Thực hiện Kết luận thanh tra số 4912 ngày 1.12.2015 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về việc xác lập hồ sơ thương binh tại Quân khu 5, trong đó Quảng Nam có những trường hợp không đúng quy định, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thu hồi số tiền đã hưởng sai quy định. Tuy nhiên, việc thu hồi không hề dễ.
Hồ sơ không đảm bảo
Theo Kết luận thanh tra số 4912 ngày 1.12.2015 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Đoàn thanh tra liên ngành của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng đã kiểm tra hồ sơ thương binh (TB) tại Quân khu 5, trong đó có Quảng Nam. Quá trình kiểm tra đã phát hiện 46 trường hợp sai, gồm 32 trường hợp xác định sử dụng tài liệu giả để lập hồ sơ, 14 trường hợp xác định là sử dụng bản sao danh sách quân nhân bị thương để lập hồ sơ nhưng không có tên trong danh sách bản gốc lưu tại đơn vị. Toàn bộ 46 trường hợp này Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị tỉnh quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi và buộc hoàn trả số tiền đã hưởng sai quy định. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gặp đối tượng và xác minh tại các đơn vị.
Toàn bộ 46 trường hợp nêu trên là hồ sơ được xác lập từ năm 2000 đến năm 2015. Sau 2 phiên đối thoại trực tiếp giữa các cơ quan chức năng với người thụ hưởng thì toàn bộ 32 trường hợp được xác định là sử dụng tài liệu giả đều có đơn kiến nghị. Họ khẳng định bản thân tham gia quân đội, có thời gian chiến đấu ở Campuchia và có vết thương trên thân thể. Tuy nhiên, hồ sơ của họ lại không đảm bảo tính pháp lý vì có một số trường hợp sau khi điều trị vết thương, đối tượng không biết hoặc đơn vị di chuyển chiến đấu ở nhiều địa bàn nên họ không nhận được giấy ra viện hoặc giấy chứng nhận bị thương. Sau này, họ mới quay lại đơn vị cũ để xin giấy xác nhận để kê khai làm hồ sơ hưởng chế độ TB. Giấy xác nhận do cấp trung đoàn trở lên cấp, nên họ chỉ nhận về bổ sung hồ sơ chứ không biết giấy tờ trên tẩy sửa, ghi thêm. Một số trường hợp lại không giữ giấy, làm thất lạc hoặc không được cấp giấy nên sau này (2009 - 2010) mới đến đơn vị cũ xin lại giấy xác nhận bị thương. Tuy nhiên, ngày tháng năm trong giấy ra viện, giấy chứng nhận bị thương đơn vị ghi tại thời điểm bị thương in bằng phôi tài liệu có mực laze và soạn thảo bằng font chữ tiếng Việt TCVN 3 vào thời điểm bị thương là không đúng nên Thanh tra kết luận là không đảm bảo tính pháp lý.
Đối với 14 trường hợp xác định không có tên trong bản gốc lưu tại đơn vị, cơ quan chức năng cũng đã đến các đơn vị như Sư đoàn 309, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai thì có 7 trường hợp có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc). Tuy nhiên, danh sách này lại không trùng khớp với bản sao danh sách làm căn cứ xác lập hồ sơ. Các đơn vị trên đã giải thích danh sách lưu trữ quá nhiều, lưu ở nhiều loại sổ sách khác nhau, di chuyển đóng quân nhiều nơi nên thất lạc, đơn vị không quản lý đầy đủ danh sách quân nhân bị thương.
Kiến nghị giám định lại
Trong 46 trường hợp, đến nay có 7 trường hợp đã bổ sung đủ hồ sơ nên tiếp tục được hưởng chế độ TB, có 4 trường hợp đã chết nên không thu hồi tiền đã chi. Đối với 35 trường hợp thuộc diện phải thu hồi số tiền đã hưởng, UBND tỉnh đã có kiến nghị gửi Bộ LĐ-TB&XH. Theo đó, UBND tỉnh kiến nghị, đối với trường hợp hồ sơ không đảm bảo, những quân nhân có tham gia quân đội và có tên trong danh sách quân nhân bị thương lưu tại các đơn vị thì xem xét cho trưng cầu giám định lại vết thương thực thể để được hưởng chế độ hoặc được xác lập hồ sơ mới theo quy định tại Thông tư số 28/2013 của liên bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng. Đối với 14 trường hợp không có tên trong danh sách lưu tại đơn vị, UBND tỉnh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục cho hưởng trợ cấp thương tật đối với 7 trường hợp có tên trong danh sách gốc lưu tại đơn vị (có thể do thất lạc); 7 trường hợp còn lại không còn danh sách, đề nghị cho giám định lại tỷ lệ thương tật và căn cứ kết quả giám định để tiếp tục cho đối tượng hưởng chế độ hoặc xác lập lại hồ sơ theo quy định tại Thông tư 28/2013.
Ông Trần Văn Chiến - Trưởng phòng Người có công Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Qua thực tế đối thoại, các trường hợp mà Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kết luận chi sai chế độ TB đều có tham gia quân đội, có vết thương thực thể nên tỉnh đã có kiến nghị cho họ giám định lại. Đối với 35 trường hợp còn lại, theo quy định thì phải thu hồi rồi mới giám định lại hoặc xác lập hồ sơ mới được. Chế độ mỗi tháng vài trăm nghìn đồng trợ cấp, họ đã chi cho việc ăn uống, sinh hoạt, nuôi sống bản thân hàng ngày, không có tích lũy, hoàn cảnh khó khăn nên việc thu hồi rất khó. Kết luận thì phải thu hồi số tiền 4,6 tỷ đồng, nhưng đến nay họ cố gắng thì cũng nộp mỗi người mỗi ít, chỉ được mới 99 triệu đồng. Theo chỉ đạo từ Bộ LĐ-TB&XH, những trường hợp như đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tạm thời khoanh nợ, chưa thu hồi. Sở LĐ-TB&XH cũng đang cố gắng thu hồi, nhưng thật sự rất khó”.