Sông Đầm - Bãi Sậy là tài nguyên trời phú, với hệ sinh thái đầm phá hiếm hoi nằm gần như trong lòng đô thị Tam Kỳ. Vùng đất này giàu tiềm năng du lịch với các loại hình du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái sông nước gắn với cộng đồng… Tuy nhiên hiện nơi đây vẫn như “nàng tiên” xinh đẹp ngủ quên.
Sông Đầm. Ảnh: Hải Hoàng |
Gọi là Sông Đầm bởi nguyên thủy nó là vùng đầm rộng lớn trải rộng từ xã Tam Thăng đến phường An Phú, diện tích hơn 68ha mặt nước được bọc giữa hai dòng sông chảy hướng ra biển, vừa là đầm vừa là sông. Theo hồ sơ di tích Sông Đầm - Bãi Sậy, toàn bộ diện tích đầm phá này lau sậy mọc um tùm, xanh ngút tầm mắt, các loài chim hội tụ về đây hòa quyện cùng trời xanh, mây trắng tạo khung cảnh đồng quê nên thơ hữu tình tuyệt đẹp. Đầm - Sông thông thoáng nước chảy hiền hòa, mực nước đầm sâu gần 2m, có nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, giá trị thiết thực đối với đời sống. Còn Bãi Sậy gắn với câu chuyện khá thú vị của vùng đất đầy gian lao và anh dũng này. Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng lau sậy um tùm của Sông Đầm với địa hình, địa thế thuận lợi làm nơi che chắn, luồn lách ẩn nấp giấu quân sát nách địch, vừa tránh địch càn quét vừa là nơi cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho các đơn vị vũ trang, quân chủ lực V12, V18, đơn vị đặc công E70, E72, E74 và lực lượng du kích vùng đông Tam Kỳ đánh địch. Vì vậy, tên Bãi Sậy được gắn với Sông Đầm, trở thành Di tích Lịch sử tỉnh Quảng Nam, một thành phần làm nên Di tích Lịch sử - văn hóa quốc gia Địa đạo Kỳ Anh.
Hiện nay, khu vực này đã được TP.Tam Kỳ quy hoạch phát triển du lịch. Song vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, tiềm năng thế mạnh này vẫn chưa được đầu tư khai thác như mong đợi. Hiện trạng Sông Đầm, sậy không còn mọc thành bãi, mà chỉ còn rải rác. Sinh thái vùng đầm cũng bị xâm hại do nhiều năm trước chưa được quản lý chặt chẽ. Người dân vì kế sinh nhai hành nghề đánh bắt thủy sản cạn kiệt, thả rông trâu bò... tác động bất lợi đến hệ sinh thái. Gần đây, nhờ sự quan tâm quản lý, tình trạng trên đã được cải thiện, đặc biệt nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái lòng hồ và các loài chim đã bắt đầu trở lại, góc bên đầm một mảng sen xanh xuất hiện đầy sức sống như làm dịu bớt sự trống trải sông, đầm. Thành phố cũng tích cực kêu gọi đầu tư du lịch vào khu vực này.
Sen bắt đầu xanh lên ở Sông Đầm. Ảnh: Hải Hoàng |
Thiết nghĩ, việc bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử Sông Đầm - Bãi Sậy, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn với cộng đồng đã trở nên cấp thiết, tất nhiên phải có lộ trình, bước đi thích hợp bởi phụ thuộc nguồn lực đầu tư. Theo suy nghĩ của chúng tôi, trong khi chờ những dự án lớn, trước mắt UBND TP.Tam Kỳ cần triệt để ngăn chặn các tác động nguy hại môi trường cảnh quan khu vực, đầu tư thả cá giống các loại, khoanh diện tích đầm thích hợp, phục hồi bãi sậy, trồng mới xen kẽ cây dừa nước theo hướng hình thành khu cảnh quan du lịch đa dạng. Có thể tiến hành nạo vét lòng đầm tạo thành hồ tại những diện tích mặt nước quy hoạch cho mục đích hồ sinh thái đô thị, kè chống bồi lấp, sạt lở. Trong tương lai có thể tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái - cộng đồng, như ven bờ xây dựng những căn nhà đơn giản truyền thống bằng vật liệu tự nhiên, không gian lưu trú homestay, phục vụ lưu trú, sinh hoạt theo phong cách dân dã. Xây dựng không gian khu vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian ngoài trời, khu văn hóa - thể thao, ẩm thực... tạo điểm đến hấp dẫn thu hút du khách khớp nối cùng điểm du lịch khác của Tam Kỳ.
Vấn đề đặt ra là cách làm và quyết tâm thực hiện. Hy vọng tương lai gần, “nàng tiên” Sông Đầm - Bãi Sậy sớm thức dậy hòa cùng sự phát triển mạnh mẽ của đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ, góp phần thúc đẩy du lịch thành phố thành ngành kinh tế mũi nhọn.
NGÂN HÀ