Về đích với Điện Bàn

CÔNG TÚ 23/04/2016 11:05

Quá trình cán đích nông thôn mới (NTM) của Điện Bàn dựa vào việc quy hoạch đầu tư dựa trên tiềm năng địa phương, đi sâu dân vận tạo sự đồng thuận, phát triển nông nghiệp thành kinh tế mũi nhọn...

Sức sống mới

Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, khu vực nông thôn của thị xã Điện Bàn ngày càng thay da đổi thịt.

Lòng dân đồng thuận

“Điện Quang là địa điểm cuối cùng mà tổ thẩm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về xây dựng NTM đặt chân đến. Khi đi tham quan, các thành viên đều ngạc nhiên trước diện mạo cơ sở hạ tầng của địa phương. Bắt đầu từ trong thôn, tổ, đường sá kiên cố hóa kéo dài thông suốt ngang dọc các cánh đồng. Rồi các thiết chế văn hóa, trường học hay trạm y tế đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, đáp ứng tiêu chuẩn quy định” - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Điện Bàn - Nguyễn Đức Chơi chia sẻ. Diện mạo cơ sở hạ tầng Điện Quang thay đổi góp phần thúc đẩy những tiêu chí khác cùng đạt chuẩn như đường sá thông thoáng, xe chở rác thải ra vào tiếp cận dễ dàng, là cơ sở tạo cảnh quan sạch - đẹp hơn. Mỗi hộ lại tiếp tục đóng góp để mua bóng điện thắp sáng ngõ hẻm, an ninh trật tự được đảm bảo. Theo đó, năm 2014, Điện Quang cùng với các xã Điện Trung và Điện Phong đã về đích trong xây dựng NTM. “Nhiều người từng đặt câu hỏi, do đâu mà 3 xã của vùng Gò Nổi, một miền quê bao đời cách trở về giao thông, thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lụt và nguồn sống phụ thuộc vào nông nghiệp lại có thể vươn lên như vậy. Chúng tôi thấu hiểu nội lực về tài chính của địa phương có hạn. Song ngược lại, sức mạnh từ sự đồng thuận của nhân dân là vô hạn. Vậy nên, câu đúc kết “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” được các cấp, các hội đoàn thể từ xã đến thôn linh hoạt vận dụng, phát huy triệt để” - một cán bộ làm công tác dân vận bày tỏ.

Nhờ nhân dân hiến đất, đường giao thông mới được mở rộng và kiên cố hóa.Ảnh: CÔNG TÚ
Nhờ nhân dân hiến đất, đường giao thông mới được mở rộng và kiên cố hóa.Ảnh: CÔNG TÚ

Giá trị đất ở ven tuyến tỉnh lộ 610B ngày mỗi tăng nhưng người dân Điện Quang vẫn tự giác thu dọn cây cối, tộc họ xung phong tháo dỡ hoặc di chuyển cổng nhà thờ có giá trị vật chất lẫn tâm linh vào bên trong, hiến mặt bằng cho nhà nước thi công. Ở các xã Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa hay Điện Thắng Trung, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam, phong trào “hiến đất mở đường” diễn ra sôi động không kém. Người dân còn trực tiếp góp công sức để kiên cố hóa giao thông nông thôn, nội đồng. Trưởng thôn La Hòa (xã Điện Phước) - ông Thái Đình Trúc cho biết thêm, sau khi “dồn điền đổi thửa”, nông dân lại tình nguyện “nhường đất” kiên cố hóa kênh mương, mở rộng đường nội đồng. Bởi họ ý thức rằng, đường sá được kiên cố hóa và mở rộng góp phần tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn lực tổng hợp

Điểm sáng trên mặt trận xây dựng NTM ở Điện Bàn là giải quyết tốt câu chuyện “an cư”. Được biết, thị xã hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 431 nhà và sửa chữa 1.647 nhà ở cho gia đình chính sách hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn chỉ trong vòng 5 năm. Nhờ vậy, trên địa bàn có 30.007/32.300 nhà đạt chuẩn theo quy định, không còn mái ấm nào tạm bợ rồi  đêm nằm thấy cả sao trời. Nông dân vui mừng. Cả xóm giềng cũng cảm nhận rõ ràng hơn sức sống mới của quê hương từ ngày xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc có lần tâm sự, ngoài vai trò của nhà nước, nông thôn Điện Bàn có sự chuyển động không ngừng bởi người dân đã phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng của quê hương. “Tựa” vào dân, thị xã triển khai nhiều đề án mang tính thúc đẩy sản xuất phát triển và hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, đề án kiên cố hóa trường học thật sự tạo dựng dấu ấn đậm nét. Những người có trách nhiệm của thị xã và 13 xã vùng nông thôn linh hoạt huy động nguồn lực tổng hợp cho sự nghiệp trồng người. Ở các xã Điện Tiến hay Điện Hồng, những người xa xứ đau đáu với sự học của thế hệ sau nên đã tài trợ hàng tỷ đồng cho quỹ khuyến học. Thống kê qua 5 năm, các xã có 351 phòng học, phòng chức năng và các phòng phụ trợ khác được xây mới, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con trẻ. Đến nay, toàn bộ 46 trường ở 3 cấp học mẫu giáo, tiểu học và THCS đều đạt chuẩn quốc gia.

Về khu vực trung tâm, diện mạo chợ nông thôn của 13 xã cũng khác hẳn khi hầu hết đều được sửa chữa, nâng cấp. Những ngôi chợ đảm bảo các tiêu chuẩn về nhà lồng kiên cố, có biển hiệu, trang bị hệ thống cấp nước, điện cùng hệ thống thu gom xử lý rác. Cạnh đó, bình phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh đều đầy đủ, có niêm yết nội quy chợ, bố trí văn phòng ban quản lý chợ, bãi đậu xe... Theo ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Điện Bàn, hoạt động của 21 chợ đã thu hút hơn 3.000 hộ vào đăng ký kinh doanh. Hàng ngày, những địa điểm này giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Tiểu thương ăn nên làm ra góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thương mại, tăng thu ngân sách thị xã (gần 2 tỷ đồng/năm).

CÔNG TÚ

Tận dụng cơ hội đầu tư

Từ chủ trương lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp nhiều địa phương ở Điện Bàn huy động được các nguồn lực đầu tư, góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa thêm khang trang hiện đại.

Hoàn thiện thiết chế văn hóa

Qua 2 năm kể từ khi đưa vào hoạt động, Trung tâm VHTT xã Điện Hồng trở thành điểm sinh hoạt vui chơi của người dân trên địa bàn xã. Hiện, đã có 4 câu lạc bộ được thành lập gồm CLB thơ ca, hò vè; võ thuật; cờ tướng và CLB đàn hát dân ca với gần 100 thành viên đăng ký tham gia sinh hoạt thường xuyên. Theo ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng, chủ yếu nhờ các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong tổng số kinh phí 4,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng Trung tâm VHTT xã thì nguồn vốn từ chương trình mục tiêu chiếm gần 1,5 tỷ đồng, thị xã hỗ trợ 1 tỷ đồng, số tiền còn lại huy động xã hội, đóng góp của người dân và ngân sách địa phương thông qua khai thác quỹ đất. Ngoài ra, chương trình cũng hỗ trợ 325 triệu đồng cải tạo nâng cấp sân vận động; phân bổ hàng tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 14 nhà văn hóa thôn, giúp đưa Điện Hồng về đích đạt chuẩn xã NTM. “Hiệu quả của việc lồng ghép 2 chương trình là rất tốt. Vì nếu không có chương trình NTM sẽ không có được nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa. Từ sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước tạo điều kiện thuận lợi huy động nguồn lực xã hội dễ dàng hơn” - ông Tuân phân tích.

Trung tâm VHTT xã Điện Phương đang được tỉnh hỗ trợ thêm hơn 700 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện các phòng chức năng.
Trung tâm VHTT xã Điện Phương đang được tỉnh hỗ trợ thêm hơn 700 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện các phòng chức năng.

Điện Hồng chỉ là một trong số hàng chục xã được hưởng lợi lớn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa từ chương trình mục tiêu xây dựng NTM ở Điện Bàn. Có thể kể đến xã Điện Quang, Điện Phong, Điện Trung, Điện Phương, Điện Phước… Tại Điện Phương, dù đến nay 11/11 thôn đã có nhà văn hóa ổn định với sức chứa 100 - 150 chỗ ngồi. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của một xã NTM, thời gian qua Điện Phương cũng đã được tỉnh phê duyệt kinh phí đầu tư trên 7,4 tỷ đồng nâng cấp, xây mới các nhà văn hóa thôn, khu văn hóa thể thao xã và Trung tâm VHTT xã. Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương khẳng định. “Các thiết chế văn hóa hoàn thiện thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong thực hiện các chủ trương chính sách của nhà nước, khơi gợi lòng tự hào và sự đồng lòng để cùng đóng góp xây dựng quê hương”.

Tiếp tục đầu tư

Theo bà Lương Mỹ Linh - Phó phòng VHTT thị xã Điện Bàn, một trong những mục tiêu của chương trình xây dựng NTM cũng chính là cụ thể hóa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trước đây. Trong 19 bộ tiêu chí xây dựng NTM, ngành văn hóa thông tin phụ trách 3 tiêu chí: cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện và văn hóa. Để có thể về đích sớm, ngay từ khi phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Điện Bàn (1999) việc huy động các nguồn lực để hoàn thiện các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa thôn, sân vận động, cổng chào…) cũng đã được triển khai rộng khắp. “Cái khác của chương trình NTM so với trước đây là nguồn lực hỗ trợ trong xây mới, sửa chữa các thiết chế văn hóa đều được quy định rõ ràng, đặc biệt số tiền cũng nhiều hơn” - bà Linh nhận xét.

Tính đến năm 2015 trên địa bàn thị xã đã có 12 trung tâm VH-TT cấp xã, phường, 10 sân vận động được đầu tư nâng cấp, xây mới. Riêng ở thôn, khối phố chương trình đã đầu tư xây mới 26 nhà văn hóa và nâng cấp 73 nhà văn hóa thôn, khối phố ở 10 xã NTM. Tổng kinh phí đầu tư dành các công trình trên hơn 59 tỷ đồng (trung ương, tỉnh hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của thị xã, xã và dân đóng góp).

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, việc có cơ chế hỗ trợ cụ thể giúp hầu hết xã NTM hoàn thiện xong các thiết chế văn hóa. Tuy vậy, để tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng văn hóa, trong năm 2016 từ nguồn hỗ trợ xây dựng NTM cũng như sự linh động chuyển đổi nguồn vốn, Điện Bàn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp thêm 4 trung tâm VHTT tại 4 xã, phường là Điện Tiến, Điện An, Điện Minh, Điện Phương. Đồng thời cũng sẽ đầu tư nâng cấp, xây mới 10 sân vận động tại các xã Điện Phương, Điện An, Điện Nam Đông, Điện Minh, Điện Tiến, Vĩnh Điện, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Ngọc. Riêng các thôn, khối phố sẽ đầu tư xây mới, nâng cấp 82 nhà văn hóa thôn, khối phố; xây  mới, nâng cấp 84 khu thể thao thôn, khối phố tại 10 xã, phường là Điện Tiến. Điện Minh, Điện Phương, Điện An, Vĩnh Điện, Điện Dương, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Ngọc nhằm đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động theo quy định. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 30 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và tỉnh gần 20 tỷ đồng.

KHÁNH LINH

Tiền đề xây dựng nông thôn mới

Đầu tư cho nông nghiệp trở thành kinh tế mũi nhọn góp phần rút ngắn chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) của Điện Bàn.

Nâng cao năng suất lúa

Ông Nguyễn Hữu Tuân  - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, trên địa bàn 14 thôn của xã có 700ha đất canh tác lúa. Trong vòng 5 năm trở lại đây nhờ địa phương nỗ lực đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm điện và kiên cố hóa nhiều tuyến kênh mương trọng yếu nên số diện tích đất lúa vừa nêu đều đảm bảo nguồn nước tưới. Đặc biệt, sau khi tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng, các hợp tác xã nông nghiệp đứng ra làm khâu trung gian để nông dân liên kết với nhiều doanh nghiệp triển khai sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm. Ông Tuân nói: “Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi vụ nông dân Điện Hồng ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất ít nhất 150ha giống lúa thuần. Thực tế cho thấy, canh tác theo hướng này giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng không dưới 15% so với làm lúa thương phẩm. Việc liên kết giúp nhà nông rất yên tâm trong quá trình sản xuất bởi sản phẩm được đảm bảo đầu ra”.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên những cánh đồng mẫu lớn của xã Điện Phước. Ảnh: VĂN SỰ
Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên những cánh đồng mẫu lớn của xã Điện Phước. Ảnh: VĂN SỰ

Theo tìm hiểu, hiện mỗi vụ nông dân Điện Bàn gieo sạ 5.700ha lúa. Để chủ động cung ứng nước tưới, chính quyền thị xã ưu tiên nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng thủy lợi. Hiện toàn bộ 5.700ha đất lúa đó bảo đảm nước tưới trong cả 2 vụ sản xuất đông xuân và hè thu. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, ngoài việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa thì thời gian qua nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn thị xã cũng đã đưa 2.000ha đất khác vào sản xuất lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng mạnh của thị trường. Bình quân 1ha đất sản xuất lúa chất lượng cao/vụ cho mức thu nhập khoảng 42 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với trước đây làm thóc thịt. Cũng theo lời ông Chơi, thực hiện Quyết định số 33 (ngày 17.11.2011) của UBND tỉnh, hơn 4 năm qua từ khoản kinh phí do ngân sách tỉnh cấp kết hợp với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ cho những hợp tác xã nông nghiệp và nông dân gần 5,6 tỷ đồng để có điều kiện đầu tư mua 175 máy móc các loại về phục vụ sản xuất. Ông Chơi nói: “Trong những năm qua nông dân Điện Bàn đã bỏ ra hơn 83 tỷ đồng mua 192 máy gặt đập liên hợp, 259 máy làm đất 4 bánh, 25 máy sấy nông sản. Nhờ vậy, hiện nay 100% diện tích đất sản xuất lúa của địa phương đã được cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch”.

Phát triển vùng chuyên canh, chăn nuôi hàng hóa

Điện Bàn hiện có tổng cộng 3.500ha đất màu, tính đến thời điểm này đã có 90% diện tích cơ bản chủ động nước tưới quanh năm. Toàn bộ số diện tích đất màu vừa nêu đều đạt giá trị hơn 100 triệu đồng/ha/năm, thậm chí có một số vùng đạt 200 - 400 triệu đồng/ha/năm. Để nhanh chóng tạo dựng những vùng chuyên canh, xen canh rau thực phẩm và các loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức sản xuất hàng hóa, thời gian qua ngành nông nghiệp thị xã cùng chính quyền các địa phương hết sức chú trọng khâu tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác ở từng nơi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, xác định nước tưới là vấn đề vô cùng quan trọng nên những năm qua Điện Bàn đã bỏ ra 25 tỷ đồng để kéo 25km đường dây điện trung - hạ thế và lắp đặt 17 trạm biến áp để thủy lợi hóa hàng loạt diện tích đất màu.

Những năm qua, gia đình ông Nguyễn Đức Sơn (thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ) đã đầu tư khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô 100 con heo nái sinh sản, 18 con heo đực giống lấy tinh, 50 con bò nái lai và 3.000 con gà thịt trên tổng diện tích 6ha đất. Ông Sơn chia sẻ: “Bình quân hàng năm trang trại chăn nuôi của tôi đạt tổng doanh thu gần 3,4 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lãi ròng không dưới 500 triệu đồng”. Bà Hồ Thị Nguyệt - chuyên viên phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhân dân thị xã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi theo hình thức trang trại và gia trại. Hiện Điện Bàn đã có 63 mô hình trang trại chăn nuôi được công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 27 do Bộ NN&PTNT ban hành ngày 13.4.2011. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 60 gia trại chăn nuôi bò lai, cá nước ngọt, gà thả vườn… với quy mô vừa. Bà Nguyệt nói: “Qua thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm 1 mô hình trang trại chăn nuôi ở Điện Bàn có doanh thu 2,9 tỷ đồng và lợi nhuận 600 triệu đồng. Còn về chăn nuôi gia trại, bình quân hằng năm 1 mô hình có doanh thu 100-120 triệu đồng, lợi nhuận 20-30 triệu đồng”.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: “Điện Bàn được xem là “ngọn cờ đầu” trong việc đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại và gia trại. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng cộng 130 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT. Thế nhưng, chỉ riêng Điện Bàn đã có 63 trang trại đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 50%. Theo tôi, việc địa phương này tập trung phát triển mạnh loại hình kinh tế đó là một hướng đi đúng, bởi đây là mũi nhọn của lĩnh vực nông nghiệp, góp phần rất lớn trên tiến trình xây dựng NTM”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về đích với Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO