(QNO) - Ban Binh vận Đặc khu Quảng Đà có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi hoạt động trong lòng địch, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, thầm lặng, góp phần to lớn vào việc giải phóng quê hương...
Ban Binh vận Đặc khu Quảng Đà vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. |
Sáng 16.5, tại Nhà Văn hóa Quân khu 5, hơn 700 anh chị em nguyên cán bộ chiến sĩ Ban Binh vận Đặc khu Quảng Đà (BBVĐKQĐ) không khỏi xúc động khi dự lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập (16.5.1960 - 16.5.2015) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông Nguyễn Văn Gặp - Trưởng Ban liên lạc BBVĐKQĐ chia sẻ: “Danh hiệu cao quý này, trước hết là tưởng nhớ, tri ân đến hơn 100 cán bộ chiến sĩ của Ban đã ra anh dũng hy sinh trên khắp chiến trường Quảng Đà với những chiến công xuất sắc, thầm lặng”. Trong những ngày đầu thành lập, Ban chỉ có 1 văn phòng, 4 đội công tác và 162 cán bộ chiến sĩ hoạt động khắp Đặc khu Quảng Đà. Nhưng BBVĐKQĐ đã tổ chức vận động nhân dân và xây dựng hàng loạt cơ sở, góp phần đánh bại lần lượt các cuộc “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch.
Từ năm 1961-1965, khi địch tăng cường đánh phá nông thôn, bằng thủ đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, lực lượng Binh vận đã vận động nhân dân và binh lính ngụy - tề nổi dậy phá tan 135 ấp chiến lược tại các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên. Đồng thời, xây dựng 185 cơ sở nội tuyến, vận động tổ chức được 300 cuộc đấu tranh chống dồn dân lập ấp, kết hợp vận động trên 1460 lính địch bỏ ngũ về với gia đình, gia nhập cách mạng. Chiến công xuất sắc là chỉ đạo cơ sở nội tuyến ở Ty Cảnh sát Gia Long, rút hồ sơ mật của địch (mật danh Sao chổi 1 và Sao chổi 2) nộp cho cách mạng, từ đó lực lượng cơ sở tránh được sự truy bắt của địch. Mặt khác, tổ chức cho cơ sở nội tuyến ở Hội An nhiều lần giải phóng cho gần 1.400 tù chính trị của ta vượt ngục an toàn.
Từ năm 1965 bước sang giai đoạn mới, BBVĐKQĐ được tăng cường lực lượng cùng nhiệm vụ mới là vận động lính Mỹ và chư hầu chống quân lệnh, làm binh biến, không đi càn quét... Từ năm 1969 - 1972 BBVĐKQĐ đã xây dựng thêm được 241 cơ sở nội tuyến, trong đó có 5 tổ binh sĩ yêu nước và 3 Ban cán sự binh vận trong hàng ngũ địch. Đặc biệt, chỉ đạo cơ sở nội tuyến hành động 192 vụ, trong đó có 4 vụ nội ứng loại khỏi vòng chiến đấu 962 tên Mỹ - ngụy , đánh hỏng và phá hủy 80 xe quân sự, thu 224 súng các loại. Điển hình là vụ chỉ đạo cơ sở binh vận đánh chìm tàu chở vũ khí Mỹ tại Cảng Trịnh Minh Thế (nay là Cầu Nguyễn Văn Trỗi); hay chỉ đạo cơ sở tại Sân bay Đà Nẵng đánh nổ tung 1 máy bay trực thăng và phá hỏng 11 chiếc khác, tiêu diệt 11 tên địch, trong đó có 1 chuẩn tướng, 2 đại tá, 1 đại tá cố vấn Mỹ... Đặc biệt, trong chiến dịch Giải phóng Đà Nẵng, BBVQĐ đã chỉ đạo cơ sở nội tuyến tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy làm binh biến, vận động trên 3.000 lính ngụy mang vũ khí ra nộp cho cách mạng ngay trong đêm 27 rạng ngày 28.3.1975, làm thất bại ý đồ tử thủ của Ngô Quang Trưởng.
Từ năm 1998 đến nay, được sự giúp đỡ và ủng hộ của lãnh đạo Đảng và chính quyền TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, BBVĐKQĐ đã được thành lập, tổ chức gặp mặt truyền thống hằng năm. Qua đó, tổ chức tìm mộ liệt sĩ cho 12 trường hợp, làm thủ tục đề nghị nhà nước xét công nhận liệt sĩ cho 6 trường hợp và 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng của ngành. Tiêu biểu như liệt sĩ Nguyễn Sỹ Tấn (Điện Ngọc) tự mổ bụng trước mặt kẻ thù; liệt sĩ Mẹ VNAH Lê Thị Trắc (Điện Tiến) có 8 người con đều công tác tại Ban Binh vận ĐKQĐ và 7 người con đã anh dũng hy sinh, con gái mẹ Trắc cũng trở thành liệt sĩ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thi...
Những đồng đội điển hình khác còn sống đến nay như anh Nguyễn Hữu Hạnh, bí danh C.69, khoác áo trung sĩ ngụy, đã đặt mìn hẹn giờ làm nổ tung kho bom Phước Lý sáng 27.4.1969 kéo dài đến sáng hôm sau, phá hủy 50 triệu lít xăng, 69.000 tấn bom đạn. Chị Nguyễn Thị Hồng, người trực tiếp đưa thư cho trung tướng tư lệnh quân đoàn I ngụy Hoàng Xuân Lãm trong Mậu Thân 1968... Dù năm tháng trôi qua, nhưng những tấm gương hy sinh anh dũng và bao chiến công xuất sắc, thầm lặng của lực lượng binh vận Quảng Đà một thời còn vang vọng mãi mãi với non sông.
VĂN SANH