Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra đang ngày càng phức tạp và khó lường. “Chống dịch như chống giặc” - thông điệp từ Chính phủ được đưa ra, nhanh chóng trở thành hành động quyết liệt để các địa phương vào cuộc, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với dịch bệnh corona. Tại Quảng Nam, kế hoạch và các kịch bản phòng chống dịch đều đã được triển khai cụ thể. Quảng Nam Cuối tuần ghi nhận một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV: "Chủ động trong các tình huống"
Về cơ bản đến nay, các doanh nghiệp có người lao động ở nước ngoài về quê ăn tết quay trở lại làm việc đều có các báo cáo đến cơ quan chức năng của tỉnh, kể cả đối tượng là khách du lịch nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt là Hội An. Thông qua quản lý của các hiệp hội, của chính quyền địa phương với các đơn vị lưu trú trên địa bàn, chúng tôi đã cơ bản nắm tình hình. Nhìn chung hiện nay, có thể khẳng định rằng Quảng Nam kiểm soát được tình hình, kể cả số lượng khách quốc tế đến và đi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Quảng Nam triển khai các biện pháp quyết liệt hơn, nâng lên một bước cao hơn nữa.
Tất cả doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan đơn vị địa phương đều phải nâng mức phòng ngừa và ứng phó lên cao nhất. UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả doanh nghiệp có người nước ngoài làm việc phải báo cáo bắt buộc, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống phần mềm với các cơ quan chức năng của tỉnh để có thể quản lý, kiểm soát và ứng phó nếu có diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị các phương án cách ly, xử lý kịp thời, phù hợp nhất và giao cho 5 bệnh viện thực hiện việc phối hợp với các lực lượng của Trung ương đóng trên địa bàn, nhất là của quân đội để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, vừa có thể cách ly tại nơi làm việc của các đơn vị, nhưng cũng vừa có khu vực cách ly tập trung, xử lý. Khi có tình huống cao hơn phải chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Quảng Nam dự kiến có phương án diễn tập trong tình huống phát hiện ca dương tính ở những địa bàn trọng điểm, ví dụ như ở Hội An hay Tam Kỳ, tại các nhà máy… để làm sao hoàn toàn chủ động trong các tình huống có thể xảy ra. Hiện nay, ngành y tế đã triển khai tăng cường công tác truyền thông đến các đơn vị, địa phương để nhân dân hiểu bằng các biện pháp khác nhau, nhất là hệ thống truyền thông cơ sở và hệ thống thông tin chỉ đạo, phát tờ rơi trên các địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm, khuyến khích người dân khi có các dấu hiệu của bệnh thì báo ngay cho cơ sở y tế để thực hiện việc kiểm tra theo đúng quy định.
Đối với khách du lịch, chúng tôi đã chỉ đạo thành lập các điểm hỗ trợ du khách có các thiết bị để đo thân nhiệt. Với ngành du lịch đã có thương hiệu, Quảng Nam thực hiện đồng thời các việc từ quản lý chặt chẽ khách trên địa bàn bao gồm khách lẻ đến khách đoàn, cơ sở lưu trú, thành lập các điểm hỗ trợ thông tin và thiết bị, thành lập taxi lưu động trọng điểm tại TP.Hội An. Ngoài ra, đây cũng là lúc để nâng cao hình ảnh của Hội An từ việc dập tắt dịch bệnh, thái độ ứng xử với du khách...
Cùng với đó, đề nghị cơ quan thông tin truyền thông, thông tấn của tỉnh đưa thông tin thường xuyên, chấn chỉnh dư luận, tránh tình trạng hoảng loạn, nắm thông tin không được kiểm chứng kỹ từ các trang mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế: "Người dân không nên quá hoang mang"
Hiện tại Quảng Nam đã xây dựng các kịch bản để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Với tinh thần nâng mức cảnh báo của Việt Nam hơn cả mức cảnh báo từ WHO để chúng ta thể hiện sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch. Quảng Nam đã có quy chế làm việc, cơ chế điều hành của Ban phòng chống dịch, giúp cho công tác quản lý thuận lợi hơn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ngành y tế cùng các ban ngành đoàn thể địa phương triển khai công tác phòng chống dịch. Các địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt.
UBND tỉnh cùng với ngành chức năng, ngành y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo ở các đơn vị trực thuộc và đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường công tác giám sát, dự phòng và tổ chức khám, phân loại, phát hiện, thu dung, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt chuẩn bị tốt cho công tác hậu cần để làm thế nào phát hiện sớm ca bệnh nếu có và kịp thời khống chế, không để dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Trong mọi tình huống, nếu phát hiện ở ngay tại cơ sở khám chữa bệnh cũng như những tình huống dịch lây lan ở cộng đồng, Quảng Nam sẵn sàng ứng phó ở tình thế chủ động nhất. Vì vậy, cộng đồng không nên quá hoang mang.
Một điều hết sức chú ý là, giai đoạn đến, cần phải giám sát tốt hơn, trong đó, đối tượng cụ thể là quan trọng và nơi giám sát cũng quan trọng không kém. Những đối tượng cần phải được theo dõi chặt chẽ là khách du lịch, những người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam trong thời gian trước đây cho đến nay, học sinh ở vùng tập trung đông người nước ngoài sinh sống. Chúng tôi cũng đề nghị Hiệp hội Du lịch, Sở VH-TT&DL hằng ngày lập danh sách tất cả khách lưu trú, cung cấp lý lịch và lộ trình, thu dung hằng ngày để theo dõi tốt tình trạng của họ. Cùng với đó, ở các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn, chúng tôi đã yêu cầu cung cấp kế hoạch, thông tin về người lao động của doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: "Chủ động phòng ngừa dịch nhưng không từ chối khách"
Dịch bệnh corona đã tác động rất lớn đến ngành du lịch, nhất là các địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch như Hội An, Duy Xuyên. Để ứng phó với dịch bệnh này, bên cạnh chuyển tải các văn bản chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch đến toàn bộ các hãng lữ hành, doanh nghiệp, khu du lịch,... sở cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch, cũng như chỉ đạo các địa phương tạm dừng tất cả lễ hội, hoạt động văn hóa thu hút đông người. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch mở đường dây nóng, trực điện thoại 24/24h để tiếp nhận thông tin của du khách, đơn vị doanh nghiệp.
Thời gian nghỉ tết, thị trường du lịch có tăng nhẹ, chủ yếu là khách quốc tế. Tuy nhiên, sau đó du khách bắt đầu hủy tour, hủy phòng khách sạn. Cho đến thời điểm này, qua kiểm tra, chưa có một khách sạn, khu nghỉ dưỡng nào từ chối đón khách Trung Quốc, mà chỉ có một số ít hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở Hội An treo bảng không tiếp người Trung Quốc. Sở cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng của TP.Hội An kịp thời đến vận động người dân tháo dỡ, xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng này. Ngoài ra, để đảm bảo việc đón khách, hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc tập huấn cho nhân viên, xây dựng mẫu kê khai lịch trình đi - đến của du khách và trang bị máy đo thân nhiệt kịp thời phòng ngừa dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề môi trường xe taxi, các doanh nghiệp cũng cần phải có biện pháp xử lý môi trường trong xe, có thể khử trùng hoặc bằng cách nào đó để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan. Riêng về vật tư y tế, khẩu trang, dung dịch khử trùng, bên cạnh công bố rộng rãi các điểm bán hàng cho người dân, doanh nghiệp được biết, cũng cần phải công khai niêm yết giá bán sản phẩm, số điện thoại của cơ quan quản lý để người dân yên tâm, không lo tình trạng bị “chặt chém”.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: "Cần có biện pháp mạnh hơn"
Với Hiệp hội Du lịch, chúng tôi đánh giá tốt về những động thái tích cực mà chính quyền các cấp đã triển khai trong thời gian qua. Dịch corona gây hệ lụy với ngành du lịch khá lớn. Do vậy, chúng ta cần phải có các biện pháp mạnh để phòng chống, ngăn ngừa.
Cá nhân tôi nghĩ việc nhiều luồng thông tin cho rằng chúng ta không đón khách Trung Quốc là một hành vi rất phản cảm. Hiệp hội đã đồng hành với các sở ban ngành để tuyên truyền người dân về vấn đề này. Nhưng thật lòng, để doanh nghiệp dám báo cáo thông tin về khách Trung Quốc để làm thế nào chúng ta quản lý kiểm soát tốt nhất có thể là điều khá khó khăn. Thật sự nếu một người trong doanh nghiệp có việc gì, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch, thì đảm bảo doanh nghiệp đó phải đóng cửa, không thể nào đón khách được. Ví dụ như tổ chức cách ly một cá nhân, du khách ngay tại doanh nghiệp đó, thì hầu như doanh nghiệp không hoạt động được. Hệ lụy về kinh tế lúc này khá lớn. Cho nên việc các đơn vị lưu trú e dè đón khách Trung Quốc là việc chẳng đặng đừng của họ. Có tình trạng xảy ra khi các cơ sở lưu trú hay nhà hàng nếu có xuất hiện khách Trung Quốc thì du khách các quốc gia khác không tới.
Do đó, chúng ta cần có một động thái rất chủ động trong vấn đề này. Hiệp hội đề nghị nên thành lập một trung tâm hỗ trợ du khách, có đường dây nóng bằng tiếng Trung để có việc gì liên quan đến du khách Trung Quốc thì chúng ta sẽ nắm ngay lập tức. Thứ hai đối với việc vận chuyển, tôi nghĩ nên có một đội taxi khoảng 10 chiếc, có trang bị y tế đàng hoàng từ tài xế cho đến khách. Nếu chúng ta có cách phòng chống tốt, thì chúng ta vừa tạo điều kiện tốt cho cộng đồng, vừa tốt cho hình ảnh du lịch của Quảng Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị sự phối hợp giữa các sở ban ngành để chúng ta có một trung tâm hỗ trợ du khách ngay tại phố cổ Hội An và tại Mỹ Sơn, từ việc đo thân nhiệt cho du khách cho đến các dụng cụ, thiết bị, nhân viên y tế để hỗ trợ cho du khách. Điều nữa, tôi nghĩ lúc này nên là lúc các mặt trận đoàn thể vào cuộc, xuống tận nơi các tiểu thương đang kinh doanh để vận động bà con bình tâm, không nên hoang mang cũng như có thái độ kỳ thị đối với các du khách từ Trung Quốc.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: "Tạm dừng cấp phép mới cho lao động nước ngoài"
Cho đến nay, cùng với chuyển tải toàn bộ văn bản chỉ đạo của cấp trên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, sở đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng tất cả sự kiện của ngành có tập trung đông người, cũng như các hội nghị, hội thảo, sàn giao dịch việc làm, nhằm tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng tiếp nhận lao động, nhất là lao động người Trung Quốc trở lại Việt Nam sau thời gian ăn tết. Trong trường hợp họ đã trở lại, thì sẽ tiến hành biện pháp cách ly tại nơi ở, nơi làm việc trong thời gian 14 ngày để theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe người lao động. Đơn vị quản lý có trách nhiệm báo cáo với Sở Y tế, cơ quan chức năng về y tế để có hướng dẫn, kiểm tra.
Toàn tỉnh hiện có 1.314 lao động nước ngoài; trong đó lao động Trung Quốc là 249 người, chủ yếu đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao. Trong khi đó, Quảng Nam có 10 người lao động đang làm việc tại Trung Quốc, không trở về ăn tết, đang được kết nối chặt chẽ từ phía gia đình và người lao động để tìm hiểu nắm bắt thêm thông tin về dịch bệnh.
Riêng tại huyện Hiệp Đức, hiện có 9 lao động người Trung Quốc trở lại làm việc tại công trường thủy điện Sông Tranh 4. Với số lao động này, phải thực hiện ngay biện pháp cách ly tại nơi ở, không để họ đi ra bên ngoài, đề phòng lây nhiễm. Hiện sở đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép mới cho lao động người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam; đồng thời cũng tạm dừng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở vùng có dịch.
Đối với các đơn vị trực thuộc sở, đặc biệt là các trung tâm hổ trợ xã hội, nuôi dưỡng người có công, cai nghiện ma túy... trước mắt sẽ tạm dừng việc tiếp nhận mới. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo tạm dừng các đoàn từ thiện đến thực hiện chương trình hỗ trợ, bởi trong số này có rất nhiều người nước ngoài; cũng như tạm dừng việc điều dưỡng tập trung đối với người có công trong thời gian này. Liên quan đến kế hoạch tổ chức kỷ niệm 60 năm kết nghĩa Quảng Nam - Thanh Hóa tới đây, sở đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng nội dung đưa đoàn người có công của tỉnh đi nghỉ dưỡng tại Thanh Hóa, bởi hiện nay, Thanh Hóa đang là một trong các địa phương xuất hiện dịch bệnh. Ngoài ra, tại 3 trường trung cấp nghề, bình quân mỗi trường có hơn 200 học viên, trước mắt cho tạm dừng việc tập trung học sinh - sinh viên cho đến hết 10.2 nhằm tránh trường hợp dịch bệnh có nguy cơ lây lan.
Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT: "Trang bị vật tư y tế, thiết bị bảo hộ cho xe chở khách"
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh lên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh corona, Sở GTVT cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị vận tải, đặc biệt là taxi, xe buýt, xe hợp đồng đi tuyến cố định, khi chở khách phải yêu cầu đeo khẩu trang; đồng thời trang bị khẩu trang cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, cũng như bố trí bình xịt khử trùng, hạn chế dịch bệnh lây lan. Riêng ở TP.Hội An, doanh nghiệp taxi Mai Linh báo cáo đã thực hiện triển khai nghiêm túc chủ trương này từ nhiều ngày trước.
Hiện nay, ở Hội An có khoảng 120 đầu taxi. Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, số lượng hành khách Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) có khoảng 1.400 người, nên khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách rất khó khăn, trong khi đường phố ở Hội An khá chật hẹp. Liên quan đến vấn đề này, có 2 phương án được đề xuất, đó là hỗ trợ khoảng 30 - 40 xe có các thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch, kèm theo thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của du khách và thành lập đội taxi khoảng 5 - 10 chiếc, tài xế được trả thù lao, chuyên chở (miễn phí) cho du khách Trung Quốc. Các phương án này sẽ tiếp tục được nghiên cứu cho phù hợp.
“Tính đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có số ít cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, nhà thuốc có bán mặt hàng khẩu trang y tế nhưng số lượng không nhiều, chưa đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tại TP.Tam Kỳ hiện có 3 cơ sở kinh doanh phát miễn phí khẩu trang cho người dân. Từ ngày 31.1 đến nay, chúng tôi tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi trái phép đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, phát hiện 2 vụ vi phạm không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm bán hàng, xử phạt hành chính hơn 1,7 triệu đồng. Người dân Quảng Nam đã có 79 cuộc gọi phản ánh thông tin đến đường dây nóng của cục, 2 cuộc gọi đến Tổng cục Quản lý thị trường.
Ngoài ra, chúng tôi tham gia kiểm tra liên ngành về việc thanh tra đột xuất cơ sở kinh doanh thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Sở Y tế chủ trì. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng khẩu trang có biện pháp đảm bảo nguồn cung nguyên liệu và tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khẩu trang trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, tránh xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý” - Ông Đoàn Ngọc Sơn – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh. (QUANG VIỆT ghi)