Ngoài những điểm đến nằm trong lòng nội đô, có một nơi mà khi đến Hà Nội, những người yêu vẻ thô mộc chân quê và những nét đặc trưng của làng Bắc bộ luôn cố tìm đến là làng cổ Đường Lâm, dù nó nằm cách trung tâm Hà Nội tới hơn 50km.
Có tuổi đời hơn 400 năm, làng cổ Đường Lâm (gồm 3 làng nhỏ ghép lại là Đông Sàng, Cam Thịnh và Mông Phụ) hấp dẫn nhiều người bởi quần thể kiến trúc làng cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn với 956 ngôi nhà được xây bằng đá ong cùng các phụ liệu tre, nứa, đất nện, mùn cưa và trấu; cùng với đó là một “hệ thống biểu tượng” cây đa, giếng nước, sân đình. Trải qua thời gian, những bức tường đá ong ở đây hoặc bị bào mòn nham nhở hoặc rêu phong xám mờ. Bao đời nay hình như nếp làng ở đây không hề thay đổi: vẫn là những ngôi nhà 5 hoặc 7 gian gắn liền hài hòa với sân, vườn, bình phong, giếng nước, cây rơm, bếp, cổng có mái che và đặc biệt là một vạt đất riêng với lỉnh kỉnh chum vại ủ tương. Và nữa, hầu như nhà nào cũng trồng cây mộc, một loại cây thân gỗ, hoa trắng phớt hồng li ti, bốn mùa tỏa hương u trầm cổ kính.
Khắp làng Đường Lâm, đâu đâu cũng thấy đá ong. Ảnh: BẢO ANH |
Đến Đường Lâm, dù là lần đầu, nhiều người vẫn cứ thấy quen ngay khi vừa chạm cổng làng Mông Phụ. Vì chiếc cổng ấy đã xuất hiện quá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Và vì chiếc cổng ấy đẹp quá, đặc trưng quá. Làng toàn đá ong nên cổng làng hẳn nhiên cũng được xây bằng đá ong kết vòm, trên có hai mái che, bên cạnh là cây đa hơn 300 tuổi, bến nước, ao sen... Nghe đâu cổng được xây từ năm 1833, cảnh quan chung quanh cũng được tạo dựng từ thời ấy và được gìn giữ mãi đến bây giờ. Và, phía sau chiếc cổng ấy là cả một vùng đá ong với những bức tường cao nối tiếp nhau, lúc khép lại khi mở ra những khoảng không đầy bất ngờ. Như khoảng không khoáng đạt mà cổ kính, uy nghiêm ở đình làng Mông Phụ. Đình đã có tuổi đời hơn 380 năm, có lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa nông thôn Bắc Bộ. Sân đình được “cố ý” xây thấp hơn mặt bằng chung quanh, để mỗi khi có mưa, nước chảy tụ vào sân rồi thoát ra theo hai đường dẫn được tạo hình theo kiểu “râu rồng”. Một ý tưởng của khát vọng ấm no (nước chảy chỗ trũng), vừa là một niềm tự hào về thế đất rồng. Thêm nữa, hệ thống đường sá phía trước đình cũng rất độc đáo. Từ đây có đến 6 con đường tỏa ra khắp làng (hay mọi con đường trong làng đều phải tụ về đình?) và đặc biệt, cả 6 con đường đều được bố trí rất khéo để bất cứ ai khi từ đình bước ra một con đường nào đó, đình ở phía sau lưng nhưng không có chuyện “quay lưng” lại phía đình, phía cửa Thánh.
Với Đường Lâm, người phương xa có thể tự cảm nhận khi một mình thong thả dạo bước qua con đường làng quanh co và rất nhiều những ngách nhỏ in dấu biến thiên của thời gian qua những lớp gạch cũ - mới đan xen. Khi chân đã mỏi, có thể dựa lưng vào những bức tường đá ong, để nghe râm ran một luồng hơi nóng ẩm lan truyền; hoặc ngồi xuống chiếc ghế con ở hàng nước ven đường làng, nhấm nháp miếng chè kho ngọt lịm, nhâm nhi chén trà đậm chát và thoảng hương mộc hoa. Nếu cần nghe những câu chuyện của làng thì có thể hỏi bất kỳ ai, từ trẻ con đến người già. Những câu chuyện của đá ong thô mộc, tảo tần, khởi đi từ những ngôi nhà được đóng mốc xây dựng từ những năm xa lắc: 1649, 1703, 1850; từ những chiếc giếng cổ cũng được ghép từ đá ong sần sùi đầy rêu... Rồi chuyện về những vại tương cùng mối duyên không thể dứt của tương và rau muống, tương và cà, tương và thịt trâu, tương và cá đồng... Câu ca “anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” phải chăng xuất phát từ đây?
Đường Lâm là “đất hai vua”, là quê hương địa linh nhân kiệt, với bao tên người đã trở thành danh nhân: Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng), họa sĩ Phan Kế An... Người Đường Lâm luôn tự hào về điều ấy. Ngay từ khi khởi dựng cổng làng (làng Mông Phụ), người ta đã cho khắc dòng chữ “Thế hữu hưng ngơi đại” (thời nào cũng có người tài giỏi) rồi kia mà! Gắn liền với các danh nhân ấy là hệ thống đền miếu, nhà thờ, vừa cổ kính, uy nghiêm vừa độc đáo về kiến trúc, như nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng mộ Ngô Quyền... Ngồi trong những không gian uy nghiêm cổ xưa này, lại được nghe những câu chuyện từ đá ong, về đá ong, miên man…
BẢO ANH