Về bến sông xưa

HOÀNG NHẬT TUYÊN 25/02/2017 09:42

“Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa”. Có lẽ người nghệ sĩ dân gian làm ra câu ca dao trên đã từng gắn bó với một bến sông, từng mang trong lòng nỗi niềm trắc ẩn nào đó về tình người, tình đời, để rồi năm tháng đi qua, khi trở lại bến xưa, bất chợt thấy trăn trở, bồi hồi…

Bến sông quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bến sông quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Với tôi, mỗi lần đọc câu ca ấy trong tâm trí lại hiện lên cái bến nhỏ bên dòng sông Cái nơi quê nhà. Đó là một bến sông êm đềm, với con đường đất thoai thoải chạy dài xuống bãi cát mịn màng, đứng bên này nhìn sang bờ bên kia có thể thấy rất rõ những nà dâu, biền bắp xanh rờn và xa hơn là những vườn cây với những hàng cau vươn cao, thẳng tắp. Nhà tôi ở đó, ngay trên bến sông, nên ngày xưa, với bọn nhỏ chúng tôi, chuyện bơi lội, ngụp lặn trong dòng nước trong mát là chuyện diễn ra hàng ngày. Và, cũng chính cái bến sông ấy đã in đậm trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu điều lý thú. Nào những buổi chiều, hò reo, đá bóng, rồi đứa nào đứa nấy mệt nhoài, lăn ra, nằm phơi mình trên cát. Nào những buổi trưa mỗi đứa một góc, lặng im ngồi thả câu, câu những chú cá mương - loài cá háu mồi và con nào con nấy trắng phau, kéo nhau từng đàn, lượn lờ trên mặt nước.

Tôi yêu tiếng mái chèo khua lộp cộp trên sông, yêu những con thuyền ngược xuôi và yêu cả tiếng hò của ai đó vọng lại trên dòng sông trong những đêm thanh vắng. Bến sông - đó là nơi vào những đêm trăng, các cô gái đi gánh nước về nhà với chiếc đòn gánh cong cong và hai thùng nước ở hai đầu cứ chao chao, sóng sánh ánh vàng. Bến sông - nơi người lái đò này già lại có người kia thay thế để rồi ngày ngày đứng ở bờ bên này nghe bờ bên kia có tiếng ai vọng tới: Đò ò ò… ơi!

Bến sông quê tôi - những năm chiến tranh, các chàng trai và các cô gái, từ đây, vẫy tay, xuống thuyền lên đường nhập ngũ, để rồi cũng tại đây, khi trở về, ai nấy ôm chầm lấy những người mẹ, mặc cho nước mắt lăn dài xuống má vì quá mừng vui.

Tôi rời quê xuống phố thị năm lên mười chín, rồi vì chuyện học hành, mưu sinh nên trở thành người lỗi hẹn cùng cô hàng xóm nhỏ hơn mình một tuổi, tóc mượt như tơ. Giờ em tay bế, tay bồng, và mỗi lần về bến sông xưa, tôi bước đi mà lòng cứ chạnh lòng…

Chiều nay tôi lại về. Bên kia bờ vẫn dâu, bắp xanh rờn. Vẫn êm êm những con thuyền nhỏ trôi trên dòng nước xanh trong. Dạo bước, bất ngờ thấy một người đàn ông tóc trên đầu bạc trắng đang ngồi trên mô đá sát mép sông. Lân la, trò chuyện, mới hay, người đàn ông ấy ở tận làng bên, thời chống Pháp đã đi bộ đội và từng đóng quân rồi yêu một thôn nữ ở làng tôi. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông đi tập kết cùng đơn vị. Nơi bến sông này, trước khi bước xuống con thuyền về xuôi, ông đã nắm tay cô và hẹn: 2 năm sau sẽ trở về. Nhưng thời gian trôi đi không phải hai năm mà là hai mươi năm, đất nước mới hết chiến tranh. Ngày hòa bình, ông trở lại chốn cũ thì nghe tin người xưa đã vĩnh viễn ra đi trong những ngày đạn bom ác liệt. Bây giờ tuy đã già, nhưng không thể quên chuyện năm nào nên thỉnh thoảng ông lại tìm đến nơi này…

Tôi rời bến sông mang theo câu chuyện của người đàn ông tóc bạc. Gió chiều rười rượi tràn qua con dốc gập ghềnh. Từ bên kia bờ, có tiếng ai đó đang gọi với sang: Đò… ò… ò… ơi!

HOÀNG NHẬT TUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về bến sông xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO