Vẽ giấc mơ của chính mình

TRƯỜNG KỲ 27/11/2022 06:46

Hơn 3 năm nay, xưởng vẽ của Công ty Art For Arch tại số 106 đường Lý Nhật Quang (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bạn trẻ khiếm thính mê hội họa. Từ sự chỉ dẫn tận tình của họa sĩ Huỳnh Công Thành, họ thực sự được “vẽ những giấc mơ của chính mình”.

Họa sĩ Huỳnh Công Thành tại xưởng vẽ của mình.
Họa sĩ Huỳnh Công Thành tại xưởng vẽ của mình.

Sự kết nối ý nghĩa

Nhà cách xa xưởng vẽ của Công ty Art For Arch hàng chục cây số nhưng học viên khiếm thính Đỗ Thị Nguyên Chánh vẫn rất chuyên cần, được họa sĩ Huỳnh Công Thành tận tâm hướng dẫn. Sau nửa năm rèn luyện, Chánh khiến nhiều người bất ngờ trước năng khiếu hội họa, tiêu biểu nhất là bức “Mật mã thời gian” được sáng tác từ chuyến thực tế tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Đỗ Thị Nguyên Chánh là một trong số những học viên khiếm thính có duyên học hỏi và làm việc với họa sĩ Huỳnh Công Thành. Anh Thành kể, cái duyên ấy bắt đầu từ nhiều năm trước - thời điểm anh khởi nghiệp theo hội họa.

Bấy giờ, từ cuộc gặp tình cờ với một bạn nữ khiếm thính xin học việc tại phòng tranh, anh ấp ủ ý định về một xưởng vẽ, để vừa sáng tác vừa là không gian hướng dẫn hội họa cho người khuyết tật.

“Mọi thứ đều xuất phát từ mong muốn giản đơn của tôi. Các bạn đó có nguyện vọng được vẽ, có khả năng làm được việc. Bản thân tôi cũng muốn làm chung với các bạn. Vậy thì tại sao không tạo cho họ cơ hội phát triển ước mơ và được xã hội công nhận năng lực của mình” - anh Thành chia sẻ.

Nghĩ và làm, anh kết nối với Hội Người khuyết tật TP.Đà Nẵng để tìm kiếm học viên. Đến nay, số học viên của anh đã gần chục người.

Để thuận tiện cho việc hướng dẫn và làm việc với người khiếm thính, họa sĩ Huỳnh Công Thành mày mò học thủ ngữ (ngôn ngữ ký hiệu tay của người khiếm thính - PV) và mua sách nghệ thuật để phổ cập.

Anh học từ nhiều nguồn, trong đó từ chính những học viên của mình. Ban đầu là trao đổi qua giấy viết tay, kết hợp ghi nhớ, thường xuyên tương tác cùng nhau để tạo sự thân quen, cho đến khi tất cả kết nối được với nhau thông qua thủ ngữ.

“Mình phải học thủ ngữ vì nó sẽ là đường dây liên lạc, thấu hiểu giữa mình đến thế giới của các bạn. Thế giới đó thú vị hơn mình nghĩ, mỗi bạn lại có một thói quen giao tiếp riêng, thuật ngữ hội họa thì phong phú nên bản thân mình phải cập nhật vốn từ mỗi ngày để hiểu các bạn hơn” - anh Thành bộc bạch.

Lan tỏa nghị lực sống

Họa sĩ Huỳnh Công Thành chia sẻ, những học viên khiếm thính tìm đến mình như “trang giấy trắng” trong hội họa. Mỗi người có một tư duy, một cảm nhận. Có trường hợp không thể thích nghi với môi trường học đường thông thường.

Vì thế, anh hy vọng mỗi bạn trẻ đến với xưởng vẽ này sẽ tìm ra con đường phù hợp nhất cho bản thân. Dần dần, các bạn đã làm chủ được nét vẽ, thể hiện được tâm tư, tình cảm vào những mảng màu. Nhiều tác phẩm của các bạn đạt chất lượng cao, được Công ty Art For Arch trưng bày và bày bán, đồng thời hỗ trợ tham dự các cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.

Tác phẩm “Mật mã thời gian” của họa sĩ khiếm thính Đỗ Thị Nguyên Chánh. Ảnh: TRƯỜNG KỲ
Tác phẩm “Mật mã thời gian” của họa sĩ khiếm thính Đỗ Thị Nguyên Chánh. Ảnh: TRƯỜNG KỲ

Anh Thành và những người tại công ty chưa bao giờ nói với khách mua tranh về hoàn cảnh của các họa sĩ đặc biệt này, bởi anh muốn mỗi tác phẩm được bán ra từ sự cảm thụ nghệ thuật chứ không vì yếu tố nào khác.

Với Đỗ Thị Nguyên Chánh, cô gái trẻ đã nhìn thấy được ngôn ngữ của riêng mình từ màu sắc hội họa. “Bây giờ màu sắc là ngôn ngữ, soi đường cho cảm xúc của mình trong những tác phẩm” - Chánh chia sẻ.

Tự nhận mình ít nói, còn nghề vẽ đòi hỏi sự tĩnh lặng, thư thái để sáng tác, Huỳnh Công Thành rất vui vì gặp được các bạn trẻ đúng lúc, đúng thời điểm. “Tất cả gắn kết với nhau trong thế giới tĩnh lặng của hội họa. Những học viên ở đây sống tình cảm, có năng lực cảm thụ và sáng tạo cũng như tinh thần vượt khó. Những điều đó tiếp thêm cho tôi động lực và niềm vui trong sáng tác và cuộc sống” - anh Thành cho biết.

Sắp tới, xưởng vẽ của anh Thành tiếp tục đào tạo hội họa cho những bạn trẻ, người khuyết tật có nguyện vọng. Anh cũng mong muốn các phụ huynh có con bị khiếm khuyết có thể tìm cho con mình một hướng đi phù hợp với các em trong tương lai.

Theo bà Ðặng Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP.Đà Nẵng, khi họa sĩ Huỳnh Công Thành liên hệ và đề cập việc có thể dạy nghề và tạo việc làm cho các bạn khiếm thính, đơn vị đã tìm hiểu cụ thể tiêu chí tuyển dụng, sau đó thông báo trong group facebook mạng lưới Hội Người khuyết tật để tìm người có nhu cầu và phù hợp với tiêu chí trên. Đơn vị cũng vừa giới thiệu một người khuyết tật ở Quảng Nam đến với xưởng vẽ và trường hợp này sẽ đi học nghề sau khi hoàn thành chương trình học văn hóa.

“Chúng tôi đã kết nối một số bạn khiếm thính vào làm phục vụ quán cà phê, một vài bạn làm tạp vụ ở khách sạn, một số bạn khuyết tật vận động thì làm nhập liệu/vẽ autocad. Tôi vẫn luôn hy vọng có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tại Đà Nẵng tạo cơ hội nhận người khuyết tật vào làm việc. Hội Người khuyết tật TP.Đà Nẵng sẽ giúp đỡ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng người khuyết tật và có thể hỗ trợ tâm lý cho đối tượng này trong thời gian đầu” - bà Giang cho biết.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẽ giấc mơ của chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO