Tình trạng tín dụng “đen”, hay còn gọi là “vay nóng” vốn âm ỉ từ lâu, đến mùa World Cup này lại được dịp bùng phát mạnh. Một người chuyên cho vay nóng cho biết, có nhiều trường hợp túng quẫn vì bệnh tật, phải chấp nhận vay nóng để có tiền chữa bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người vì đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá nên chấp nhận chơi tín dụng đen, khiến cho số người vay nóng, cầm cố tài sản trong mùa bóng đá tăng vọt. Nhiều người sau khi vay xong thì mất khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi, phải rao bán nhà đất hoặc cũng có khi... chạy trốn! Tại Quảng Nam, đã có nhiều trường hợp tán gia bại sản, mất hết nhà cửa, kể cả công việc, vì vay nóng. Có chủ nợ lợi dụng những người vay nóng, không có khả năng trả nợ, lâm vào đường cùng để lừa, ép sang tên nhà cửa, đất đai với giá rẻ...
Ngại vay ngân hàng thủ tục rườm rà, chậm giải ngân, chưa kể nhiều người không đủ điều kiện về tài sản thế chấp, tín chấp nên đã tìm đến tín dụng “đen” như là cứu cánh. Bởi vay nóng không cần tài sản thế chấp, chỉ cần có “niềm tin”. Chỉ cần một cuộc điện thoại là đã có thể có được số tiền mình cần. Với sự phát triển của internet, gần đây đã xuất hiện thêm dịch vụ vay nóng online chỉ trong vòng 1 giờ. Dịch vụ này dành cho nhiều đối tượng, kể cả với đối tượng có hồ sơ bị ngân hàng từ chối, nợ thẻ hay đang vay tiền ngân hàng... Chừng 15 phút sau giao dịch, khách hàng đã có ngay tiền mặt. Gọi là “vay nóng” nhưng kỳ hạn thanh toán cho vay nóng online tối đa lên đến 6 tháng. Với thời gian vay dài như vậy, rõ ràng người vay phải trả khoản tiền lãi không nhỏ, có khi bằng hoặc cao hơn số tiền gốc. Lãi suất vay nóng bao giờ cũng “cắt cổ”, cao gấp nhiều lần vay ngân hàng; có khi lên đến 20 - 30%/tháng.
Bộ luật Dân sự quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất vượt quá giới hạn quy định thì mức lãi suất không có hiệu lực. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự cũng có quy định, người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự thì tùy mức thu lợi bất chính, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc có thể phạt tù 3 năm. Mặc dù pháp luật đã có quy định xử lý những trường hợp cho vay nặng lãi nhưng dường như tín dụng đen vẫn “ngoài vòng pháp luật”. Và lạ một điều là tín dụng đen hầu như có mặt khắp nơi nhưng rất ít có trường hợp bị xử lý, trừ khi phát sinh tội phạm hình sự.
CHÂU NỮ