Về chơi ở quê

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 23/04/2022 09:27

Ngày nay, xã Bình Dương (Thăng Bình) trở thành điểm đến được nhiều người yêu thích vì không gian thoáng rộng, gần gũi thiên nhiên...

Lạc Câu được đầu tư du lịch bài bản.
Lạc Câu được đầu tư du lịch bài bản.

Ít có nơi nào như xã Bình Dương có nhiều trảng và bàu đến vậy. Nào là trảng Động, trảng Trầm, Bàu Bính, Bàu Gộc, rồi lại trảng Dài, trảng Mó… Xã vùng cát ba lần anh hùng đó trong thời chiến gắn liền với nhiều trang viết của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, gắn liền với những lớp học trong hầm chữ A dưới bóng hai cây dương thần, gắn liền với nhưng trận càn quét kinh hoàng trong chiến tranh từ sau Tết Mậu Thân 1968 cùng những trận đói đến rã người mà nhà văn Hồ Duy Lệ từng khắc họa.

Sau năm 1975, cũng ở vùng đất ấy đã mọc lên những rừng dương hàng trăm hecta để chống cát bay, dành đất cho trồng tỉa và chắn gió từ biển vào. Tôi có nhiều người bạn từng là doanh nhân, kỹ sư đã sinh ra, sống sót sau nhiều trận càn quét và lớn lên trong chiến tranh ở đó. Nhiều người đi làm ăn xa, nhưng cũng có người ở lại với quê, góp phần xây dựng một Bình Dương trở thành xã nông thôn mới từ năm 2021.

 

Cách đây chục năm, kỹ sư Phan Đức Tư đưa tôi về Lạc Câu quê anh chơi. Anh đưa ra khu vực trảng Trầm xem trang trại nuôi bò, đào ao thả cá và được mẹ anh, cụ Lê Thị Thà, cũng là cựu du kích, đãi mấy món cá cùng cháo hàu sông Trường Giang. Trang trại hồi đó hoang sơ lắm. Trong bữa trưa hôm đó, cụ Thà nói nhiều đến ngôi nhà sắp được xây mới, đến đàn chim trĩ, gà thả vườn Tư đưa về nuôi, nói về món nước mắm ngon nổi tiếng Cửa Khe và chợ Lạc Câu đông vui gần đó.

Lần này tôi về lại thăm vợ chồng cụ Thà và thăm khu du lịch rộng hơn chục hecta mà Tư đã đầu tư vài năm nay. Từ trang trại vài chục con bò năm xưa, giờ đã là những ngôi nhà gỗ gạch lộng gió, những phòng ngủ có cả máy lạnh cho khách ở lại, mở cửa ra là phong lan, hoa súng nở tím ven hồ. Những hồ nước rộng nuôi hàng vạn con cá diêu hồng có nhà sàn trên mặt nước để khách ngồi câu. Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà cổ Tư dành riêng tiếp khách bên một hồ tắm rộng mấy trăm mét vuông, chỉ cần nhấc điện thoại thì mấy phút sau đã có đủ thức ăn, thức uống của nhân viên gần đó mang tới.

 

Mấy người khách không hết lời bình phẩm: “Không ai nghĩ cái đất Lạc Câu cát bỏng ni mà bây giờ đường sá, điện nước đầy đủ, có cả chục công ty tư nhân gắn bó với quê hương”. Với những đổi thay ấy, Phan Đức Tư cho biết: “Trước hết phải nói đến tác động của cây cầu mới băng qua hạ lưu Cửa Đại và con đường ven biển, nó mở lối cho cả vùng cát phía đông Duy Xuyên, Thăng Bình phát triển. Ngoài kia các khu du lịch, nghỉ dưỡng hàng chục triệu đô la mở ra như Nam Hội An, Vinpearl nườm nượp du khách… Lạc Câu không phát triển mới là lạ”.

Đi cùng tôi còn có bác sĩ đông y Trương Văn Huy đang muốn đến thăm để tìm nơi xây dựng một trung tâm dưỡng lão mà anh hằng mong ước. Huy đề nghị hợp tác với Tư mở rộng khu du lịch trảng Trầm này để kết hợp một khu dưỡng lão thì không gì lý tưởng bằng. Hy vọng rằng, giữa đại dịch chưa biết bao giờ chấm dứt, du lịch về làng quê cũng là “du lịch xanh” mà Quảng Nam và nhiều nơi đang hướng tới sẽ được du khách lựa chọn…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về chơi ở quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO