(QNO) - Những ngày này, trên các nhánh sông thuộc sông Trường Giang (Núi Thành), sứa bắt đầu xuất hiện rất nhiều. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhiều người dân tập trung trên bờ lẫn dưới nước dùng vợt vớt sứa bán kiếm thêm thu nhập.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 14.3, tại cầu Tam Giang (cũ) có khoảng chục người dân đứng trên thành cầu dùng vợt để vớt sứa trôi trên mặt nước. Bình quân mỗi người dân vớt trong vòng 1 tiếng đồng hồ cũng được khoảng 10kg sứa thành phẩm (lấy phần chân, bỏ phần mình). Dọc các tuyến sông cũng có nhiều ngư dân tranh thủ chèo ghe đi vớt sứa bán kiếm thêm thu nhập.
Ông Đỗ Hoàng Anh (khối phố 1, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) cùng người con vớt sứa tại cầu Tam Giang, cho biết năm nào cũng vậy, sứa xuất hiện nhiều từ khoảng tháng 1 đến hết tháng 4 âm lịch. Sứa nổi trên mặt sông nhiều nhất khi tiết trời chuyển gió nam. Dụng cụ vớt sứa cũng rất đơn giản, chỉ cần chiếc vợt buộc vào cán trúc dài.
“Mỗi ngày cha con tôi vớt được hơn 3 xô sứa thành phẩm, sau đó đem ra chợ bán với giá 20 - 30 nghìn đồng/kg sứa tươi. Bình quân mỗi ngày kiếm được 300 - 500 nghìn đồng, ngày nào sứa xuất hiện nhiều thì thu nhập khá hơn. Sứa sông có vị ít mặn hơn so với sứa biển, dễ chế biến. Đa số sứa trên sông Trường Giang là sứa xanh, rất ngon khi chế biến các món gỏi, trộn…” - ông Anh nói.
Một ngư dân khác vớt sứa tại cửa sông cho biết, sứa vớt lên tới đâu là cầm tay vặt lấy thân, bỏ mình và cho ngay vào xô để sẵn. Khi gần đầy xô là đem về ngay, nếu không trời nắng nóng sứa sẽ tự tan. Vì vậy việc vớt sứa rất khẩn trương, chủ yếu là sáng sớm, khi trời nắng lên về là vừa.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, con sứa thường nổi nhiều vào buổi sáng sớm, khi nước thủy triều đang dâng lên, nhất là những ngày thời tiết mây mù, ít nắng. Tuổi thọ của loài sứa vì thế cũng chỉ kéo dài trong mùa giêng hai. Qua mùa nắng nóng, sứa tự biến mất nên việc thu hoạch “lộc trời” vỏn vẹn khoảng 2 - 3 tháng sau tết.