quản lý và khai thác hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho rằng, nên có một tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, chứ không phải đóng cửa mỏ là xong, không thể giữ 24/24 giờ.

“Nên chọn hướng tổ chức đấu giá hoặc lựa chọn đơn vị có đủ năng lực tài chính, công nghệ để cấp phép thăm dò khai thác thì mới có thể giải quyết triệt để vấn nạn vàng trái phép” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Vàng tặc" cày nát Thác Trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO