Chó là vật nuôi gắn bó thiết thân với cuộc sống của đồng bào miền núi, là người bạn làm cho bản làng thêm sắc màu cuộc sống, giúp “vui cửa vui nhà”. Hình ảnh con chó đã đi vào đời sống văn hóa như truyền thuyết, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật tạo hình của nhiều tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.
Hình ảnh con chó trong phù điêu miêu tả về lễ hội Cơ Tu. Ảnh: TẤN VỊNH |
Chó được đồng bào miền núi nuôi để phòng thủ. Khi đi làm nương rẫy hoặc vào rừng kiếm lâm sản, hái rau, bẻ măng hoặc đi săn thú rừng, chó là con vật đi “tiên phong”. Nó có thể bảo vệ chủ khi bị thú rừng tấn công. Khi chủ đi săn, phát hiện thú rừng, chó sủa và đuổi theo con thú và cùng với người dồn vây con vật vào lưới, bẫy hoặc hố được đào sẵn. Vào vụ mùa, chó thường quẩn quanh với người bên túp lều hoặc chòi rẫy để chăm sóc, canh giữ không cho thú rừng phá hoại lúa và hoa màu…
Với một số tộc người, chó là linh vật. Dòng họ Zơrâm của người Cơ Tu đã lấy con chó làm vật tổ, với sự tích kể rằng, từ thời xa xưa, trời mưa lũ, nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi. Trên đó còn một con chó và một cô gái sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng với con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con, một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Cuối cùng hai người lại gặp lại và lấy nhau, sinh ra con cháu như bây giờ. Hay người Pa Cô (một nhánh người của tộc người Tà Ôi) coi chó là con vật tổ và cho rằng bà tổ cùng ông tổ chó vẫn sống cùng nhau ở nơi đất liền với trời. Tại đó, bà dệt nên bầu trời như một cái chăn lớn. Họ cũng tin rằng, đôi khi từ trên trời họ có thể nghe tiếng chó sủa.
Phù điêu có hình ảnh 2 chú chó trong đoàn người Cơ Tu sau cuộc đi săn. |
Trong kiến trúc nhà làng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, phù điêu, tranh vẽ về đề tài chó và một số hình tượng khác được bố trí ở tấm ván thưng xung quanh nhà và những tấm ván liên kết hai hàng cột trước và sau nhà. Những bức phù điêu trang trí bên trong gươl của người Cơ Tu luôn xuất hiện cảnh chú chó cùng người đi săn. Đoàn thợ săn hân hoan trở về khiêng một con thú bao giờ cũng có hình ảnh của chú chó. Chó và người cùng làm nên thành tích săn bắt. Ở bức phù điêu khác miêu tả buôn làng vào hội với không khí hân hoan, vui nhộn, xuất hiện hình ảnh chú chó ngóc đầu, vẫy đuôi đi theo đoàn người, hòa nhịp với điệu múa của trai làng. Nhiều bức phù điêu khá ấn tượng miêu tả đôi chó giao cấu, đôi chó cắn vào đầu và đuôi một con trăn. Đề tài chó còn được khắc họa cùng với những con vật khác như trâu, gà trống, chim tring... để trang trí trên hai tấm ván dẹt (gương) gắn trên cột lễ (snuôr) của người Cơ Tu. Trong kiến trúc nhà mồ, hình tượng đầu chó hoặc đầu trâu được bố trí ở hai đầu kèo. Chó xuất hiện ở đây, ngoài việc trang trí làm đẹp cho ngôi nhà mồ còn có ý nghĩa canh giữ cho người quá cố được yên nghỉ.
Chó là con vật nuôi có vai trò quan trọng trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc miền núi. Chó là một trong những biểu tượng về cái đẹp theo quan niệm của đồng bào, góp một gam màu sống động vào di sản văn hóa dân gian các tộc người.
TẤN VỊNH