Hồ sơ - Tư liệu

Về cây cầu Câu Lâu xưa

LƯU ANH RÔ 01/03/2025 09:00

Nhiều tư liệu xưa nói về sự ra đời của cây cầu Câu Lâu (Điện Phương, Điện Bàn) thời Pháp. Đọc tư liệu và khảo sát thực địa hai cây cầu hiện hữu, chúng ta nhận ra nhiều điều thú vị...

Hình ảnh Pasquier cùng tùy tùng dưới chân cầu Câu Lâu hôm khánh thành (3 người đứng). Ảnh tư liệu
Hình ảnh Pasquier cùng tùy tùng dưới chân cầu Câu Lâu hôm khánh thành (3 người đứng). Ảnh tư liệu

“Một nỗ lực phi thường”

Trước khi Pháp xâm lược Việt Nam, mỗi khi vượt qua “dòng sông Mẹ” Thu Bồn, người Việt phải dùng ghe thuyền và gặp rất nhiều hiểm nguy mỗi mùa nước lụt về.

Cuối thế kỷ 19, khi khảo sát thiết lập đường dây điện thoại qua Quảng Nam, Camille Paris vừa ngạc nhiên, vừa thú vị với cảnh trí quanh làng Câu Lâu xưa. Sau đó ít lâu, người Pháp thiết lập chiếc cầu đầu tiên vượt dòng sông lớn này.

Camille Paris cho biết rằng, sông Mỹ Xuyên (Thu Bồn) có chiều rộng lên tới 1.000m, chỗ nước cạn là 450m và đây là đường sà-lúp thường qua lại từ Đà Nẵng đến Hội An.

Camille Paris đã say đắm vẻ đẹp của các guồng xe nước hai bên bờ sông, “guồng gồm hai bánh xe có đường kính từ 3 đến 4 mét và được nối với các ống tre hở chỉ một bên. Các ống tre chứa đầy nước khi bánh xe quay xuống sông và tự động nghiêng vào một đoạn ống dẫn đến các con mương”.

Để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, người Pháp tính xây dựng các cây cầu tại miền Trung từ khá lâu nhưng không dễ gì thực hiện được, nhất là cầu qua sông Thu Bồn.

Bởi theo Pierre Pasquier - Toàn quyền Đông Dương, trong một tài liệu ghi chép và in kèm nhiều hình ảnh do chính ông chụp về các cây cầu được Pháp thiết lập tại Trung Kỳ thì vào mùa nước lũ, Thu Bồn đã tải khối lượng nước khổng lồ và chảy xiết đáng sợ, đạt 15.000m3/giây, gây nhiều tai nạn trong mùa lũ, đó là chưa nói việc chờ đò là rất lâu.

Từ năm 1928, người Pháp tiến hành xây dựng cầu Câu Lâu (cầu Chợ Củi). Họ sử dụng nhân công người Việt dưới sự hướng dẫn của kỹ sư Pháp (đây là lần đầu tiên người Pháp sử dụng người Việt vào công việc yêu cầu tính kỹ thuật cao như vậy).

Pasquier cho biết đây “là một nỗ lực phi thường mà những con số không đủ phản ánh giá trị của sự nỗ lực mà các kỹ sư đã vượt qua. Những trận lũ quét đã làm chậm trễ các công trình, có khi nó phá hủy cả một công trình đã tốn bao công để xây dựng; ngoài ra còn phải chống đỡ với dòng nước làm xói mòn bờ sông và đổi dòng chảy.

Việc mở rộng cho người bản xứ tham gia xây dựng các công trình, đã đánh dấu một giai đoạn mà chúng ta đã chinh phục được lòng dân, vì như chúng ta đã biết, người dân đất Quảng là xứ sở của các bậc sư nho, từng tạo được một tâm lý chống đối các chính sách của chúng ta”.

Lời răn đe

Lúc 15h ngày 21/6/1929, Toàn quyền Đông Dương và đoàn tùy tùng từ Tòa Công sứ Hội An lên làm lễ khánh thành cây cầu Câu Lâu tại phía Điện Bàn.

z6331332875974_2045a7e22ce050eeed917b2af3eba479.jpg
Hình ảnh được xem là mố cầu Câu Lâu thời Pháp thuộc (gần với cầu mới) về phía hạ lưu ở Điện Bàn (chỗ vòng màu xanh). Ảnh: LƯU ANH RÔ

Hôm ấy, Pasquier có vẻ xúc động và hãnh diện khi đọc diễn văn ca ngợi thành tựu vượt bậc về câu cầu này, về tinh thần hợp tác Pháp - Việt, xem đây là minh chứng cho sự tiến bộ của xứ An Nam!

Ông nói rằng: “Hôm nay, sự có mặt của tôi trên con đường cái quan này, con đường quốc lộ của xứ Đông Dương thể hiện một sự tiến bộ mới mẽ trong sự hợp tác về mặt khoa học của các kỹ sư chúng ta với lao động người bản xứ.

Trong lúc chờ đợi có đường sắt, để đảm bảo việc giao thông trong cõi Đông Dương, chính quyền nghĩ đến việc tạo điều kiện cho việc đi lại được nhanh chóng và thuận lợi hơn mỗi ngày.

Vào cuối năm 1930, sẽ không còn một con đò ngang nào trên đoạn đường cái quan từ Đà Nẵng đến Nha Trang, loại bỏ hẳn các con đò ngang tại Chợ Củi này...”.

Đáng chú ý, lồng vô bài phát biểu tại Câu Lâu, Pasquier không quên răn đe những người cộng sản Quảng Nam – Đà Nẵng đang hoạt động rất mạnh mẽ lúc bấy giờ.

Thời điểm này, tại Quảng Nam và ngay tại nơi ông ta đang đứng đã có đầy đủ 3 tổ chức cộng sản hoạt động rất sôi nổi.

Cụ Nguyễn Thúy, gốc làng La Thọ thuộc huyện Điện Bàn, là đảng viên Đảng Tân Việt cách mạng của Quảng Nam từ 1929, trong hồi ký của mình, nhớ lại: “Nghỉ hè tháng 6/1929, tôi về nhà có vào chợ Gò để gặp anh Kỳ, do đó mà biết được anh Lệ Lự, Lê Lương cũng học ở trường Dòng ở Huế về.

Anh Nguyễn Thành ở Bất Nhị tôi cũng có đến thăm, những người là đảng viên của các tổ chức Đảng tại Quảng Nam lúc bấy giờ chủ yếu đến từng nhà, thông qua các mối quan hệ mà tuyên truyền cách mạng.

Việc tuyên truyền của tôi lúc này chưa có tác động gì bao nhiêu, vì tôi cũng chưa biết được gì nhiều. Hơn nữa, người ta thấy bọn Pháp và Nam triều còn mạnh quá, chưa dám nghĩ đến việc đánh đổ chúng”.

Được biết, thị xã Điện Bàn đang xem xét biến cây cầu Câu Lâu cũ (xây dựng lại vào thập niên 60 của thế kỷ 20), thành một điểm tham quan du lịch. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, theo tôi những tài liệu về cây cầu thời thuộc địa sẽ là những minh chứng sống động cho ý tưởng này.

Tôi tìm đến dấu vết hai mố cầu Câu Lâu thời Pháp thuộc như Pasquier tả, hiện chúng cách cầu Câu Lâu mới về phía hạ lưu chừng 500m về phía Duy Xuyên, với vài mố đất đá và cây dại.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về cây cầu Câu Lâu xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO