Về đây, ngao du làng quê xứ sở

TÙNG LÂM 20/02/2022 06:39

Nhà văn Lê Trâm đưa người đọc rong chơi hầu khắp làng quê xứ Quảng, từ miền sông nước Thu Bồn, Rù Rì đến miền di sản Hội An, Mỹ Sơn hay vùng trung du Tiên Phước hoặc miền núi cao Hiên - Giằng xưa..., qua 24 câu chuyện thú vị trong tập bút ký và tạp bút “Rơi một nốt trầm”.

Bìa tập sách “Rơi một nốt trầm”.
Bìa tập sách “Rơi một nốt trầm”.

Bằng giọng văn mềm mại, chậm rãi, giàu biểu cảm như vốn dĩ, Lê Trâm để lại dấu ấn trong lòng độc giả qua “Rơi một nốt trầm” những bài viết về những vùng đất, làng mạc, suối khe ở Quảng Nam với nhiều thông tin lý thú.

Thử theo lời mời gọi của anh: “Mùa này, xuân, phải về Hiên - Đông Giang - Tây Giang thôi!” (Em người Hiên trên môi người Hiên, trang 63), người đọc được về với đại ngàn thâm u, kỳ diệu trong những năm đầu Quảng Nam tái lập tỉnh, người dân thì cực kỳ hiếu khách, đến nỗi đến nhà nào cũng được mời rượu đến say mèm.

Vùng đất bí hiểm ngày ấy, bây giờ có thêm những khu du lịch, làng du lịch cộng đồng quyến rũ: Cổng trời Đông Giang, Đỉnh Quế, rừng pơmu nguyên sinh, rừng đỗ quyên…

Và đây, cùng anh vòng quanh phố Hội trong mùa dịch Covid (Hội An, rơi một nốt trầm, trang 126). Giọng anh nhẹ như không, mà sao nghe xót xa trước sự đối nghịch của Hội An thời “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” và Hội An lạ lẫm vì “vắng đến rợn”, để rồi anh “đứng bần thần bên con dốc nhỏ ngược lên Chùa Cầu cứ nghĩ vẩn vơ mãi.

Lòng thiết tha mong đây chỉ là nốt trầm hiếm hoi buồn bã vọng lên từ một nơi chốn quyến rũ như Hội An. Hẳn rất yêu và hiểu Hội An, anh mới có thể đánh rơi “nốt trầm” của lòng mình, rất nhẹ mà rất sâu, như thể sợ làm đau Hội An, giữa lòng phố cổ như vậy.

Có vẻ như Lê Trâm luôn dành tình cảm đặc biệt với từng làng quê xứ sở. Anh yêu thương, nâng niu nơi anh từng gắn bó một thời tuổi thơ hay thời thanh xuân, chủ yếu là các địa danh ở Quế Sơn như: Dấu ấn làng Đồng Tràm, Trà Đình không “tửu điếm”, Hương An một thuở, Về một nhánh sông lạ…, thì hẳn nhiên rồi; nơi anh hẹn hò, gặp gỡ bạn bè, hoặc thoáng qua, cũng để lại tình cảm dạt dào trong anh như “Ở nơi tứ bề sông nước” (xã Tam Hải, Núi Thành), “Về xứ Tiên và… hẹn”.

Đường lên Tây Giang. Ảnh: ALăng Ngước
Đường lên Tây Giang. Ảnh: ALăng Ngước

Sở dĩ anh cứ hẹn viết gì đó với xứ Tiên nhưng chưa thành là bởi anh “vốn dễ ngợp trước cái đẹp”. Xứ Tiên, đẹp và níu chân người, như “lần nào qua đây (quãng râm mát ở Tiên Châu - NV), chúng tôi cũng dừng lại để cảm nhận hết cái dịu mát của đất trời”, nên anh càng ngại ngần, “sợ viết ra những con chữ không tương xứng với đất và người”.

Để ý, với bất kỳ vùng đất nào, ngòi bút của anh cũng khơi mở được nhiều vấn đề về quá khứ, hiện tại, tương lai và những giá trị văn hóa khá độc đáo, riêng biệt của từng vùng đất xứ Quảng. Đặc biệt, cách thức thể hiện và văn phong của nhà văn gần gũi, dễ tạo được sự đồng cảm ở người đọc.

“Rơi một nốt trầm” (144 trang, NXB Hội nhà văn, quý 1.2022) là tập sách thứ 13 của nhà văn Lê Trâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1998 đến nay, anh xuất bản 5 tập truyện ngắn (Lai lịch một thành hoàng, Bức tranh gửi lại, Một giấc hồ điệp, Phía gió biển không còn ai, Đêm nguyệt bạch); 3 truyện dài (Tý cô nương, Bức tranh gửi lại, Mơ về phía chân trời); 1 tiểu thuyết (Bến cạn); 1 tạp văn (Về yêu xứ rượu hồng đào); 1 tập tiểu luận và tạp văn (Nghe vọng tiếng đồng), 1 tập tác phẩm và dư luận (Với hình bóng thời gian).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về đây, ngao du làng quê xứ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO