Chúng tôi vừa có dịp dự một cuộc hội thảo tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh của Trường Đại học FPT, tổ chức sáng hôm qua (2.3) tại Tam Kỳ. Nhiều câu chuyện được gợi ra tại cuộc hội thảo này, tuy nhiên mối quan tâm nhiều nhất là đầu vào và đầu ra của đại học nói chung, FPT nói riêng.
Đầu vào nghe qua có vẻ được “cởi nút” khá nhiều khi cơ chế tự chủ đại học bước đầu lóe lên những tia sáng. Như đại học FPT, ngày 13.4 tới đây sẽ có cuộc sơ tuyển, chỉ yêu cầu học sinh làm một bài luận, đồng thời có bài kiểm tra chủ yếu để cho thấy tư duy logic, khả năng tính toán. Chương trình đào tạo của đại học FPT cũng được nêu là khá tân tiến, giáo trình theo chuẩn quốc tế, viết chủ yếu bằng tiếng Anh. Để theo đuổi chương trình học cần 4 năm, qua đó được trang bị ngoại ngữ thành phương tiện để học và làm, được tiếp cận cơ hội trao đổi sinh viên quốc tế, được cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần, và đặc biệt có thể kiếm được cơ hội việc làm khi trải qua kỳ học thực tế tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, các tổ chức, dự án. Cánh cửa vào đại học FPT, có thể là hẹp với những học trò nghèo khi mức học phí khoảng 250 triệu đồng, nhưng không là lớn với tầng lớp trung lưu trở lên.
Nhưng, có một chữ “nhưng” quan trọng, đó là hướng nghiệp như thế nào. Hẳn ít có trường đại học nào đi tuyển sinh nói về tình trạng thất nghiệp của sinh viên do mình đào tạo. Ngay như đại học FPT cho biết đến 97% sinh viên tốt nghiệp ở trường này đã có việc làm, song dự báo trong mấy năm tới ra sao thì chưa lấy gì làm chắc chắn, và trường cũng bỏ chữ “cam kết” về việc làm khi tư vấn tuyển sinh. Nghĩa là câu chuyện đầu ra của sản phẩm đào tạo đại học vẫn còn bị đẩy về phía xã hội. Những nhà làm giáo dục không nhận được thông tin về nhu cầu thực tế được khảo sát từ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì dự báo, định hướng và cam kết thế nào được. Chung quy lại, trường đại học cứ đào tạo còn xã hội có cần hay không thì chỉ có những “định hướng” rất đại khái, tỉ như đến 2020 sẽ đạt chuẩn trình độ quốc tế, sẽ hình thành những trung tâm công nghệ cao hay các khu công nghiệp cần nguồn nhân lực lớn...
Đầu vào và đầu ra cho giáo dục đào tạo cũng là câu chuyện vừa được xới lên tại một cuộc hội nghị ở Quảng Nam cuối tuần qua để góp ý dự thảo chương trình hành động thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Việc gắn dạy nghề với nhu cầu thực tế, việc phân luồng vào đại học hay học nghề, tất thảy đều đặt ra mong đợi sự cam kết chắc chắn hơn về đầu ra của sản phẩm đào tạo. Trong khi thị trường lao động chưa tìm được đường ray phát triển bền vững thì những băn khoăn về đầu vào, đầu ra của đào tạo sẽ còn thử thách không chỉ cho ngành giáo dục, cho xã hội, mà trước hết còn gây ra bộn bề suy tư vướng mắc, lúng túng để lựa chọn của phụ huynh cùng con em họ. Ngả rẽ nào cho tương lai? Một câu hỏi khó trả lời biết bao!
ĐĂNG QUANG