Năm 2000, Ngân hàng Công thương Việt Nam (nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam) chi nhánh Thừa Thiên Huế có chính sách cho sinh viên (SV) nghèo đang theo học tại các trường đại học thuộc Đại học Huế vay vốn. Sau khi ra trường 5 năm, SV có trách nhiệm trả nợ. Thế nhưng, từ khi ra trường đến nay, nhiều SV cũng như gia đình của họ không hề nhận được thông báo nợ của ngân hàng nên chần chừ trả nợ. Đầu năm 2013 đến nay, Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Thăng Bình thông báo qua điện thoại đến các trường hợp vay vốn ưu đãi cho SV trước đây là phải trả nợ với lý do đã tiếp nhận số nợ cũ. Hơn 10 năm qua, nhiều trường hợp vay vốn đều không nhận được thông báo trả nợ. Bây giờ bỗng dưng người vay lại nhận được điện thoại thu hồi nợ và người vay không biết rõ người đòi nợ là ai. Về việc này, ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, từ cuối năm 2012, toàn bộ số nợ SV vay trước đây đã bàn giao về cho Ngân hàng CSXH tỉnh nên ngân hàng phải có trách nhiệm thu hồi nợ. Việc thông báo nợ ban đầu bằng hình thức thông tin qua điện thoại là một ứng xử bình thường.
Vì thu hồi nợ gặp khó khăn, nên vừa qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Thăng Bình gửi công văn đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị mà người vay vốn SV hiện đang công tác với mục đích gây “sức ép” trả nợ nhưng công văn ký không có số. Không riêng gì những người trả nợ vốn vay SV cho Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Thăng Bình thắc mắc mà nhiều trường hợp khác có vay vốn SV trước đây trên địa bàn Tam Kỳ, Phú Ninh, Điện Bàn cũng tỏ ra bức xúc với thái độ thu hồi nợ bằng điện thoại của chi nhánh các Ngân hàng CSXH. Ông Nguyễn Quang Dinh thông tin thêm, ngân hàng nhận bàn giao 1.344 hồ sơ vay với tổng dư nợ hơn 3,5 tỷ đồng. Đến nay, đã thu hồi hơn 1,8 tỷ đồng. Phần lớn những trường hợp vay vốn bàn giao qua ngân hàng đều là nợ quá hạn.
B. HẠNH -TR. GIANG