Tháng 5, cư dân các xã ven biển huyện Núi Thành lại vào mùa khai thác rong mơ.
Từ sáng sớm, người dân thôn Thuận An (xã đảo Tam Hải) gọi nhau cùng đi hái rong mơ. Họ mang theo bình hơi, lưỡi hái, thuyền thúng, ghe nhỏ… ra vùng biển cách bờ chừng 1km. Mỗi chuyến hái rong mơ thường diễn ra từ sáng đến đầu chiều. Rong mơ sau khi được hái dưới đáy biển, người dân đưa lên chất trên thuyền, rồi vận chuyển về bờ phơi khô và chờ thương lái đến thu mua.
Ông Nguyễn Văn Trỏ cho biết, thường lặn rong mơ ở vùng biển Bàn Than. Vợ ông Trỏ luôn đi theo phụ chồng vớt rong mơ và lo bữa cơm trưa ở biển.
“Chúng tôi chỉ thu hoạch rong mơ từ tháng 5 đến tháng 7. Quãng thời gian này nếu không khai thác thì rong mơ tự tàn lụi và sẽ bắt đầu “đâm chồi nảy lộc” vào tháng Giêng đến tháng 5 thì bắt đầu già, người dân lại bước vào mùa thu hoạch mới” - ông Trỏ nói. Mỗi ngày vợ chồng ông khai thác, phơi được 2 tạ rong mơ khô, với giá 8 nghìn đồng/kg, thu về gần 2 triệu đồng.
Ông Trần Công Minh cho biết, khi rong mơ vào mùa khai thác thì ông tạm nghỉ nghề biển để đi lặn rong mơ. Ông Minh đeo mặt nạ lặn biển, sửa ống dưỡng khí, nhảy từ thuyền nhỏ xuống biển rồi lặn “săn” rong mơ.
Rong biển thường sinh sôi ở độ sâu 3 - 5m nên phải mất chừng 5 phút ông Minh mới thực hiện xong một lần cắt hái. Khi rong biển được ông Minh đẩy trồi lên mặt biển, vợ ông nhanh tay dùng sào, vợt để đưa lên thuyền.
“Nghề này vất vả bởi diễn ra thời điểm mùa hè nắng nóng. Phải tranh thủ thời gian để có được sản lượng rong mơ kha khá” - vợ ông Minh nói.
Ông Trần Minh Tập - Trưởng thôn Thuận An cho biết, trên địa bàn có khoảng 100 hộ khai thác rong mơ. Ngoài ra, cộng đồng cư dân ven biển xã Tam Quang (Núi Thành) cũng đến vùng biển Tam Hải để lặn cắt rong mơ. Nhờ rong mơ mà cư dân ven biển có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.
“Rất đáng mừng là người dân duy trì ý thức bảo vệ rong mơ, tổ chức khai thác đúng thời vụ và thời gian cho phép. Điều này không chỉ giúp cho cư dân ven biển có được nguồn thu hàng năm mà còn tạo môi trường thuận lợi cho các loại hải sản về trú ngụ, sinh sản” - ông Tập nói.
Theo bà Hồ Thị Thương - Phó Chủ tịch UBND xã đảo Tam Hải, trước đây nguồn lợi rong mơ rất dồi dào nhưng vài năm trở lại đây suy giảm mạnh. Nếu trước đây người dân khai thác được hàng nghìn tấn mỗi năm thì năm vừa qua giảm đến gần một nửa sản lượng.
Để bảo tồn rong biển, chính quyền xã thông báo đến ngươi dân về quy định khai thác rong mơ trước mỗi vụ. Khi tiến hành thu hoạch rong mơ người dân phải để lại đoạn thân cây rong dài ít nhất 10cm và đảm bảo có phần tán che để rong mơ duy trì sự sống và kịp sinh trưởng, phát triển khi mùa xuân đến. Người dân cũng cần giữ lại 25% diện tích nơi khai thác rong mơ để các loài hải sản, san hô có điều kiện sinh sống.