Ngư dân Lê Bé (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) rơi vào cảnh khó khăn sau 2 năm miệt mài theo đuổi dự án đóng tàu công suất lớn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.
Ông Lê Bé kể, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ông làm hồ sơ gửi đến ngân hàng Agribank chi nhánh TP.Hội An để vay vốn. Trong quá trình thương thảo, Agribank chi nhánh TP.Hội An thỏa thuận bằng miệng là sẽ ký hợp đồng và giải ngân vốn nhưng phải chờ phê duyệt cấp trên trong một thời gian nữa. Lúc đó, cán bộ tín dụng của VietinBank chi nhánh TP.Hội An bất ngờ tiếp cận và ngỏ ý nên chuyển hồ sơ đến họ và sẽ giải quyết nhanh gọn hơn. Vì tiết kiệm thời gian để bám biển quanh năm nên gia đình ông Bé chuyển hồ sơ đến VietinBank, mong mỏi được nhanh chóng ký hợp đồng đóng tàu vỏ gỗ có công suất 730CV theo nghề lưới rê hỗn hợp.
Ông Bé trên con tàu theo nghề câu cá hố. Ảnh: V.Q |
VietinBank chi nhánh TP.Hội An đã nhanh chóng ký kết hợp đồng với ông Bé nhưng sau đó thì xảy ra nhiều vướng mắc. “Sau khi gửi đủ vốn đối ứng, ngân hàng yêu cầu chúng tôi chi tiền để thuê 2 đơn vị thẩm định dự toán chi phí đóng tàu, lần lượt là 9,4 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Xong, họ cùng gia đình tôi đến cơ sở đóng tàu của ông Trần Văn Vạn (phường Cửa Đại, TP.Hội An) tìm hiểu và thống nhất khởi công đóng tàu vỏ gỗ tại đây. Ngân hàng cũng yêu cầu chúng tôi đặt cọc tiền để mua máy thủy mới, ngư lưới cụ và các vật dụng phụ trợ cần thiết khác. VietinBank chi nhánh TP.Hội An cam kết cho tôi vay 70% giá trị con tàu theo quy định là 6,3 tỷ đồng. Đùng một cái ngân hàng thông báo là chỉ cho vay tối đa là 5,56 tỷ đồng” - ông Bé cho biết. Sự thay đổi đường đột phương án cho vay với mức chênh lớn khiến gia đình ông Bé không thể xoay xở thêm được nguồn vốn để bù vào.
Chỉ tay ra con tàu QNa-03862 có công suất 45CV hành nghề câu cá hố, ông Bé thẫn thờ: “Tôi bám biển quanh năm bằng con tàu không lớn nhưng chí thú làm ăn. Cứ nghĩ vận hội đến với mình bằng cách thay thế con tàu có mã lực lớn hơn. Vậy nhưng tôi đã bị lừa, chừ mất trắng hơn 200 triệu đồng”. Sau khi VietinBank chi nhánh TP.Hội An quyết định chỉ cho vay 5,56 tỷ đồng, vì không đủ vốn nên con tàu vỏ gỗ đang đóng ở cơ sở của ông Trần Văn Vạn phải tháo dỡ. Ông Bé phải đền bù cho cơ sở này hơn 50 triệu đồng. Số tiền làm thiết kế, đặt cọc để mua máy thủy, các ngư lưới cụ khác cũng mất trắng. “Tổng cộng thiệt hại là hơn 200 triệu đồng. Tôi kêu cứu hết các cấp, ngành chức năng từ xã, đến thành phố và tỉnh nhưng không ai cứu giúp được” - ông Bé bức xúc.
Trước tình cảnh trên, Phó Chủ tịch TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng đã gửi công văn đến Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 của tỉnh kiến nghị xem xét, đề nghị VietinBank chi nhánh TP.Hội An nâng mức cho vay để ông Bé hoàn thiện con tàu đúng theo các nội dung của Nghị định 89 hoặc hỗ trợ lại các chi phí mà gia đình ngư dân phải gánh chịu. Về điều này, trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 tỉnh cho rằng: “Nghị định 89 chỉ quy định mức cho vay tối đa chứ không hạn định mức tối thiểu. Chúng tôi đề nghị ngân hàng khi cho vay thì nên cho vay tối đa chứ vốn đối ứng quá lớn thì ngư dân không thể “chạy” theo được. Nhưng vấn đề ở chỗ là quyền tự quyết thuộc về ngân hàng nên trong trường hợp của ông Bé họ chỉ cho vay 61,77% mà thôi”.
Việc ách tắc trong khi vay vốn ưu đãi đã khiến gia đình ông Bé phải chịu thiệt. Mong ngành chức năng của tỉnh nhiệt tình vào cuộc để có phương án hỗ trợ cần thiết, giúp ngư dân tránh được những rủi ro trong quá trình vay vốn đóng tàu.
VIỆT QUANG