Hằng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 4, khi đã nhổ đậu phụng xong, vụ lúa đông xuân cũng đã được thu hoạch, nhiều nông dân tại Thăng Bình vào mùa ép dầu phụng.
Khoảng 3 giờ sáng, công việc của ông Nguyễn Đình Thành - một người thợ ép dầu phụng (thôn Đồng Thanh Sơn, xã Bình Định Nam, Thăng Bình) bắt đầu.
“Bà con tranh thủ đến sớm thì mình cũng phải cố gắng làm sớm, không để mọi người phải chờ đợi. Từ những năm 1990, tôi đã làm nghề này rồi, mỗi năm mùa ép dầu cũng chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng nên ngoài công việc này, tôi còn làm thêm đủ nghề nữa” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, để có được những mẻ dầu thơm, vàng óng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, đậu khô được cho vào máy để tách vỏ đậu. Sau khi tách xong, đậu phụng sẽ được xay nhuyễn rồi đưa vào lò hấp. Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của dầu. Mỗi nồi hấp tối đa một lần được khoảng 200kg bột đậu đã máy sẵn. Sau khoảng 1 tiếng hấp thì trên vành nắp hấp sẽ xuất hiện những “giọt mồ hôi nước”.
“Những giọt mồ hôi nước này xuất hiện là dấu hiệu nhận biết rằng bột đậu đã chín, có thể dùng để ép lấy dầu. Để cho đậu chín đều và nhanh hơn thì trước khi hấp cần phải tạo những đường dẫn hơi bằng cách dùng một cái cây ấn xuống nồi bột đậu. Trong suốt quá trình hấp phải giữ đều lửa để dầu thơm ngon” - ông Thành cho biết thêm.
Sau khi hấp chín, đậu sẽ được cho vào bao bố, dùng tay ép chặt thành bánh, cứ khoảng 15 đến 20 bánh sẽ được cho vào khuôn máy thủy lực để ép. Trong chốc lát, dòng dầu phụng thơm lừng, vàng ươm sẽ chảy ra từ máy ép, cứ liên tục xong hết mẻ này thì đến mẻ khác. Theo các lao động tại đây, mỗi ký dầu sau khi ép xong có tiền công 7.000 đồng. Nếu một ngày làm liên tục từ sáng sớm đến tối, mỗi lao động có thể thu về từ 500 - 600 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Đình Thống - chủ cơ sở ép dầu phụng tại thôn Đồng Thanh Sơn cho biết, ông làm nghề này đã hơn 40 năm. Trước đây việc ép dầu chủ yếu thủ công, năm 2016 ông đầu tư 2 máy ép thủy lực với kinh phí gần 110 triệu đồng.
“Từ khi có máy ép bằng thủy lực, cơ sở của tôi đã giảm được 2 lao động, mọi người làm việc cũng đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, với lực ép mạnh, lượng dầu được ép ra cũng nhiều hơn so với cách ép thủ công” - ông Thống nói.
Ông Nguyễn Minh (tổ 12, thôn Lý Trường, xã Bình Phú) cho biết, hằng năm, gia đình ông làm được hơn 2 sào đậu, sau khi phơi khô còn được khoảng 400kg. Cứ vào tháng 4, gia đình ông lại tất bật thu hoạch, ép dầu để dùng quanh năm và gửi cho con cái sinh sống ở xa như TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.
“Dầu phụng ở quê mình ngon và chất lượng hơn là mua ở ngoài thị trường nên năm nào tôi cũng ép nhiều để sử dụng và gửi cho các con. Không chỉ lấy dầu phụng, những bánh dầu được tôi tận dụng để dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón cho cây trồng” - ông Minh cho biết.