Những người làm công tác thể thao có câu cửa miệng “lấy vàng thật đổi vàng giả”. “Vàng thật” ở đây là tiền bạc bỏ ra đầu tư cho vận động viên trong quá trình tham gia tập luyện và thi đấu, còn “vàng giả” chính là tấm huy chương vàng. Dĩ nhiên đó là câu nói vui, nhưng trong một số trường hợp vừa có ý “khích” những nhà tổ chức rằng giải thưởng quá thấp, chưa đủ “đô” để khuyến khích động viên các vận động viên nỗ lực hết mình, tỷ như bỏ ra tiền triệu đầu tư cho vận động viên nhưng tiền thưởng mang về chỉ là tiền trăm…
Đua thuyền là môn thể thao khá tốn kém nhưng rất nhiều thuyền đua vẫn nhiệt tình tham gia. Ảnh: AN NHI |
Rõ ràng làm công tác thể thao không thể đem đặt lên bàn cân xem giải thưởng với kinh phí đầu tư cái nào nặng hơn và có lẽ cũng chưa có ai làm việc này. Thế nên nhiều địa phương, đơn vị dù biết trước được phần thua thuộc về mình nhưng vẫn đăng ký tham gia. Chẳng hạn, Hiệp Đức, Quế Sơn là 2 địa phương mà phong trào đua thuyền không cùng đẳng cấp với các địa phương khác nhưng hàng năm họ vẫn đưa thuyền đua ra Duy Xuyên để góp mặt tại giải đua thuyền truyền thống Phát thanh truyền hình Quảng Nam. Điều gì khiến cho họ bỏ ra vài chục triệu đồng để nhận lại chưa tới 1 triệu đồng nếu không phải là tinh thần thể thao sông nước và phong trào của địa phương, tham gia tranh tài nhằm đem lại niềm vui cho người dân. Tương tự, một số địa phương vẫn đưa quân đi thi đấu những môn “trái tay” như Tiên Phước tham gia Karatedo, Đông Giang tham gia Taekwondo còn Tây Giang, Phước Sơn dự tranh võ cổ truyền. Các vận động viên sớm bị loại nhưng các địa phương không lấy đó làm buồn, ngược lại xem đó là cơ hội tốt để cọ xát, nâng cao trình độ.
Dù vậy, cũng có đơn vị hiểu câu “lấy vàng thật đổi vàng giả” theo ý nghĩa tiêu cực. Thay vì đầu tư phát triển mạnh phong trào ở cơ sở từ đó có được lực lượng tốt, tổ chức tập luyện chu đáo để so tài với người ta thì có không ít địa phương, đơn vị lại chọn cách đứng ngoài cuộc. Ngay như giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam, ông Lưu Thanh Hải - cán bộ phụ trách giáo dục thể chất Sở GD-ĐT cho biết trong khi nhiều trường học ở Tây Giang, Đông Giang tham gia đều đặn thì một số trường học tại Tam Kỳ, Phú Ninh lại vắng mặt. Hay như bóng đá, dù là môn thể thao “vua” được rất nhiều người quan tâm nhưng có vài địa phương “lặn mất tăm” khi giải tỉnh được tổ chức.
Tôi khá ấn tượng với tham luận của đơn vị Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ tại hội nghị đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học do Sở GD-ĐT và VH-TT&DL tổ chức cách đây hơn nửa năm. Tham luận khẳng định, tuy thành tích của ngành GD-ĐT Tam Kỳ trong thời gian qua còn khá khiêm tốn so với các địa phương khác song công tác giáo dục, phong trào rèn luyện thân thể được duy trì và phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Với phương châm thể thao phong trào là quan trọng, thể thao thành tích cao là mục tiêu phấn đấu. Từ đó, ngành không tạo áp lực lên người học, tạo tâm lý thoải mái trong học sinh khi tham gia thi đấu tại các giải.
AN NHI