Với sự chung tay của những người yêu mến văn chương, chúng tôi đã tìm được tư liệu để bổ sung phần khiếm khuyết trong bài thơ chữ Hán Phan Khôi tặng sư Viên Thành cách đây hơn 100 năm.
Từ tư liệu một bài báo
Vào giữa tháng 11/2023, tôi nhận được tin nhắn từ PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng. Tin cho biết, trong bài “Pháp thoại của năm đại tăng Huế” đăng trên Trang Nhà Quảng Đức, ngày 18/12/2015, GS. Ngô Trọng Anh có viết: hồi ở Huế, sau một đêm trọ trong chùa mà sư Viên Thành là trụ trì, nhớ lúc chia tay, cảm phục tư cách của vị cao tăng nên Phan Khôi đã viết tặng sư Viên Thành một bài thơ chữ Hán, như sau: “Duyệt tận phồn hoa, nhãn nhục hôn/ Tọa gian nhân ngã, hoa vô tướng/ Bích thượng thi từ, ngọc hữu hồn/ Thảo thụ kỳ viên, tân Phật Quốc/ San hô bảo kiếm, cự vương tôn/ Không tang nhất túc tri vô phận/ Trân trọng ca sa tống xuất môn”.
(Dịch thơ: Trải tận phồn hoa, mắt rối bời/ May cùng thiện hữu đến chùa chơi/ Người, ta trên ghế: Hoa vô tướng/ Thơ phú trên tường: Ngọc chiếu ngời/ Cây cỏ xinh tươi ra cảnh Phật/ San hô kiếm quý tự bao đời/ Vô duyên tá túc đành từ biệt/ Sư khoác ca sa tiễn cuối trời).
Bài thơ không có đầu đề, cũng không có nguyên văn chữ Hán mà chỉ có phần phiên âm và bản dịch thơ. Có điều lạ là ở phần phiên âm lại thiếu mất câu thứ hai mà bản dịch thơ dịch là “May cùng thiện hữu đến chùa chơi”.
Cũng không biết tác giả làm bài thơ vào năm nào, trong hoàn cảnh nào. Lạ nhất là ba chữ cuối câu thứ năm được phiên âm Hán Việt là “cự vương tôn”. Có nhiều chữ “cự” nhưng là chữ ”cự” nào, trong khi mọi chữ “cự” đưa vào đều không chữ nào hợp với ý tình của bài thơ cả?
Vả lại, nếu là “cự vương tôn” thì làm sao đối với “tân bảo kiếm” và người dịch, theo GS. Ngô Trọng Anh là Vũ Hoàng Chương đã dịch thơ là “tự bao đời” được? Có khi nào nó là “cựu vương tôn” mà khi số hóa đưa lên mạng nhầm thành “cự vương tôn” không?
Vì vậy mà khi cài chữ Hán cho bài thơ, tôi chỉ cài được bốn câu đầu, tới câu thứ năm thì... tắc! Tắc vì không tìm ra chữ “cự” nào cho hợp lý, lại không dám cài chữ “cựu” (舊) như mình nghĩ vì không chắc đúng! Tất nhiên, chữ thứ sáu trong câu đầu của bản phiên âm “nhục” tôi vẫn cài bằng chữ “nhục” (肉) mặc cho vẫn còn thắc mắc, không hiểu vì sao lại là “nhục” mà không phải là một chữ nào khác dễ nghe hơn.
... đến nội dung cuốn “Tra Am và sư Viên Thành”
Về băn khoăn này, thông qua chia sẻ thông tin của PGS.TS Hoàng Dũng, ông Nguyễn Lam Điền cất công tìm ra nguyên văn chữ Hán bài thơ và một số điều liên quan trong cuốn “Tra Am và sư Viên Thành” của Nguyễn Văn Thoa do Môn đồ Ba la và Tra Am ấn hành, lần thứ nhất vào năm 1972, lần thứ hai vào năm 2016.
Theo đó, nguyên văn bài thơ chữ Hán, phiên âm và dịch thơ như sau: “閱 盡 繁 華 眼 欲 昏/ 忽 從 人 海 溯 禪 源/ 坐 間 人 我 花 無 相/ 壁 上 詩 詞 玉 有 魂/ 草 樹 祇 園 新 佛 國/ 珊 瑚 寶 劍 舊 王 孫/ 空 桑 一 宿 知 無 分/ 珍 重 袈 桬 送 出 門”.
Phiên âm Hán Việt: Duyệt tận phồn hoa nhãn dục hôn/ Hốt tùng nhân hải tố thiền ngôn/ Tọa gian nhân ngã hoa vô tướng/ Bích thượng thi từ ngọc hữu hồn/ Thảo thụ kỳ viên tân phật quốc/ San hô bảo kiếm cựu vương tôn/ Không tang nhất túc tri vô phận/ Trân trọng ca sa tống xuất môn.
Dịch thơ tiếng Việt: Trải tận phồn hoa, mắt rối bời/ May cùng thiện hữu đến chùa chơi/ Người, ta trên ghế: hoa vô tướng/ Thơ phú trên tường: ngọc chiếu ngời/ Cây cỏ xinh tươi ra cảnh Phật/ San hô kiếm quý tự bao đời/ Vô duyên tá túc đành từ biệt/ Sư khoác ca sa tiễn cuối trời.
Đối chiếu tư liệu từ cuốn “Tra Am và sư Viên Thành” với bài viết “Pháp thoại của năm đại tăng Huế” thấy có vài chỗ khác nhau.
Nguyên văn câu thứ hai mà bản của GS. Ngô Trọng Anh bỏ sót được Nguyễn Văn Thoa đưa vào là 忽 從 人 海 溯 禪 源, phiên âm là “hốt tùng nhân hải tố thiền ngôn” và dịch thơ là “May cùng thiện hữu đến chùa chơi”. Chữ thứ sáu câu đầu, bản của GS Ngô Trọng Anh phiên là “nhục”, bản của Nguyễn Văn Thoa viết là 欲, phiên là “dục”.
Chữ thứ năm câu thứ sáu, bản của Nguyễn Văn Thoa viết là 舊, phiên là “cựu” chứ không phải “cự” như bản của GS Ngô Trọng Anh. Hai chữ “hoa” và “ngọc” ở câc câu ba, bốn của bản này không viết hoa như bản của Giáo sư Ngô Trọng Anh nhận từ Nguyễn Lam Điền và như thế có lẽ là hợp lý hơn.
Sáng tỏ nhiều nội dung
Điểm khác nhau đáng kể nhất là: bản của Nguyễn Văn Thoa có thêm một lá thư ngắn cũng bằng chữ Hán ở phần đầu bài thơ. Nguyên văn lá thư, dịch sang tiếng Việt như sau: Chiều hôm qua, được tiếp kiến thượng nhân, đêm về nhà trọ, không sao ngủ được.
Nhớ lúc chia tay, thượng nhân có đọc một câu thơ và tôi đã làm được một bài thơ luật, mượn nguyên câu ấy của thượng nhân đặt ở cuối bài để nhớ không quên. Kính nhờ Vân Bình tiên sinh thay tôi mang về chùa. Rất mong được thượng nhân xem và phủ chính cho.
Dựa vào lá thư trên và một vài tư liệu khác trong “Tra Am và sư Viên Thành”, có thể ước chừng là Phan Khôi đã làm trong quãng thời gian từ năm 1911 tới năm 1914, sau ba năm ở tù ra vì bị tình nghi có liên quan đến vụ “xin xâu” ở Quảng Nam và các tỉnh lân cận năm 1908.
Lúc này Phan Khôi đang ở Huế và sư Viên Thành cũng đang trụ trì tại chùa Ba La Mật, làng Nam Phổ, cách kinh thành Huế chừng bốn tới năm cây số. Hoàn cảnh cụ thể để bài thơ ra đời là sau một ngày viếng thăm, đàm đạo cùng sư, trong một đêm trở lại nhà trọ không ngủ được vì cảm phục đức độ và tài năng thiên phú cộng với công phu khổ luyện của sư Viên Thành.
Cũng nhờ “Tra Am và sư Viên Thành” mà biết thêm, sau lần này còn một lần nữa Phan Khôi đến với sư Viên Thành. Đó có lẽ là lần vào đầu năm 1918, Phan Khôi với tư cách là phái viên báo Nam phong đã cùng chủ bút Phạm Quỳnh có chuyến đi vào Huế quan sát lễ tế Nam Giao của triều đình, nhân đó ông đã đưa Phạm tiên sinh tới vãn cảnh chùa và đàm đạo với sư Viên Thành một buổi sáng về nhiều vấn đề văn chương và triết lý Thiền tông.
Về lần thăm này, Phạm Quỳnh đã có bài đăng trên tạp chí Nam Phong, số 10 năm 1918, hết lời ca ngợi sư Viên Thành, trong đó có đoạn: Thượng nhân vốn là người hoàng tộc, nên tuy ở chốn thiền môn mà viết ra một cái phong độ riêng, không giống các nhà tu hành khác. (...) Cái tài tình của Viên Thành thượng nhân thì không phải tìm đâu xa, cứ nghe ngay câu chuyện người nói cũng đủ biết: mỗi lời như nhả ngọc phun châu, mà tưởng cứ tự nhiên thành bài thơ ứng khẩu vậy. Người thơ chữ đã tuyệt bút mà thơ Nôm cũng rất hay.
Người dịch bài thơ chữ Hán của Phan Khôi ra tiếng Việt không phải là nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà là Nguyễn Văn Thoa, tác giả “Tra Am và sư Viên Thành”. Vũ Hoàng Chương chỉ là một trong số những người như Thượng tọa Trí Quang, Giáo sư Bửu Cầm... được tác giả mời soát lại và nhuận sắc.
Để có được những thông tin này, tôi biết ơn nhiều người, đặc biệt là với ông Nguyễn Lam Điền và PGS.TS Hoàng Dũng. Từ những tư liệu đã cập nhật, tôi đã dịch xong bài thơ, tuy vẫn chưa thật ưng ý, những mong có thêm một bản dịch cho bài thơ của cụ thân sinh: “Chơi chốn phồn hoa mắt muốn mờ/ Vườn thiền tới viếng chẳng ai ngờ/ Người, ta ngồi chỗ hoa không ảnh/ Thơ, phú trên tường vẳng tiếng tơ/ Cây cỏ vườn thiền tươi nước Phật/ San hô kiếm báu luyện xưa giờ/ Thiền môn nghỉ lại lo không tiện/ Trân trọng sư đành tiễn khách thơ”.