Chỉ còn hơn tháng nữa là tới Tết Bính Thân nhưng tình hình mua bán ở các chợ, trung tâm thương mại vẫn còn khá èo uột, chưa thực sự khởi sắc...
Èo sèo chợ cuối năm
Mọi năm, tình hình buôn bán ở các chợ đã ồn ào, sôi động bắt đầu từ cuối tháng 10, đầu tháng 11. Nhưng năm nay, dường như quy luật đó đã không còn đúng nữa. Hai chợ lớn nhất của TP.Tam Kỳ là chợ Tam Kỳ và chợ Trung tâm thương mại mọi năm có lượng người mua sắm khá lớn cả ở bỏ sỉ và bán lẻ. Thế nhưng, 2 chợ cũng rơi vào trường hợp buôn bán eo sèo. Tầm 15 - 16 giờ, đi vào các chợ sẽ nghe lời than vãn từ đầu chợ đến cuối chợ. Bà Nguyễn Thị Bảy (bán bánh, trái cây đầu chợ Trung tâm thương mại) than: “Chợ chi mà nó vắng cô ơi, toàn thấy người bán với nhau chứ chả thấy người mua. Hàng của tui có thể người ta chưa cần nhiều nhưng cũng trông cho có người đi chợ mua sắm quần áo để nhìn chợ cuối năm cho đông đông một chút mà có thấy mô, cũng loe hoe có vài người”. Chủ một doanh nghiệp bánh kẹo, nước ngọt trên đường Hùng Vương, chia sẻ: “Tết Nguyên đán được xem là vụ kinh doanh lớn nhất trong năm, cả tôi và các đại lý cấp dưới đều rất kỳ vọng sức mua dịp này sẽ tăng cao, doanh số bán ra lớn để bù vào những tháng ế ẩm trước đó. Thế nhưng, tình hình năm nay không như mọi năm rồi”.
Nhiều tiểu thương cũng không dám trữ hàng vì cảnh chợ mua bán thưa vắng. Ảnh: C.T.A |
Thời điểm này, không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ, hay chợ Nam Phước, Vĩnh Điện... không khó bắt gặp hình ảnh các tiểu thương ngồi bó gối ngóng người mua. Chợ nào cũng chỉ nhộn nhịp buổi sáng vào hai ngày cuối tuần, còn lại khá vắng vẻ. Người đi dạo xem hàng nhiều hơn là để đi mua sắm... Thường, ngành hàng may mặc, giày dép là địa điểm đón khách sắm tết sớm nhất, thế nhưng ngành hàng này cũng không mấy sôi động. Tại chợ Tam Kỳ, chỉ có cửa hàng giày dép Thuyền là có người mua tương đối cả ngày, còn lại các ki ốt khác thì loe hoe vài người vào giữa buổi sáng và buổi chiều. Dù rằng, mẫu mã ở các ki ốt khá phong phú, đa dạng. Chị Ngọc Dung (ki ốt Ngọc Dung) chia sẻ: Gian hàng của tui tính ra nằm ở vị trí thuận lợi, vốn có khách quen nhiều nhưng lượt mua sắm tụt dốc không ngờ, mỗi ngày loe hoe vài người trong khi áp lực vay vốn để đóng tiền mặt bằng, tiền hàng hóa thì mỗi ngày một tăng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng chợ ế ẩm này một phần do người dân đang bước vào vụ mùa, khá bận rộn. Với đối tượng là công chức, học sinh sinh viên thì những người này đang có xu hướng thích mua sắm qua mạng. “Cuối năm bận rộn, không có thời gian đi vòng quanh các cửa hàng lựa váy áo. Nhiều khi quần áo các cửa hàng ở địa bàn mình lại không thích, mất thời gian thử đồ. Trong khi vừa làm vừa tranh thủ online, dạo các shop trên mạng uy tín để lựa, họ chuyển về tận nơi. Tiện lợi hơn, hợp gu thời trang hơn và quan trọng là ít đụng hàng”- chị Nguyễn Thị Thiên (giáo viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam) nói.
Không dám trữ hàng
Trong khi các cửa hàng, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ...lên kế hoạch trữ hàng tết từ cuối tháng 9 và nay đã ổn định lượng hàng dự kiến thì tại các chợ truyền thống, không khí eo sèo như thế nên khá nhiều tiểu thương tỏ ra lo lắng và lo ngại việc trữ hàng bán tết. Nhiều người cố đẩy hàng hiện có chứ không dám ôm thêm. “Kho đồ ở nhà còn đầy ăm ắp, mùa đông năm ni trở trời nên không thấy lạnh trong khi tui ôm mớ đồ ấm. Vừa hết vốn vừa cố đẩy cho hết hàng nên không dám lấy đồ bán tết. Đợi xem tình hình trong 1 - 2 tuần tới như thế nào rồi mới quyết được”- chị Nguyễn Thị Muội (quầy hàng quần áo nam Hoàng Muội, chợ Trung tâm thương mại), chia sẻ. Trên thực tế, sức mua hiện còn rất thấp và gần đây vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện khiến nhiều tiểu thương tỏ ra phân vân trong việc nhập hàng về bán tết. Bà N.A. (chủ quầy quần áo lớn nhất chợ Tam Kỳ) cho biết, thời điểm này bán lẻ chưa nhiều, chủ yếu là bỏ sỉ cho các mối hàng. Hàng trong kho của bà hiện không thiếu thứ gì nhưng cũng thưa dần lượt khách đến chợ lấy nên tết năm nay bà không dám trữ hàng nhiều như trước
Tương tự, kinh doanh giày dép cũng đã lâu nhưng chị Thuyền cho biết, dù lượng khách của chị nhỉnh hơn so với các quầy khác nhưng so với thời điểm các năm thì chưa gọi là “bán hàng tết”. Bởi, mọi năm doanh số chị bán ra vào cuối tháng 11 âm lịch như thế này đã hơn 15 triệu đồng mỗi ngày mà năm nay chỉ nhỉnh hơn phân nửa. “Tui vẫn nhập hàng mới về nhưng nhập cầm chừng, cho mới mẫu mã chứ không dám nhập ồ ạt như mọi năm. Phải dè chừng”. Hầu hết người bán tại các chợ truyền thống đều mong muốn, qua Noel và Tết Dương lịch, người dân thì ngơi bớt việc đồng áng, công chức thì xong các việc tổng kết cuối năm, sinh viên thi cử xong để những đối tượng khách hàng tiềm năng dành thời gian mua sắm. “Dù có kỳ vọng vào những ngày đầu tháng 12 âm lịch nhưng chúng tôi vẫn không mấy hy vọng sức mua sẽ phục hồi, sức mua nhìn chung thấp nên tình hình tiêu thụ hàng hóa dịp tết vẫn rất khó dự đoán. Do đó lượn hàng tết nhập về dự trữ để bán cũng vẫn sẽ tiếp tục dè chừng hơn, chỉ khoảng 70% - 80%” - chị Nguyễn Thị Tuyết (shop mỹ phẩm, đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ), nói.
CHIÊU THỤC ANH