(QNO) - Trong lịch sử vùng đất xứ Quảng, sông Thu Bồn có một vị trí, vai trò đặc biệt trong việc tạo nên tính cách của một mô hình kinh tế trao đổi ngang - dọc và định dạng những giá trị văn hóa.
Ngoài việc trở thành một tuyến đường giao thông huyết mạnh thời kỳ Champa và Nguyễn, đến thời kỳ hiện đại đã được khai thác với một giá trị mới là thủy điện. Cụ thể là dự án thủy điện Nhơn Trạch trên sông Thu Bồn. Khi chúng ta gác qua yếu tố chính trị sẽ cung cấp những góc nhìn về việc khai thác thủy điện trên sông Thu Bồn hiện nay và sự tác động qua lại giữa kinh tế với quốc phòng dưới góc nhìn của một học thuyết về địa lý.
Việc xây dựng các công trình thủy điện trên lãnh thổ Việt Nam (cả miền Bắc và miền Nam) được bắt đầu chú ý và xây dựng vào đầu những năm 1960. Đối với miền Bắc, được sự hỗ trợ về kinh tế và kỹ thuật của Liên Xô, Việt Nam đã tiến hành khởi công xây dựng thủy điện Thác Bà vào ngày 19.8.1964 trong chương trình kế hoạch kinh tế 5 năm (1960-1965) của Đại hội Đảng lần thứ III.
Ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn với sự hỗ trợ của các nước tư bản cũng bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện để cung cấp điện cho các vùng trọng yếu. Trong đó, nhà máy thủy điện đầu tiên là Đa Nhim với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, được khởi công vào năm 1962.
Đối với tỉnh Quảng Nam, sau khi nhà máy thủy điện Đa Nhim khởi công, ngay cùng năm (tức 1962), phái bộ viện trợ kinh tế và kỹ thuật Pháp tại Việt Nam đã đề xuất chính quyền Sài Gòn việc viện trợ để nghiên cứu dự án nhà máy thủy điện Nhơn Trạch trên sông Thu Bồn thuộc sự quản lý chung của Khu kỹ nghệ An Hòa - Nông Sơn.
Trong phiếu trình lên Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn đã nêu rõ quy mô và ý nghĩa của công trình, ngoài việc đảm bảo nguồn điện cho Quảng Nam và đô thị Đà Nẵng, thì đây là: “Một dự án lớn lao thuộc khu kỹ nghệ An Hòa Nông Sơn: lập một nhà máy thủy điện 200.000kW cho cả miền Huế, Kon Tum, Gia Lai; bổ sung để điều hòa mức nước trong khu vực 100.000ha, dẫn thủy nhập điền khu Tam Kỳ 40.000ha; lập một hồ chứa nước dài 120km chia ra nhiều quãng; kinh phí 40.000.000 USD; dung lượng hồ 4,5 tỷ mét khối; đập cao 110 - 120m; lưu lượng nước 100.000 - 500.000m³/s”[1].
Như vậy, dự án này là dự án thứ hai của khu vực miền Nam Việt Nam sau Đa Nhim. Điều này cho thấy, hệ thống sông Thu Bồn cùng với hệ thống sông Đồng Nai có nguồn tiềm năng thủy điện lớn. Tuy nhiên, dù dự án có tính cấp thiết và ý nghĩa lớn lao như vậy nhưng đã không được thực hiện vì nhiều lý do. Bởi với tính chất của cuộc chiến, chính quyền Sài Gòn chú trọng đến tính lợi ích kinh tế cục bộ của mình hơn là đời sống của dân cư trong các vùng mà dự án có ảnh hưởng nên một khi tình hình chiến sự của khu vực Quảng Nam trở nên khốc liệt thì dự án không được thực hiện là điều dễ hiểu, và trên thực tế đã diễn ra như vậy.
Mặc dù không được thực hiện trong thực tế, nhưng dưới góc độ về việc tận dụng lợi thế về tài nguyên và vị trí địa lý, đã cung cấp một góc nhìn toàn diện hơn về mối liên hệ giữa yếu tố kinh tế và an ninh chính trị trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đặc biệt đối với vị trí của Quảng Nam và Đà Nẵng.
Hiện nay, việc khai thác thủy điện của các nhà máy thuộc hệ thống sông Thu Bồn đã được tiến hành với nhiều dự án khác nhau và đang hoạt động, nhưng gây ra tác động “ngược” nhất định có tính dây chuyền đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là tình trạng khai thác thủy điện thiếu quy hoạch đồng bộ. Để đem lại lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp, giữa việc đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên và hạn chế thấp nhất những tác động của lũ lụt - nghĩa là cần đầu tư một thủy điện quy mô và điều hòa lợi ích là tốt nhất chứ không nên quá nhiều như hiện nay. Bóc tách vấn đề chính trị ra, đó là một bài học bổ ích về việc tận dụng tiềm năng vốn có của địa phương để có chiến lược phát triển hợp lý và hài hòa.
--------------------
[1] Bản tin số 465/AH-A.2 của Tổng quản trị viên Khu kỹ nghệ An Hòa Nông Sơn gửi Phó Tổng thống VNCH về việc sự án thiết lập nhà máy thủy điện trên sông Thu Bồn. Hồ sơ ĐICH-15108, TTLTQG II.