Hôi An trở thành dấu son trên bản đồ du lịch không phải chỉ là những ngôi nhà cổ hay không gian hoài niệm. Nơi ấy có bề dày vẻ đẹp văn hóa đa dạng của thương cảng cổ từng ghi dấu mối giao lưu, tiếp biến nhiều nền văn hóa. Nơi đó là sự hòa trộn sự trải nghiệm cùng nết ăn, ở và sống, vui giữa thiên nhiên mơ mộng hay giữa những người từ làng hay lên phố.
Bình yên phố cổ. |
Không phải ngẫu nhiên Hội An luôn được bình chọn vào top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới, bởi sở hữu cùng lúc các giá trị tổng hợp về biển, đảo và ẩm thực đường phố ngon thuộc hàng danh tiếng. Nhưng, chính công sức của nhân dân, những chủ nhân thực sự của di sản mới thực sự làm nên thương hiệu du lịch Hội An! Sức hấp dẫn của món bánh xèo, của mỳ Quảng, cao lầu... đã ngon miệng, no mắt lại càng làm say lòng người. Còn biển, đảo hoang sơ hút hồn vì sự sạch sẽ và nụ cười tươi tắn, thân thiện luôn nở trên môi người phố cũ…
Phố dường như bất chấp khó khăn khi vẫn bảo đảm lượng khách gia tăng hơn 20% ngay trong thời khủng hoảng. Ngành du lịch, dịch vụ, thương mại bao giờ cũng chiếm ưu thế từ việc doanh nghiệp mở rộng thị trường khai thác, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và cộng đồng cư dân làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ đã định danh thương hiệu bằng những sản phẩm đặc hiệu riêng có của vùng đất xưa.
Nhiều nhà quản lý nhận định, nói đến Hội An là nói đến du lịch - văn hóa. Nhưng cắt nghĩa “văn hóa Hội An” không phải là chuyện ngày một ngày hai và chẳng dễ dàng chút nào. Điều dễ nhận ra chính nhân dân luôn tự làm mới mình để tạo ra những sản phẩm lạ, hoặc chí ít cũng thay đổi “khẩu vị” của món ăn cũ để cuốn hút du khách, hay cùng nâng niu, gìn giữ hồn cốt các lễ hội. Họ hiểu, tạo nên bản sắc đã khó, giữ mãi còn khó hơn!
ĐỖ HUẤN