(Xuân Tân Sửu) - Lại một cái Tết nữa đang đến rất gần. Cũng là cái Tết thứ ba em xa nhà đằng đẵng. Vài ngày trước, bà chủ ngỏ ý hỏi em có muốn về Việt Nam ăn Tết. Em nhớ hình như lúc ấy em chỉ cười, cái cười có vẻ nhạt lắm. Tối hôm qua, khi bà nội gọi điện nói chuyện, chao ôi, sao mà thèm cái cảm giác được về nhà ăn Tết đến thế.
Nội nói cây mai em trồng hồi trước, Tết nào cũng nở nhiều hoa lắm. Mà toàn đợi vào đúng hai chín, ba mươi Tết mới bắt đầu bung nở. Rồi thì Tết này nội gói bánh chưng vuông nhân thịt với đỗ xanh mà chị em mình rất thích. “Rứa mà, chẳng có đứa mô về nhà ăn Tết”. Nội làm mứt dừa, mứt gừng ngào với đường thơm lừng. Nội làm bánh in, bánh lăn năm nay mịn hơn, dẻo hơn năm ngoái… Em nghe mà cảm tưởng Tết như đến ngay trên đầu lưỡi mình rồi.
Ôi, cái món mứt dừa của nội mới ngon làm sao. Chiếc bánh chưng nội gói mới xanh dẻo làm sao. Tuổi nội giờ đã ngoài tám mươi. Tay nội chắc không còn khỏe để buột chặt dây lạt cho bánh. Nội cũng không thể tự bưng được cái nồi nấu bánh to oạch, nặng trịch như hồi mấy chị em còn bé nữa.
Hồi ấy, nội có má cùng khiêng cái nồi bánh nhấc lên cái bếp mới dựng bằng ba hòn đá. Hồi ấy, ba chị em xúm xít chạy đi lấy củi, giúp nội giúp má xách nước. Hồi ấy, lúc đêm ngồi canh nồi bánh, em nhớ chị còn ngủ gật, mái tóc dài đen mượt của chị suýt thì bị cháy xém vì bén lửa… Bao nhiêu kỷ niệm của cái thời “hồi ấy” đó khiến mắt em cay xè. Biết bao giờ cho em được trở lại cái thời “hồi ấy”.
Em vẫn nhớ ba đi chia thịt heo về ăn Tết, bao giờ cũng kiếm bằng được cái bong bóng heo cho mấy chị em thổi chơi. Em nhớ cả những lần ra giếng kéo dây gàu, múc nước cho má giặt quần áo Tết. Từ lúc má phơi những bộ quần áo mới lên dây, chốc chốc, em lại chạy ra sờ xem đồ mới sắp khô chưa. Có khi sờ nắn nhiều quá, quần áo mới dính thêm vài vệt bẩn. Cũng chẳng sao. Chỉ cần có bộ cánh mới để diện ba ngày Tết, để đi khoe đám bạn là em thấy khoái chí rồi.
Bây giờ, khi em đã có thể tự sắm cho mình những bộ quần áo ưng ý; khi đã có điều kiện để có thể mua tặng má một xấp vải mới có in hình hoa văn mà má thích; mua tặng má một đôi guốc cao gót mà ngày ấy mỗi lần có dịp dắt em ngang qua tiệm giày, má đứng nhìn, xuýt xoa khen đẹp, định hỏi để vào xỏ thử, nhưng rồi má lại dắt tay em rời đi thật nhanh; khi đã có thể mua tặng nội một chiếc áo nhung ấm áp để mặc những ngày đông giá lạnh; có thể mua cho đứa em gái út chiếc bút mực xịn và đẹp… thì em lại chưa một lần sum họp cùng gia đình, hoặc giả như có một chuyến trở về sum họp, thì em cũng không thể gặp lại một người. Một người giờ xa lắm. Một người dù còn vương vấn thương yêu nhưng đã “ở riêng” nhiều năm nay. Không biết ngôi nhà ấy ngày rằm, ngày lễ, Tết có ai đốt lên nén nhang thơm ấm, có ai thay cho lọ hoa mới. Giữa cánh đồng mênh mông gió thổi, không biết má có lạnh…
Nghĩ đến đó thôi, nước mắt em ứa ra. Lòng em ước gì Hàn Quốc và Việt Nam chỉ cách nhau một con đường chỉ dài bằng con đường từ nhà mình đến nhà nội. Để ngay lúc này đây, em có thể đạp xe hoặc chạy bộ về nhà. Về để gặp lại nơi lưu giữ những kỷ niệm lấm láp tuổi thơ; về giữa những nồng ấm của vòng tay nội và tìm hình bóng má lẩn khuất đâu đó trong từng góc bếp, mảnh vườn; về để bưng giúp nội nồi bánh chưng trên bếp…
Không hiểu sao, trời cứ còn chần chừ chưa sáng… Ở Việt Nam, Tết đã - đang - ở rất gần… “Xin phép ông bà, cho tôi được về quê ăn Tết”. Em tập đi tập lại việc diễn đạt câu nói ấy bằng tiếng Hàn sao cho thật biểu cảm, sao cho thật tha thiết và chân thành. Em tin mình sẽ được đón nhận cái gật đầu rất nhẹ và cả một cái ôm rất thân tình. Đợi em về chị nhé!
Đọc đến dòng cuối thư em gửi, tôi click chuột đóng Gmail lại. Tôi sẽ dọn dẹp tinh tươm căn phòng của em. Sẽ bày ở đó một cành mai nho nhỏ như niềm yêu thích của em từ khi còn ở nhà.
Tôi sẽ đợi và Tết cũng sẽ đợi. Mùa xuân đang ở rất gần. Niềm vui cũng tới rất gần…