Hằng năm, “ngành công nghiệp đen tối” vẫn tung ra thị trường vô số hàng hóa buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí có cả hàng độc hại.
Bằng chứng là trong vòng 3 năm qua, đã có gần 50 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng giả bị phát hiện, xử lý. Nổi cộm trong năm rồi có các vụ gây chấn động như công ty TS Việt Nam sản xuất mỹ phẩm giả với giá trị hơn 10 tỷ đồng; Khải Silk bán lụa Trung Quốc trong thời gian dài mới lộ tẩy... Ngay ở Quảng Nam, nơi mà thị trường hàng hóa không bằng các thành phố lớn, nhưng trong năm 2017 cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.620 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, làm hàng giả, tịch thu hàng hóa có giá trị gần 3,5 tỷ đồng. Đặc biệt, qua kiểm tra an toàn thực phẩm đã xử lý 10 vụ vi phạm kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền về nhãn hiệu, xử phạt 2 vụ kinh doanh hàng giả hơn 55 triệu đồng, tịch thu một số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu HONDA, bột ngọt A-One, rượu Vodka...
Số vụ bị phát hiện và xử lý có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sở dĩ nói vậy là vì báo chí ngày nào cũng có tin bắt hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung nhất ở một số ngành hàng như mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu - bia - nước giải khát, phân bón… “Ngành công nghiệp đen tối” đã hình thành nhiều đường dây xuyên quốc gia và quốc tế. Ở trong nước đã có những vụ việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn bị bóc gỡ. Điển hình như vụ sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong 2, hay vụ án sản xuất kinh doanh thuốc trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma mới bị xét xử năm rồi.
Hầu hết thương hiệu hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Công nghệ sản xuất hàng giả đã trang bị đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm, hình thức giả rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng; đôi khi hàng giả trông còn “đẳng cấp” hơn hàng thật, không chỉ người tiêu dùng mà các cơ quan chức năng cũng khó phân biệt được thật/giả. Ngay cả sản phẩm công nghệ cao cũng bị làm giả, như máy in, laptop, điện thoại di động và những thiết bị phụ tùng như chip nhớ, bảng mạch tích hợp... thường xuyên bị nhái nhất. Tình trạng đó khiến cho các nhà sản xuất trên toàn cầu bị thiệt hại doanh thu mỗi năm lên tới 100 tỷ USD.
Hàng giả, hàng kém chất lượng mà gây độc hại còn ghê sợ hơn. Vì hám lợi, không ít kẻ gian dối trong sản xuất và kinh doanh dù biết sản phẩm của mình có thể gây hại cho sức khỏe, sinh mạng con người. Vì lợi, người ta sẵn sàng cho phoọc môn vào phở, ướp cá bằng phân u-rê, tẩy lòng heo bằng xà phòng, cho hàn the vào chả lụa… hay như TV đưa tin tuần qua về vụ phát hiện có cơ sở tiêm hóa chất vào tôm cua để tăng trọng lượng, giữ tươi lâu, mỗi ngày bán ra lời mấy triệu bạc.
Chống nạn làm hàng giả cần phải có lực lượng, phương tiện kiểm tra, kiểm soát đủ mạnh, đồng thời phải có hành lang pháp lý chặt chẽ. Việt Nam cũng đã có luật định như “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”. Tuy nhiên, xem ra chế tài xử phạt như vậy còn nhẹ và có điểm chưa rõ như bao nhiêu là “số lượng lớn”, thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”, cho nên khó xử lý triệt để.
Tạo ra thị trường hàng hóa vàng thau lẫn lộn, “ngành công nghiệp đen tối” đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, trà trộn vào hàng thật, có cơ triệt đường phát triển của nhiều doanh nghiệp trong nước, tạo ra bóng đen về môi trường cạnh tranh hàng hóa, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng Việt trên đường vươn ra thế giới. Hàng giả là sản phẩm độc hại còn tàn phá sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, phá hoại thành quả của nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội. Do vậy, cần phải coi những hành vi vi phạm như thế là tội ác và phải xử lý hình sự đủ mức răn đe.
Dịp tết đến, mùa mua sắm rộn ràng càng cần phải cảnh giác hàng giả trà trộn; tăng cường kiểm tra kiểm soát để phát hiện, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM