Vẻ đẹp kimono

TẤN VỊNH 23/08/2014 09:50

Như thường lệ, vào tháng 8 hàng năm, tại đô thị cổ Hội An lại tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa Nhật Bản - Hội An. Năm nay, lễ hội được tổ chức tại Hội An và đến tháng 10 tới sẽ được tổ chức tại Nhật Bản.

Phụ nữ Nhật trong trang phục kimono bên góc phố Hội An. Ảnh: T.VỊNH
Phụ nữ Nhật trong trang phục kimono bên góc phố Hội An. Ảnh: T.VỊNH

Mỗi dịp lễ hội, du khách và công chúng Việt Nam được chiêm ngưỡng một nét đẹp Á đông thuần khiết đến từ “xứ sở mặt trời mọc”, đó là bộ trang phục truyền thống kimono. Những giá trị truyền thống ấy được tái hiện như một thông điệp văn hóa để nhớ lại cách đây hàng trăm năm, các thương gia người Nhật đã đến cư trú, làm ăn tại phố cổ Hội An, một trung tâm thương mại nổi tiếng của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Trang phục kimono là biểu tượng cổ xưa của văn hóa Nhật. Đó là bộ trang phục phù hợp cho cả phụ nữ lẫn trẻ aem. Phái nam dùng kimono chủ yếu trong lễ cưới và buổi trà đạo, và kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn và màu tối hơn. Kimono làm từ những loại vải mát như lanh rất thích hợp cho mùa hè. Kimono không chỉ đơn thuần là trang phục mà là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Một bộ kimono hoàn chỉnh bao gồm nhiều bộ phận, chi tiết đi kèm. Đó là sự kết hợp giữa chất liệu vải, màu sắc, hoa văn, trang sức, nghệ thuật trang trí, sự kết hợp giữa dung nhan, dáng hình và phong thái của người mặc.

Một bộ kimono đúng chuẩn phải có sự trang trí hài hòa, tinh tế từ đầu đến chân để người mẫu nổi bật trong sắc phục truyền thống. Trên mái tóc của họ bao giờ cũng gắn những bông hoa, là loại trang sức gần gũi với thiên nhiên. Màu hoa, loại hoa cũng phải phù hợp với bộ trang phục được chọn và gương mặt, lứa tuổi. Hoa được bố trí hơi lệch sang một bên trái của mái tóc, làm cho gương mặt người mẫu thêm tươi tắn.

Chiếc áo kimono thường rất dài, một phần ôm lấy cơ thể người mặc, phần còn lại là hai vạt áo có chức năng thẩm mỹ, buông dài sang hai bên. Mỗi vạt áo đều trang trí nhiều hoa văn, họa tiết nổi bật. Có bộ bắt mắt nhờ màu sắc, những bông hoa; có bộ rực rỡ bởi hình vẽ mang tính hội họa, thêu cảnh vật bốn mùa hay họa tiết biểu tượng của sự may mắn. Vạt áo thường hơi dài so với chiều cao của người mẫu. Mỗi khi di chuyển thường có người đi theo từng bước chân để nâng đỡ vạt áo. Mỗi khi người mẫu dừng lại thì hai vạt áo được sắp xếp ngay ngắn, cân đối, tôn tạo những điểm nhấn, làm bộc lộ vẻ đẹp của người mẫu và trang phục đi kèm. Trên ngực trái luôn gắn thêm chùm tua, các dây màu được cài thắt một cách điệu nghệ để tạo nên vẻ đẹp đa dạng.

Điểm nhấn của bộ trang phục kimono chính là chiếc thắt lưng (obi). Chiếc obi cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân trang phục Nhật Bản. Đầu tiên nó được thiết kế để làm cho kimono được gọn lại, cố định nếp áo và sau đó đảm nhiệm thêm chức năng thẩm mỹ. Ngoài ra obi còn biểu hiện thành phần xã hội. Việc mặc kimono không hề đơn giản, phải có người am hiểu, có kinh nghiệm về trang điểm trợ giúp. Kimono truyền thống cần những nhà chuyên môn giúp đỡ người mẫu bởi mỗi bộ cần không dưới 90 phút để mặc. Cái khó nhất khi mặc kimono là lúc quấn chiếc obi vào eo lưng. Người Nhật có một thống kê thật thú vị là đến nay họ đã tích lũy được hơn 300 cách quấn obi khác nhau. Mỗi nhóm nghệ nhân, kỹ thuật viên ở mỗi vùng có một nguyên tắc, bài bản do người dân sáng tạo và tích lũy lâu dài mà có được. Obi là tấm vải lụa hoặc lanh có chiều rộng 20cm, chiều dài 2m, được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết truyền thống. Người ta lấy chiếc obi nhẹ nhàng quấn từng lớp, ôm chặt vào vòng eo của người mặc, tạo sự hài hòa, cân đối giữa thân hình và trang phục. Ở phía trước bụng và sau lưng, tại điểm thắt nút của tấm obi, tạo ra một đài hoa, nhìn trước nhìn sau đều hiện lên một vẻ đẹp lung linh, hoàn mỹ. Có người thắt hình chiếc trống, có cô giống hình chiếc nơ hay con bướm đang rũ cánh. Nếu kiểu thắt obi hình chiếc trống dành cho phụ nữ đã có chồng thì kiểu obi hình chiếc nơ là sự lựa chọn của các cô gái trẻ. Khi phụ nữ mặc kimono đi dự hội, thả bước khoan thai trên đường, họ thường che một chiếc dù trúc truyền thống trông rất sang trọng, nền nã. Hoặc khi biểu diễn thời trang, các cô gái thường cầm theo một cái quạt nhỏ với chùm tua buông xuống trông rất tao nhã, duyên dáng. Người mặc kimono phải đi guốc gỗ và mang bít tất tabi màu trắng. Kimono được mặc trong các dịp long trọng như đám cưới, năm mới, tiệc tùng quan trọng... Đó là một bộ trang phục mang tính chất nghi lễ, thể hiện nét tinh tế của phụ nữ Nhật Bản.

Trong Festival Huế - 2014, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản phối hợp với Hội Kimono Nhật Bản đưa 3 bộ kimono sang giới thiệu công chúng: furisode là loại dành cho nữ giới chưa kết hôn, kimono dành cho nghi lễ kết hôn và kimono giản lược gọi là yukata. Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tại Hội An, nghệ nhân kimono giới thiệu cho du khách cách mặc áo, quấn obi trước khi các người mẫu trình diễn thời trang. Trong vài năm gần đây, cô gái Nhật tên là Yoko Ishikawa đã mở shop thời trang Art Yoko - colo gần Chùa Cầu, Hội An. Hai loại trang phục truyền thống Nhật Bản là kimono và yukata được nhà thiết kế thời trang trẻ này ưu ái đưa đến Việt Nam. Yoko sưu tầm những chiếc kimono trên khắp Nhật Bản để giới thiệu với du khách. Qua mấy lần tổ chức giao lưu văn hóa Việt - Nhật, kimono và yukata, di sản thời trang của “xứ sở hoa anh đào” đã gây thiện cảm đối với các bạn trẻ ở Hội An và du khách quốc tế đến tham quan phố cổ. Người ưa thích khám phá thời trang mới lạ có thể chọn cho mình bộ trang phục kimono hoặc yukata, hay thuê mặc ngay tại chỗ để chụp ảnh lưu niệm bên Chùa Cầu (cầu Nhật Bản). 

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẻ đẹp kimono
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO