Sơn Trà là tiền án, tấm bình phong chắn gió của Đà Nẵng xét về mặt phong thủy. Nhưng Sơn Trà đang đối diện với nguy cơ bị “băm nát” bởi đề án “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà, TP.Đà Nẵng”. Và nếu cứ vậy, Sơn Trà cũng sẽ là nơi sơn cùng thủy tận đối với những con thú có “lòng nhân” - đàn voọc chà vá chân nâu được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng tại APEC 2017…
Voọc chà vá ở Sơn Trà. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ |
“Tiên hầu” có “lòng nhân”
Giờ thì những con voọc chà vá chân nâu - những con thú làm nên phần hồn của Sơn Trà - đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới. Nhưng có chút ngạc nhiên khi trong “Đại Nam nhất thống chí” - biên niên sử về địa lý của Việt Nam lại không có dòng nào nhắc đến voọc chà vá chân nâu hay khỉ, vượn nào đó tương tự. “Đại Nam nhất thống chí” chỉ viết ngắn gọn thế này: “Núi Trà (Sơn Trà – NV) ở phía đông huyện Diên Phước. Núi cao sừng sững giữa trời, luôn có mây mù tuôn ra, rừng cây rậm tối, hươu nai sinh sản từng bầy. Phía đông giáp biển, phía đông nam có dãy núi liền nhau, trông như hình con sư tử, tục gọi là núi Nghê (Nghê Sơn). Tương truyền trên núi có ngọc, ban đêm thấy ánh hào quang chiếu ra ngoài biển. Phía tây có đảo Mỏ Diều, có pháo đài phòng ngự ở đấy. Phía bắc có núi Cổ Ngựa đối diện với hòn Ngự Hải. Phía tây cửa biển là vụng Trà Sơn làm chỗ cho ghe thuyền đậu neo rất thuận tiện...”.
Không ảnh về toàn cảnh Sơn Trà thời điểm tháng 6.2016 và tháng 3.2017, khi khu nghỉ dưỡng của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa xây dựng. Ảnh: Tư liệu |
Tuy nhiên, phần viết về vùng giáp giới giữa Thừa Thiên với Quảng Nam, “Đại Nam nhất thống chí” có ghi nhận về một loài linh trưởng có tên là “Bạc mày” (còn gọi là “quả nhiên” - 猓然, “tiên hầu” - 僊猴...): “Quả nhiên là loại thú có (lòng) nhân, sinh sản trong rừng núi phía tây nam, sống ở trên cây, hình giống con vượn sắc đen, nhiều lông má, đuôi dài hơn mình, ở chót đuôi có hai chẽ, khi mưa thì lấy chẽ đuôi đút vào mũi, ưa đi cả bầy, con già đi trước, con trẻ đi sau, ăn thì nhường nhau, ở thì thương nhau, sống chung chạ nhau, chết chạy đến nhau. Liêu Tử bảo là có đức nhân nhượng hiếu từ. Tục gọi là quả nhiên, nay ở núi Hải Vân (giáp giới Thừa Thiên và Quảng Nam) có rất nhiều”.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, những ghi chép, mô tả của người xưa về muông thú đôi khi rất mơ hồ, con nọ lẫn với con kia. “Đại Nam nhất thống chí” lại căn cứ vào sách “Bản thảo” của Tàu để nhận diện loài bạc mày bản địa, thì dĩ nhiên không tránh khỏi sai lệch, nhầm lẫn. Tuy nhiên, xét một vài đặc điểm và tập tính sinh hoạt, có vẻ như loài linh trưởng được nhắc đến này, chính là voọc chà vá chân nâu nổi tiếng của Sơn Trà. Rất có thể địa vực cư trú, sinh sống của chúng vốn ở vùng núi Hải Vân. Nhưng do môi trường sống bị tàn phá, loài thú có “lòng nhân” này đã phải men theo dải đất mới để thực hiện một cuộc “đại thiên di” đến với bán đảo Sơn Trà - một vùng cây cỏ, núi non xinh đẹp và yên tĩnh?
Nhận định này càng có cơ sở khi ông Bùi Văn Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), người có hơn 10 năm gắn bó với những đàn voọc chà vá chân nâu trên đỉnh Sơn Trà - cho biết: “Theo các nhà khoa học, voọc chà vá chân nâu giống con người đến 98% hệ gen. Và theo quan sát nhiều năm của tôi, về tình cảm, yêu thương, sự sẻ chia, những người hàng xóm... có lẽ còn có tình người hơn... nhiều người trong chúng ta”. Câu chuyện “tình cảm” hay “lòng nhân” của loài voọc này còn được các nhiếp ảnh gia kể lại bằng những bức ảnh về ánh mắt tuyệt vọng. Hay, trong những bức ảnh của tác giả Nguyễn Đăng Đệ, bên cạnh tình mẫu tử đương nhiên, chúng còn có “tình cha con” – điều chỉ có ở động vật bậc cao. Hoặc những bức ảnh, thước phim, chuyện kể kiểu “ngàn lẻ một đêm” của nhà báo Đặng Thu Thủy (Phòng thời sự Đài PTTH Đà Nẵng) về những con voọc giao hợp với nhau theo những tư thế chỉ có ở… con người; là hình ảnh voọc cha, voọc mẹ chăm sóc, ôm ấp, dỗ dành voọc con; là hình ảnh giận dỗi, vui đùa, sum vầy… của gia đình nhà voọc qua triển lãm “Sơn Trà nhà tôi”...
Thủy tận, sơn cùng?
Theo ông Bùi Văn Tuấn, hiện trên Sơn Trà có khoảng 300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Đây là một trong những quần thể voọc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, lại sống trong điều kiện dễ quan sát và bảo tồn nhất thế giới. Trước đây voọc phân bổ đều trên bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, do việc mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường đi xuyên và vòng quanh bán đảo, cùng với việc xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… ở phía đông nam nên voọc bị dồn hết về phía tây bắc.
Nhưng ở những cánh rừng phía tây bắc, voọc cũng không được yên thân, bởi theo như đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà” do Tổng cục Du lịch thực hiện, khu vực tây bắc của Sơn Trà có đến… 32 dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng! Trong đó có các dự án “Cụm nghỉ dưỡng số 4 và 5; Khu nhà nghỉ sinh thái trên cây và khu Trường Mai” rơi đúng vào nơi đang là lãnh địa khu trú của hơn 160 cá thể voọc! Mới nhất, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Biển Tiên Sa đang làm “dậy sóng” dư luận cũng là nơi cư trú của nhiều cá thể voọc. Câu hỏi đặt ra là, gần 200 cá thể voọc này sẽ chạy đi đâu khi cả 5 dự án này thành hiện thực? Và nếu có trụ lại được thì chắc chắn cũng sẽ đối diện nguy cơ diệt vong bởi sự chia cắt về không gian sống sẽ dẫn đến suy thoái do quan hệ “hôn nhân” cận huyết.
Theo nhà lâm học Hoàng Đình Bá, nguyên Phó Trưởng ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, thì “án sa” - tấm bình phong Sơn Trà đã và đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng do tình hình xâm chiếm đất đai trái phép và có phép diễn ra ngày càng táo tợn, khiến động vật quý hiếm như voọc chà vá chân nâu bị uy hiếp không chỉ bởi nạn săn bắn mà nay còn bị hạn chế nơi sinh sống, nguồn thức ăn dần cạn kiệt. Trong khi đó, việc quản lý rừng của chúng ta vẫn còn quá nhiều lỗ hổng. Ông Bá dẫn chứng: Năm 1987, Sơn Trà có 22,5ha bị trọc. Theo nguyên tắc, số đất này phải do cấp tỉnh và Trung ương phê duyệt mới được sử dụng. Tuy nhiên đến nay tất cả diện tích đất này đã bị hơn một nghìn người khai thác vô tội vạ. Rừng Sơn Trà đã bị xâm hại nghiêm trọng, người dân biến rừng thành rẫy tư nhân, tự do trồng và hoạt động kinh doanh, thậm chí là xây dựng nhà để hưởng đền bù.
Một dẫn chứng khác liên quan đến chuyện quản lý có vấn đề: Sau 2 năm thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41-TTg ngày 24.01.1977 gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia, có diện tích khoảng 4.000ha. Với lệnh đó, 17 năm sau, ngày 2.10.1992 Bộ Lâm nghiệp ra Quyết định số 447/LN-KL xác định Sơn Trà có tổng diện tích là 4.439ha để Chính phủ nắm rõ diện tích cụ thể mà điều hành và đổi tên “rừng cấm” thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tuy nhiên, năm 2008, UBND TP.Đà Nẵng ban hành Quyết định số 6758/QĐ-UBND ngày 20.9.2008 về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2008 - 2020. Và từ chỗ Chính phủ gọi Sơn Trà là rừng cấm quốc gia có 4.000ha, Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) gọi Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích cụ thể 4.439ha, thì với Quyết định 6758 này của Đà Nẵng, Sơn Trà chỉ còn duy nhất loại rừng là rừng đặc dụng với diện tích toàn bộ là 2.591ha! Điều này đồng nghĩa với việc Sơn Trà bỗng dưng “mất” 1.847ha rừng mà Chính phủ và bộ chủ quản đã thừa nhận bằng văn bản nhiều năm trước đây...
Voọc chà vá chân nâu đã được truyền thông trên nhà chờ xe buýt ở 25 điểm khắp Đà Nẵng và trên thiệp chúc tết của chủ tịch thành phố, hơn 100.000 bì lì xì trong tết cổ truyền… và mới đây chính thức được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng tại APEC 2017 sắp tới. Và cũng chính Đà Nẵng, rất có thể, một lần nữa tiếp tục dồn đuổi loài “Tiên hầu” hiền lành có “lòng nhân” này vào chốn thủy tận sơn cùng. Bởi với bối cảnh Sơn Trà - vương quốc của voọc chà vá chân nâu bây giờ, phía tây không còn đường lùi, mà phía đông thì chỉ thấy mênh mông biển cả!
Ghi chép của HOÀNG VĂN MINH